Theo Người Việt-11-16- 2015 3:25:31 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Tương quan nhân-quả và “phải đạo chính trị.”..
Con người ta, kể cả các bậc tu hành theo phép khắc kỷ hay khắc khổ, ai cũng có thể là “sinh vật kinh tế,” nói văn hoa là homo economicus, vì biết tính toán trước sau để làm cái việc có lợi nhất. Trời mưa thì chẳng ai thay mái nhà - trừ phi bị dột thì chỉ tạm lợp chỗ dột mà thôi. Và thời giờ ấy ta làm việc khác có lợi hơn.
Tính toán trước sau là so sánh lợi hại - hay lời lỗ - trong từng trường hợp. Nhưng tính toán trước sau không nhất thiết có nghĩa là hiểu được tương quan nhân quả.
Nói cho đơn giản, kinh tế học là môn học về tương quan nhân quả trong lãnh vực kinh tế. Xin lỗi chư tăng, tương quan nhân quả của giới kinh tế phàm tục là hiểu ra nguyên nhân của sự việc dẫn tới một số hậu quả nào đó. Phân tích hành động kinh tế, cân nhắc lợi hại, là tìm hiểu về các động lực khích lệ đang có lúc ấy - chẳng hạn, vào giờ “happy hours” thì bia rượu bán rẻ hơn chút đỉnh - chứ không tìm hiểu về mục tiêu hay động lực của sinh vật kinh tế, hay dân nhậu, vào lúc chán đời.
Cái tương quan ấy không chỉ là hậu quả một chiều. Nhà hàng này mà hạ giá để chiêu khách thì nhà hàng kia cũng có phản ứng để cạnh tranh thắng lợi nên khách có thêm cơ hội chọn lựa mà lượng khách thay đổi lại làm các cửa hàng phải tính khác, sao cho có lợi nhất. Đấy là một chuỗi phản ứng liên tục. Sợ chúng ta không hiểu, giới kinh tế dùng chữ khó hiểu hơn, rằng “tương quan nhân quả có tính chất tương hằng và thường xuyên!”
Rời nhà hàng mà nhìn rộng ra ngoài, ai cũng có thể thấy rằng con người ta... không có tự do!
Chúng ta bị nhiều quyết định hay hành động của người khác chi phối - mà lắm khi mình không biết và cũng chẳng dự tính. Chỉ vì dự tính thế này thì sự thể trên thị trường lại biến thái khác làm mình thay đổi. Trên một thị trường có cả vạn và triệu người cùng tương tác như vậy thì sinh vật kinh tế là chúng ta bị bàn tay vô hình của thị trường sai khiến mà không biết.
Nhưng nhiều người tưởng rằng biết lại giải thích sự thể một cách sai lạc hơn, nên... kinh tế cũng là chính trị: Xin đừng nghe lời giải thích sai! Bài này nêu vài thí dụ loại “nhập môn,” cho vui.
Một thí dụ đơn giản là giá tăng có thể là một sự thay đổi về cung cầu, tức là tương quan nhân quả, nhưng thường bị giải thích sai là hậu quả của lòng tham. Rau cỏ mùa Đông thường hiếm hơn nên đắt hơn, chứ không là kết quả của ông bà bán phở nổi máu tham, cho có ba lá rau húng quế!
Một thí dụ khác, rắc rối hơn một chút, là các tiệm bách hóa trong một khu bình dân nghèo khổ thường bán giá đắt hơn một khu sang trọng giàu có. Lý do không phải là cửa hàng đó muốn bóc lột cư dân nghèo mà là một tương quan nhân quả: Giao hàng trong một khu lao động nghèo thường tốn kém hơn do chi phí cao hơn về bảo hiểm hay an toàn cho người vận chuyển vì khu vực này cũng kém an ninh, dễ có cướp giật hay trộm cắp. Ông bà chủ một tiệm bách hóa Đại Hàn trong khu Harlem có thể mắc tội bóc lột hay kỳ thị người da đen ở địa phương, nhưng họ hiểu tương quan nhân quả hơn những kẻ làm luật định giá tối đa để nâng đỡ dân da đen.
Cái luật lệ rất phải đạo về luân lý chính trị ấy dẫn tới hậu quả bất lường là làm hàng hóa càng khan hiếm hơn vì hàng quán bị lỗ nên nhà chủ dẹp tiệm, đi kiếm tiền trong khu nhà giầu.
Để khỏi mang tiếng kỳ thị phái nữ, xin nhìn vào một tương quan nhân quả khác. Cùng một trình độ kiến năng, biết và làm được, lương của phụ nữ thường thấp hơn lương của nam nhân viên. Nguyên nhân là phụ nữ còn có chức năng sinh đẻ và nuôi con nên có thể phải nghỉ việc ít lâu trong thời gian lao động nên mất kinh nghiệm và thâm niên. Trong lãnh vực điện toán thì hiện tượng này là sinh tử vì những thay đổi rất nhanh của kỹ thuật.
Sự thật chi tiết tại Hoa Kỳ là từ hơn bốn chục năm qua cho đến nay, lương một phụ nữ độc thân - không có nhu cầu đẻ con - lại hơi cao hơn một đồng nghiệp nam giới có cùng trình độ kinh nghiệm và tay nghề. Họ tận tụy và kỷ luật hơn nên có năng suất cao hơn. Nhưng trên tổng thể thì trung bình đồng lương của nữ nhân viên thường thấp hơn khoảng 75%. Các phong trào tranh đấu cho nữ quyền liền diễn giải sai tương quan nhân quả và can thiệp vào thị trường bằng luật lệ phải đạo về chính trị. Họ không thấy một tương quan nhân quả chình ình: Nếu đồng lương phụ nữ mà thấp hơn nam giới 75% thì doanh nghiệp có thể tuyển bốn nữ nhân viên thay vì thuê ba ông đực rựa có cùng khả năng. Máu tham kỳ diệu cứu giúp các bà đỡ thất nghiệp!
“Lòng tham” của doanh nghiệp gây ra hậu quả bất lường khá phổ biến trong thế giới kinh tế mà lại bị che lấp bởi tinh thần “phải đạo” rất phi kinh tế, thậm chí phản kinh tế!
Bài viết nhức đầu này xin kết thúc với một tin vui. Tháng tới đây, Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ có thể nâng lãi suất thay vì giữ mãi ở gần số không từ sáu năm nay, có khi còn là lãi suất âm như tại Âu Châu hay Nhật Bản. Đấy là một tin vui cũng vì tương quan nhân quả trong kinh tế.
Theo lý luận của kinh tế gia John Maynard Keynes, thần tượng của cánh tả, khi kinh tế suy trầm thì người ta nên hạ lãi suất để tiền rẻ và nhiều hơn sẽ kích thích tiêu thụ và sản xuất. Nhưng, lãi suất quá rẻ lại là một loại thuế đánh trên dân nghèo có chút tiền tiết kiệm cò con. Khi lãi suất nằm ngang sàn hay còn chìm xuống thảm thì nhà giàu ca hát mà dân nghèo than van.
Kinh tế nhập môn dạy rằng lãi suất là tiền đi vay và sẽ trả. Nó vừa là phí tổn vừa là biện pháp an toàn. Đồng tiền sẽ nhận lại ngày mai, năm sau, tháng tới, không được an toàn bằng đồng tiền đang nắm trong tay vì có thể mất giá. Điều ấy chỉ có nghĩa là tương lai bao giờ cũng bất trắc hơn hiện tại,mà tương lai càng xa càng lắm rủi ro. Vì vậy, phân lời dài hạn mới cao hơn phân lời ngắn hạn. Nhưng khi duy trì lãi suất quá thấp thì điều ấy có nghĩa là tương lai lại an toàn hơn hiện tại! Quái.
Các đại gia vay tiền quá rẻ từ khối tiết kiệm đã dồn qua thị trường chứng khoán và làm giàu lớn, trong khi giới tiết kiệm cò con, chủ nợ của các quỹ hưu bổng hay bảo hiểm nhân thọ thì méo mặt. Điều ấy cũng giải thích luôn vì sao kinh tế đã ra khỏi nạn suy trầm từ Tháng Bảy năm 2009 mà vẫn chưa thực sự phục hồi.
Những người cứ thích chuyện phải đạo không hiểu Keynes cho thấu mà cứ than rằng kinh tế Mỹ bất công, người giàu càng giàu hơn còn lợi tức dân nghèo chẳng thấy tăng. Họ không thấy ra thủ phạm là chánh sách tiền tệ bất thường của Ngân Hàng Trung Ương khi đánh thuế người có tiền tiết kiệm với lãi suất chết tiệt.
Hình như ngày xưa Tổng Thống Abraham Lincoln có dạy: “Ta không thể giúp người nghèo bằng cách tiêu diệt nhà giàu!” Ngày nay, con cháu của ông đang làm ngược lại, là làm người giàu cứ giàu thêm và người nghèo tiếp tục kiết xác. Họ tự xưng là áp dụng chính sách xã hội chủ nghĩa!
Chẳng lẽ ta phải tu chính Hiến Pháp với một điều khoản mới: “Ở một cấp nào đó trở lên thì ai muốn làm đại diện dân cử sẽ phải học một vài năm kinh tế nhập môn!” Thà vi phạm quyền tự do tư tưởng còn hơn duy trì tình trạng chính khách tự do nói láo vì ỷ rằng mình không biết...
No comments:
Post a Comment