Vú heo được bỏ dưới nền dất dơ bẩn
Vú heo thối tẩm ướp hóa chất, đóng vào thùng xốp, lén lút vận chuyển bằng xe khách từ các tỉnh phía bắc vào TP.HCM để hô biến thành vú dê tiêu thụ tại các quán ăn ngay giữa trung tâm TP.
Hiện trên khắp địa bàn TP.HCM nhiều quán bán thịt dê, lẩu bò thu hút rất nhiều thực khách. Hầu hết những quán này đều có món “khoái khẩu” là vú dê nướng. Nhưng trên thực tế, số lượng vú dê rất hiếm và rất khó để mua. “Tôi mua bán thịt dê lâu nay mà muốn ăn vú dê còn khó, nói chi người tiêu dùng. Nhiều quán bán vú dê nướng hiện nay toàn dùng vú heo nái nhập từ ngoài bắc vào rồi tẩm ướp biến thành vú dê lừa người ăn”, ông Nguyễn Thanh Vân (một người kinh doanh thịt dê tại TP.HCM) tiết lộ.
Hành trình mờ ám
|
PV Thanh Niên bám theo qua cầu Bình Triệu, xe ba gác này chạy đến giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ thì rẽ vào hẻm gần đó, thuộc địa bàn P.15, Q.Bình Thạnh. Lái xe cùng một số thanh niên khác chờ sẵn nhanh chóng khiêng những bao hàng vào bên trong nhà số 235/5D bis Bạch Đằng rồi đóng cửa lại.
Ngôi nhà 235/5D bis Bạch Đằng nằm trong con hẻm cụt chỉ vừa đủ một chiếc xe máy đi vào. Chủ nhà này được xác định là ông Trần Xuân Quảng (quê Hưng Yên), là một trong những người cung cấp vú heo cho nhiều quán ăn, quán nhậu - là đại lý vào loại lớn nhất tại TP.HCM. Tại đây ngoài ông Quảng còn có vợ, con gái và 4 người làm công thay nhau nhập hàng và phân phối tới các quán. Từ đầu hẻm đi vào đều có người thân của gia đình ông Quảng vừa buôn bán vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, nên người ngoài rất khó tiếp cận. Thậm chí, các cửa kính đều dán băng keo đen để tránh người lạ nhòm ngó.
Hằng ngày cứ tầm 5 giờ sáng, ngôi nhà này đã sáng đèn, bên trong các nhân viên đang sơ chế thành vú dê rồi bỏ vào các bịch ni lông đen để lên cân theo đơn đặt hàng.
6 giờ ngày 6.11, hai nhân viên của ông Quảng chở theo những bịch ni lông bên trong chứa vú heo thẳng hướng về trung tâm TP.HCM. Một người đàn ông đi xe máy biển số 51P7-2701 chở một bịch ni lông đen tới giao cho một quán lẩu bò lớn trên đường Trương Định (Q.3). Sau đó người này tiếp tục đi giao hàng cho một số quán dê trên địa bàn Q.5 rồi quay trở về lại điểm cũ. Trong khi đó, một nhân viên khác đi giao hàng tại các cửa hàng bán thịt bò, dê tại khu vực chợ Hòa Bình (Q.5).
Trong những ngày theo dõi, PV Thanh Niên cũng ghi nhận nhiều người đi xe máy tới nhận hàng tại nhà ông Quảng, sau đó chở về nhiều quán dê tại khu vực Q.Bình Thạnh, Phú Nhuận, Q.2...
Vú heo Trung Quốc “núp bóng” Nam Định
|
Qua làm việc, ông Quảng đã thừa nhận đây là nầm heo (tên gọi khác là vú heo) chứ không phải vú dê. Ông Quảng xuất trình một giấy chứng nhận kiểm dịch số 000076 do Chi cục Thú y tỉnh Nam Định cấp, người ký tên là kiểm dịch viên Phạm Công Đình. Qua kiểm tra tại đây, đoàn phát hiện 1.202 kg vú heo, ở các thùng xốp chứa vú heo, đoàn kiểm tra ghi nhận không dán tem vệ sinh thú y, không có tem niêm phong hàng của Chi cục Thú y tỉnh Nam Định.
Ông Quảng khai nhận số hàng trên được nhập từ Nam Định với giá 100.000 đồng/kg thông qua xe khách vào TP.HCM. Sau khi nhận hàng, ông đem về sơ chế rồi bỏ mối cho nhiều quán ăn trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên có mặt tại thời điểm kiểm tra, một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM nghi vấn lô hàng được nhập từ Trung Quốc. Vị cán bộ này nói: “Ông Quảng khai nhận, vú heo nhập từ Nam Định và giấy tờ do Chi cục Thú y tỉnh này cấp. Thế nhưng trên thực tế, đàn heo Nam Định bao nhiêu, mỗi ngày giết mổ bao nhiêu con heo nái để lấy vú heo? Khoảng 2 ngày ông Quảng nhập vú heo 1 lần, mỗi lần khoảng 1 tấn. Vậy đàn heo nái ở Nam Định có đáp ứng được không? Đây là những thông tin rất đáng ngờ. Qua kiểm tra các thùng xốp chứa vú heo còn nguyên băng keo chi chít chữ Trung Quốc. Rất nhiều khả năng, vú heo được nhập từ Trung Quốc, sau đó về Nam Định hợp thức hóa giấy tờ rồi vận chuyển vào TP.HCM tiêu thụ”.
Các nhân viên đang sơ chế vú heo - Ảnh: Công Nguyên
“Hơn nữa, giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y Nam Định cấp cũng là đáng ngờ. Trong giấy kiểm dịch không ghi rõ địa chỉ tới, không dán tem vệ sinh, tem niêm phong của thú y trên thùng xốp. Bên cạnh đó, vú heo dùng làm thực phẩm phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng để đảm bảo an toàn vệ sinh, nhưng giấy kiểm dịch này cấp cho xe khách vận chuyển”, cán bộ thú y này phân tích thêm.
Đáng lưu ý, khi đề cập đến chất bảo quản, vị cán bộ này bức xúc: “Trong khi chủ khai ướp đá lúc vận chuyển, thế nhưng qua kiểm tra không hề phát hiện dấu hiệu nào của việc ướp đá. Để biết cụ thể bảo quản là gì phải lấy mẫu xét nghiệm, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, vú heo này được ướp bởi hàn the với liều lượng cao nên mới giữ được lâu”.
Kiểm tra lại nhận định của cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM, ngày 14.11, PV Thanh Niên đã liên lạc với một chủ cung cấp vú heo có tên Lộc tại Nam Định để đặt hàng. Sau vài câu hỏi thăm dò, bà Lộc đồng ý cung cấp vú heo, nhưng với điều kiện phải chuyển tiền trước rồi mới giao hàng với giá 130.000 đồng/kg. Khi chúng tôi thắc mắc vú heo Nam Định hay Trung Quốc thì bà này nói: “Ở Nam Định lấy đâu ra vú heo nhiều mà cung cấp vô nam, chủ yếu từ Lạng Sơn về tôi lấy lại”, nói xong bà này cúp máy.
Qua kiểm tra những dòng chữ Trung Quốc trên nắp thùng xốp chứa vú heo tại nhà ông Quảng, dịch ra tiếng Việt thì đúng là: “Cơ sở Phong Nguyên khu A5 thị trường nông phẩm đường Vạn Tam, TP.Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc”.
Công Nguyên - Trác Rin
No comments:
Post a Comment