Saturday, October 24, 2015

Chuyện “nhỏ”? Thì hãy cứ bắt đầu từ chuyện “nhỏ”.

Song Chi— 10/23/2015 - 22:22 
Câu chuyện “đạo” thơ ầm ỹ của nhà thơ nữ Phan Huyền Thư với nhà thơ nữ Phan Ngọc Thường Đoan rồi cũng đi đến kết thúc. Lẽ ra đã không muốn lạm bàn thêm về việc này nữa, nếu không đọc thấy bài phỏng vấn ông Hữu Thỉnh, trên báo Một thế giới:“Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh: 'Vụ đạo thơ, tôi coi như Phan Huyền Thư đã nghịch dại'. Trong bài phỏng vấn này, có thể đọc thấy giọng điệu xuê xoa, cố bênh vực Phan Huyền Thư, cố làm nhẹ vấn đề của ông Hữu Thỉnh. Ông Hữu Thỉnh cho rằng:
“Phan Huyền Thư đã nghịch dại, một trò nghịch dại quá sai lầm ở độ tuổi này và ở vị trí như Thư.” Và nhắn nhủ mọi người:
“Khi mình là người lớn, mình nên bao dung hơn với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường hay bồng bột, háo thắng, ham danh, nên có thể những hành động của Phan Huyền Thư đã xúc phạm tới danh dự của Phan Ngọc Thường Đoan nên lời xin lỗi thông thường có lẽ khó chấp nhận ở thời điểm hiện tại.
Nhưng thời gian qua đi, chúng ta nên nhìn nhận ở một góc độ của những người làm thơ với nhau, của người lớn đối với các thế hệ sau của mình. Nên tha thứ, nên bao dung và chỉ bảo tận tình nếu có lỡ mắc sai lầm…”

(Hiện bài báo này đã không còn tìm thấy trên trang Một thế giới).
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đọc phần trả lời này của ông Hữu Thỉnh cũng phải thấy cái cách ông xuê xoa vấn đề thật khó mà chấp nhận. Ngay bản thân nhà thơ Phan Huyền Thư dù được ông Chủ tịch Hội nhà văn bênh vực, chưa chắc đã cảm thấy vui. Một hành động đạo thơ của một nhà thơ ngoài 40 tuổi mà lại gọi là “trò nghịch dại” của “trẻ nhỏ”. Nói như nhà văn Trần Đức Tiến:
“Chuyện đạo văn tai tiếng này có phải chỉ là “trò nghịch dại” của kẻ trẻ người non dạ như ai đó nói không? Tuổi bốn mươi (nếu tôi không lầm) mà còn non dại à? Nói thế là vẫn nói theo kiểu của bậc cha chú, bề trên, coi thường chị Thư, coi thường bạn đọc.” (bài “Thư nên nói đơn giản: Tôi đã lấy thơ”, báo Tiền Phong)
Nhân tiện, cũng phải nhắc lại ngay chính ông Hữu Thỉnh cũng đã từng dính nghi án “đạo” thơ khi bài thơ “Hỏi” của ông bị cho là giống như phỏng dịch bài thơ “Thượng đế sinh ra mặt trời” ("Gott schuf die sonne") của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig. Có thể đọc lại vụ này trong bài “Ai “đạo” ai?” của tác giả Thường Nhân trên talawas: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8523&rb=0101
Tự nhiên nghĩ, phải chăng vì chính mình cũng từng “đạo” thơ hay nhẹ nhất, từng “đọc ở đâu đó những tứ thơ và lưu lại ở trong đầu” như cách mà ông nói về vụ “đạo” thơ của Phan Huyền Thư trong bài phỏng vấn trên, nên ông mới có cách nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách dễ dãi như vậy?
Mà không chỉ riêng ông Chủ tịch Hội nhà văn, trong suốt quá trình xảy ra sự việc lùm xùm trên, bên cạnh những ý kiến phê phán nghiêm khắc, chúng ta vẫn thấy có những người hoặc cố tình bênh vực cho rằng cả một đám đông xúm lại đánh một người như vậy là tàn nhẫn, thiếu nhân tính quá; hoặc bao biện, làm nhẹ vấn đề kiểu như cho rằng chỉ là một bài thơ thôi, có gì đâu mà ầm ỹ, rằng đây đâu phải lần đầu tiên xảy ra một vụ “đạo” thơ “đạo” văn, đất nước này có bao nhiêu chuyện ăn cắp kinh khủng hơn, đáng nói hơn nhiều v.v…
Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về cái lối suy nghĩ xuê xoa mà nhiều người cho là khoan dung, trọng tình ấy. Cũng chỉ là những chuyện ngỡ như nhỏ, vặt vãnh, không quan trọng trong một đất nước có quá nhiều chuyện sai trái gấp nhiều lần hơn này.
Ví dụ như trong vô số những scandal lớn nhỏ của các cô Hoa hậu hay trong giới showbiz lâu nay. Một cô Hoa hậu bị chụp hình ngủ hớ hênh kém duyên trên máy bay hay có những hành vi không phù hợp như cứ để mẹ đi theo lúi húi nâng váy, một cô Hoa hậu khác thì cố tình nói dối là độc thân khi kê khai làm hồ sơ dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2012 trong khi đã có chồng, cô Hoa hậu khác nữa thì nói dối về trình độ học vấn v.v…cho tới những scandal phát ngôn thiếu văn hóa hoặc là “người thứ ba” của một ca sĩ X, Y, X…nào đó. Khi bị dư luận phát hiện và chỉ trích, cũng có không ít ý kiến cho rằng hoa hậu hay ca sĩ, nghệ sĩ cũng là người thường, cũng có những lúc sơ ý hoặc lỗi lầm, mọi người sao cứ hay săm soi vào đời tư của họ, họ làm gì yêu ai là quyền của họ, đám đông thật là độc ác, bất công…
Khi nói như vậy, sao người ta không nghĩ ngược lại rằng nếu các anh các chị ấy không phải là Hoa hậu, là ca sĩ, nghệ sĩ…thì có ai quan tâm đến đời tư cho tới cách ăn nói, hành vi ứng xử của họ không. Nhưng chính vì họ là Hoa hậu, là nghệ sĩ, những danh xưng này đã đem tới cho họ rất nhiều danh vọng, tiền bạc, những điều kiện sống hơn hẳn hàng triệu người khác trong xã hội cho tới tình cảm yêu mến của quần chúng; vinh quang hưởng đã đủ thì cũng phải có cái giá phải trả, đó là phải giữ gìn hình ảnh của mình trước mắt mọi người. Còn nếu không muốn bị săm soi thì hãy trả lại mọi thứ danh hiệu, rời xa hào quang, trở về làm người bình thường, chả sai săm soi gì đến mình nữa.
Cũng một câu chuyện “nhỏ” khác, như vụ cô gái có nickname là Huyền Chip khi phát hành hai cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”kể lại hành trình đi qua mấy chục quốc gia của mình, dư luận nghi ngờ cô nói dối về việc không có tiền và hoàn toàn tự lập mà vẫn đi được 25 nước, cũng như có rất nhiều chi tiết bị nghi ngờ về tính chân thực trong cuốn sách được cho là dạng nhật ký hành trình này, chưa kể cách cô kể về việc lao động chui, trốn vé, làm vé tham quan giả, thẻ nhà báo giả…, không dễ mà thực hiện đồng thời là vi phạm pháp luật ở nước người.
Vụ việc cũng làm “nóng” dư luận thời gian đó, thậm chí có ý kiến còn đòi thu hồi cuốn sách vì tác giả không trung thực, lừa dối độc giả. Nhưng cuối cùng mọi việc vẫn được cho qua. Và cô Huyền Chip ấy sau đó một thời gian được nhận học bổng của trường Đại học Standford năm 2014 và hiện đang du học tại trường này. Có ai đặt câu hỏi trong việc được nhận học bổng, ngoài lý do điểm SAT cao thì một hồ sơ với thành tích đi “phượt” qua 25 quốc gia, từng xuất bản 2 cuốn sách tự truyện về những chuyến đi là những điểm cộng rất lớn giúp cô gái này được học bổng bởi các trường đại học Mỹ vốn đánh giá cao những hoạt động bên ngoài trường lớp của các sinh viên tương lai?
Hay câu chuyện về một cô biên tập viên từng hai lần bị bắt quả tang ăn cắp khi đi sang nước ngoài, nhưng sau đó vẫn tiếp tục điềm nhiên làm việc ở VTV, phụ trách một chương trình văn hóa vì thuộc diện “con ông cháu cha”.
Đúng là tất cả những câu chuyện này xét về mặt “hậu quả” là rất nhỏ bé, chẳng gây hại gì cho ai ngoại trừ làm mất thêm niềm tin vào con người, trong một xã hội có quá nhiều những vấn đề to lớn cần phải nói đến. Nhưng có bao giờ người Việt chúng ta nghĩ rằng chính vì cái thói xuê xoa, khoan dung, bao biện của chúng ta mà xã hội này mới đầy dẫy những hành vi sai trái, thiếu tính trung thực, thiếu tự trọng như vậy?
Hãy nhìn người Nhật. Họ luôn cầu toàn, luôn cực kỳ nghiêm khắc với bản thân từ trong những việc nhỏ nhặt nhất. Họ tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Họ luôn luôn đặt chữ tín, danh dự, phẩm giá của cá nhân và của cả dân tộc, cả nước Nhật lên hàng đầu. Chính vì vậy mà nước Nhật trở thành như ngày hôm nay. Chính vì vậy mà thế giới kính trọng họ, như kính trọng những dân tộc vĩ đại khác: người Mỹ, người Do Thái, người Đức, Hàn quốc, Singapore v.v…
Bao giờ mà người Việt biết khe khắt với mình và với người khác từ những việc tưởng là “nhỏ”. Bao giờ mà luật pháp được triệt để tôn trọng, mỗi hành vi sai trái đểu phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Bao giờ mà giáo dục VN chú tâm dạy con người làm người tử tế, trong đó, điều đầu tiên là dạy con người phải biết xấu hổ, thì lúc đó đất nước này, dân tộc này mới khá được.

No comments:

Post a Comment