Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA -2015-10-24
Tù nhân tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo cao niên, ông Nguyễn Văn Lía trả lời RFA khi đang trên xe từ trại giam về nhà hôm 24/10/2015. Citizen photo
Tù nhân tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo cao niên, ông Nguyễn Văn Lía-75 tuổi, mãn án 4 năm 6 sáng tù vào ngày hôm nay 24 tháng 10 năm 2015.
Ngay sau khi mãn án, trên đường về nhà tại xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, ông có cuộc nói chuyện qua điện thoại với biên tập viên Gia Minh, Đài Á Châu Tự Do. Trước hết ông cho biết:
Dùng tù hình sự để đàn áp tù chính trị
Nguyễn Văn Lía: Tôi ở tù nhiều lần rồi nhưng lần này thì từ Trại giam Long Xuyên chuyển thẳng quan đây. Lúc đầu là K1, rồi sang K3 và đến K2 cũng trong phạm vi Xuân Lộc.
Gia Minh: Vậy ông cho biết đả ở tù mấy lần và những lần trước vào năm nào?
Nguyễn Văn Lía: Ở tù mà có án thì vào năm 2003 đến 2004, lúc đó bị tuyên ba năm tù. Cho nên khi chánh án ở Long Xuyên hỏi ‘từ hồi giờ ở tù mấy lần rồi?’, tôi trả lời khoảng 15 lần rồi. Tôi bị bắt ‘tù’ hoài, từ 30 tháng 4 (năm 1975) đến giờ ở ‘tù’ liên miên.
Bây giờ họ giam tù chính trị, tôn giáo và nhân dân khiếu kiện biệt lập vào một chỗ. Nhưng điều cay nghiệt nhất là họ dùng từ hình sự, tức những người án nặng chung thân vì do ‘dâm thuê, chém mướn’ hay giết người… để cai trị chúng tôi.
-Nguyễn Văn Lía
Gia Minh: Lần ở Xuân Lộc này thì ông có thể chia sẽ tình hình giam giữ đối với bản thân ông ra sao?
Nguyễn Văn Lía: Bây giờ họ giam tù chính trị, tôn giáo và nhân dân khiếu kiện biệt lập vào một chỗ. Nhưng điều cay nghiệt nhất là họ dùng từ hình sự, tức những người án nặng chung thân vì do ‘dâm thuê, chém mướn’ hay giết người… để cai trị chúng tôi. Cho nên chúng tôi ở chung nhưng không được nói chuyện với nhau. Nói chuyện với nhau là bị họ nạt nổ, làm hùng hổ dữ lắm. Mấy ‘thằng’ đó nếu không mua thuốc cho nó hút là chịu không được, nó làm dữ lắm. Giám thị ở gần đó, nếu có báo cáo, giám thị xuống nạt mình, làm dữ lắm. Đó là về mặt tinh thần, còn trong tù ăn uống rất khắc khổ. Họ chỉ phát rau muống và cơm; bữa nào cũng rau muống. Một tuần được một hay hai lần cá thịt nhưng ít lắm. Cuộc sống ở đây cả về tinh thần và vật chất đều rất khủng hoảng.
Bởi vì tù chúng tôi – tôn giáo, chính trị hay dân oan khiếu kiện, hầu hết đều không nhận tội nên đúng án mới về được thôi. Ở đây có những người chung thân, ở 18 năm mấy rồi như ông Phạm Xuân Thông mà không được giảm án gì hết mà bệnh hoạn dữ lắm nhưng không có thuốc uống. Chính bản thân tôi sáu tháng trở lại đây bị bệnh nửa thân hình, đau nhức mấy chỗ mà họ đụng xe tôi. Tôi đã 5 lần bị cộng sản đụng xe; nhất là năm 2009 kỳ mà tôi chở gạo cho gia đình Võ Văn Bửu. Họ đụng xe làm tôi gãy 3 sườn phía trái, bể xương vai, ra máu lỗ tai phải lên Sài Gòn trị 10 ngày, bất tỉnh 2 ngày, 2 đêm.
Bây giờ còn số tù anh em, mong sao truyền thông cho các anh em khác biết và thế giới biết cuộc sống trong tù (Việt Nam) là như thế: dùng tù hình sự để đàn áp tù tôn giáo hay chính trị, dân oan khiếu kiện.
Gia Minh: Vậy số tù chính trị, tôn giáo, dân oan khiếu khiện ( tại trại Xuân Lộc) còn bao nhiêu người và có những trường hợp nào đáng phải chú ý?
Nguyễn Văn Lía: Lúc tôi ở có 18 người, nay tôi về thì còn 17 người. Cuộc sống họ vậy đó. Bệnh tật không có thuốc trị, ông Thông, ông Hưởng viêm xoang mà không có thuốc trị. Chúng tôi bị bệnh như vậy mà ông bác sĩ Sơn nói rằng bệnh của ông không thể trị được đâu, đợi ông về nhà còn ở đây uống cầm chừng vậy thôi.
Gia Minh: Trong số đó có ai không được thân nhân thăm nuôi không?
Nguyễn Văn Lía: Có. Ở đây có 3 người: ông Văn Ngọc Hiếu, Danh Hưởng và ông Phạm Xuân Thông. Đời sống người tù mà không có thăm nuôi khổ lắm. Cho nên chiều hôm qua, lúc tôi từ giã anh em (lén lút từ giã đó) thì Văn Ngọc Hiến hỏi tôi khi ông ở tù thì gia đình (gửi) một tháng bao nhiêu; tôi nói chừng 5-6 trăm ngàn tiền Việt Nam là đủ rồi. Anh ta nói ước ao được tháng chừng vài trăm ngàn. Tôi chuyển qua K2 chừng năm nay, tôi cũng rất tích cực chia sẻ cho ba người anh em đó. Tôi về rồi anh em cũng khổ lắm.
Tiếp tục hành trình tranh đấu
Gia Minh: Xin hỏi ông trong thời gian ở tù, gia đình thăm nuôi có cho ông biết thông tin bên ngoài và tin của giáo hội Phật giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà nước không?
Nếu tôn giáo còn bị hoạn nạn thì mình phải bảo Pháp trong thời Pháp nạn và truyền Pháp giúp cơ sở tôn giáo được tương đối dễ dàng. Đó là mục tiêu chính của người Phật giáo Hòa Hảo. Trong lúc Pháp nạn, tức trong lúc Đạo bị dày xéo thì người tín đồ phải sẵn sàng bảo vệ bằng mọi hình thức của mình.
-Nguyễn Văn Lía
Nguyễn Văn Lía: Thường thường giáo hội quốc doanh của Nhà nước thì luôn phục tùng Nhà nước; nếu phục tùng Nhà nước thì thuận lợi rồi; còn đối với anh em tín đồ thì họ thẳng tay, những người nào không theo họ thì họ đàn áp thẳng tay, họ tìm cách bắt bớ, giam cầm.
Gia Minh: Chắc trong đoàn hôm nay có những đồng đạo đi đón ông, họ có chia sẻ tình hình Phật giáo Hòa Hảo mới nhất cho ông ra sao, và ông vì Đạo mà bị đi tù nhiều lần, sắp tới ông tiếp tục đấu tranh cho chính nghĩa của Đạo ra sao?
Nguyễn Văn Lía: Bản nguyện của tôi là nếu thuận lợi, tôn giáo được phát trai thì mình phát trai còn nếu tôn giáo còn bị hoạn nạn thì mình phải bảo Pháp trong thời Pháp nạn và truyền Pháp giúp cơ sở tôn giáo được tương đối dễ dàng. Đó là mục tiêu chính của người Phật giáo Hòa Hảo. Trong lúc Pháp nạn, tức trong lúc Đạo bị dày xéo thì người tín đồ phải sẵn sàng bảo vệ bằng mọi hình thức của mình.
Chúng tôi ở tù do đòi hỏi những cơ sở mà họ chiếm dụng. Họ chiếm dụng trên 1.000 cơ sở. Rồi nào phải in ấn Sấm giảng, toàn bộ giáo lý Phật giáo Hòa Hảo cho đồng đạo xem coi. Rồi nào ngày lễ phải treo cờ Đạo vì ở Việt Nam các đạo như Thiên Chúa, Cao Đài hay Phật giáo Thống Nhất cũng trao cờ Đạo của người ta, còn Phật giáo Hòa Hảo không có đâu. Họ cấm tuyệt đối, chỉ có chỗ điểm làm lễ mới được treo cờ đạo thôi, còn tín đồ thì không được mà hồi trước mỗi nhà mỗi treo mà. Cho nên phải tiếp tục hành trình cùa mình dù sức yếu và tuổi cao rồi, không thể bỏ được.
Mấy anh em, cô bác ở ngoài, ở trong nghe tiếng nói của tôi thì tôi chân thành cám ơn mọi người có sự lo lắng đến tôi và chia sẻ nỗi niềm của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong lúc Đạo bị Pháp nạn, Đạo nạn. Tôi gửi lời kính thăm đến tất cả mọi người.
Gia Minh: Cám ơn ông và chúc ông mau khỏe.
No comments:
Post a Comment