(LĐ) - Số 246 DƯƠNG QUỐC BÌNH - 7:31 AM, 24/10/2015
Gần 30 năm nay, có những kiếp người vẫn đang phải sống trôi nổi chập chờn trên những chiếc bè tại bãi giữa sông Hồng, thế hệ nối tiếp thế hệ.
28 căn nhà được dựng trên những chiếc thùng phuy được người ta gọi là xóm Phao (thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội). Đây là nơi cư ngụ của những gia đình không còn nơi nào nương tựa.
Thỉnh thoảng lại lác nhác cảnh người già bồng bế trẻ con. Cũng chẳng phải con cháu của họ, nhưng người lớn cứ thay nhau trông hộ, những lúc bố mẹ lũ trẻ phải đi làm những công việc tay chân vất vả nhất như nhặt rác, rửa bát ... trên các góc phố thủ đô.
Không phải nhà nào cũng đủ sức khoẻ để đi chạy ăn từng bữa. Ông Thu đau yếu, nằm trên bè cả ngày, lúc tỉnh táo thì cùng vợ trông coi những đứa trẻ trong xóm.
28 chiếc bè của 28 gia đình đến từ các vùng quê khác nhau, chỉ mình gia đình bà Nga là người Hà Nội. Xuất thân từ phố Yết Kiêu, dòng đời oái oăm lại cuốn bà về vùng sông nước này. Xung quanh là nước nhưng thứ mà họ thiếu thốn nhất cũng chính là nước. Dòng chảy ở khúc sông này không lưu thông, trong khi tất cả những việc vệ sinh, phóng uế, giặt giũ đều thải trực tiếp ngay xuống dòng nước. Nguồn nước thải cũng chính là nguồn nước ăn.
Chồng bà là ông Hùng, gốc ở phố Đào Duy Từ. Gia đình ông bà chuyển ra đây từ năm 1996. Đến nay có đến 4 thế hệ đang sinh sống cùng nhau trên những chiếc thùng phuy. Ông bị bệnh mật giai đoạn cuối, không rõ sống được đến ngày nào. “Lúc nào mà bố đi thì các con hoả thiêu rồi đổ xuống sông, đỡ tốn tiền, tốn của, rồi lại khổ chúng mày”.
Căn nhà của ông bà lúc chạng vạng 5h sáng. Dù được coi là khang trang nhất nhì Xóm Phao nhưng đây lại là nơi ở của 8 con người: Ông, bà, 2 cậu con trai, 2 nàng dâu và 2 đứa cháu nội. Cô con gái đi lấy chồng, rồi cũng ở chiếc bè bên cạnh.
Bữa cơm trưa của cả gia đình. Năm nay gần 60 tuổi nhưng bà Nga vẫn phải nuôi 7 miệng ăn khi chồng đau yếu, con trai trưởng liệt một chân, con dâu trưởng liệt nửa người, con gái và con rể đều gặp khó khăn trong công việc. Bà Nga đi nấu cơm thuê cho nhà hàng, lương tháng được 1,5 triệu đồng, còn lại bà phải đi nhặt rác kiếm thêm.
Bữa cơm trưa vội vàng như cách mà ông bà ra đây ở, như cách gia đình ông bà tồn tại ở đây đã 20 năm. Bát đũa được rửa ở chính nơi phóng uế, ông Hùng nhăn mặt: “Chưa dính bệnh là Trời còn thương đấy”.
Ai cũng biết là khổ nhưng ai cũng quen với khổ rồi. Lo lắng lớn nhất của họ chính là tương lai của những đứa trẻ. Không cần hộ khẩu, chẳng có khai sinh, chúng chỉ được đến học tại những lớp từ thiện xoá mù chữ. Tiêm phòng cũng là thứ xa xỉ.
Tủ sách cộng đồng dành cho các cháu nhỏ. Nếu không có các chính sách kịp thời, không hiểu tương lai các cháu có ngụp lặn được ở giữa dòng đời?!
No comments:
Post a Comment