SÀI GÒN (NV) - Vốn đầu tư giai đoạn một của tuyến metro số 5 tại Sài Gỏn đã được điều chỉnh từ 883 triệu Euros thành 1.3 tỷ Euros. Tăng 447 triệu Euros so với dự tính ban đầu (năm 2010).
Việc thực hiện tuyến metro số 2 (từ Thủ Thiêm đến Bến xe Tây Ninh) được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một chỉ thực hiện đoạn giữa từ Tân Cảng đến ngã tư Bảy Hiền, với chiều dài chưa tới 9 cây số.
Sơ đồ các tuyến metro tại Sài Gòn. (Hình: Ban Quản Lý Ðường Sắt Ðô Thị Sài Gòn)
Ông Huỳnh Hồng Thanh, giám đốc Ban Quản Lý Dự án 5, thuộc Ban Quản Lý Ðường Sắt Ðô Thị Sài Gòn (chủ đầu tư các dự án metro tại Sài Gòn), giải thích, sở dĩ năm 2010, vốn đầu tư cho tuyến metro số 2 được loan báo là 833 triệu Euros là vì... chưa nghiên cứu chi tiết.
Mãi đến năm ngoái, chủ đầu tư mới... chính thức nghiên cứu dự án và xin tăng thêm 477 triệu Euro. Lý do khiến vốn đầu tư tuyến metro số 2 tăng thêm hơn một nửa được cho là vì chi phí nhân công, giá vật tư-thiết bị đều tăng so với trước. Mặt khác, khi... nghiên cứu chi tiết, chủ đầu tư phải điều chỉnh một số hạng mục kỹ thuật như: Tăng đoạn metro chạy ngầm dưới lòng đất thêm 1.45 cây số. Xây thêm một nhà ga ngầm dưới lòng đất để đặt máy đào đường hầm...
Ông Thanh trấn an rằng, dự án thực hiện tuyến metro số 2 tại Sài Gòn đã được Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), Ngân Hàng Ðầu Tư Châu Âu (EIB), Ngân Hàng Tái Thiết KfW (Ðức) và chính phủ Tây Ban Nha thẩm tra trước khi xác định các khoản cho vay.
Nay, ADB chấp nhận cho vay 475 triệu Euros, EIB chấp nhận cho vay 150 triệu Eruos, KfW chấp nhận cho vay 200 triệu Euros, chính phủ Tây Ban Nha chấp nhận cho vay 275 triệu Euros và chính quyền Việt Nam sẽ bỏ thêm 210 triệu Euros để thực hiện tuyến metro số 2 tại Sài Gòn.
Nếu được phê duyệt, trong năm nay, chủ đầu tư sẽ khởi công và đến 2023, metro số 2 tại Sài Gòn sẽ hoàn tất.
Tình trạng vốn đầu tư tăng hơn gấp đôi cũng đã xảy ra với tuyến metro số 1 ở Sài Gòn (chạy từ chợ Bến Thành đến Suối Tiên). Vốn đầu tư tuyến metro số 1 ở Sài Gòn đã tăng thêm hơn 1 tỉ Mỹ kim. Tổng giá trị đầu tư từ hơn 1 tỉ Mỹ kim thành 2.4 tỉ Mỹ kim. Tuyến metro số 1 ở Sài Gòn, có chiều dài chưa đến 20 cây số. Lúc đầu dự tính sẽ hoàn tất vào năm 2017, nay được cho phép dời thời điểm khánh thành đến 2020.
Các dự án metro ở Việt Nam đều giống hệt như thế: Chậm trễ, vốn đầu tư tăng thêm hàng tỉ Mỹ kim và khiến mức độ nợ nần của Việt Nam thêm nặng nề.
Dự án metro Cát Linh-Hà Ðông ở Hà Nội, có chiều dài chỉ 13 cây số, lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn dở dang. Nhà thầu Trung Quốc - phía được chọn thiết kế, cung cấp thiết bị - công nghệ và xây dựng tuyến metro này đã đòi nâng vốn đầu tư từ 553 triệu Mỹ kim lên 892 triệu Mỹ kim.
Theo báo chí Việt Nam, các tuyến metro 3A, 3B, số 4, số 5, số 6 ở Sài Gòn và các tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội, Nam Thăng Long-Tây Hà Nội,... cũng chậm trễ từ hai đến năm năm và vốn đầu tư của mỗi dự án tăng thêm hàng tỉ Mỹ kim.
Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Ðinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải, thú nhận, sở dĩ có tình trạng vừa kể là vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án metro và chưa có nhân sự đủ kiến thức, đủ bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo.
Ông Trần Ðức Toàn, vụ phó Vụ Kết Cấu Hạ Tầng và Ðô Thị của Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư Việt Nam, cũng thừa nhận, hiểu biết của Việt Nam về metro rất kém, việc lập các dự án, giám sát, thi công,... đều dựa vào quốc gia cho vay tiền thực hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia không tán thành những ý kiến này. Ông Phan Văn Trường, một kỹ sư từng là phó chủ tịch Alsthom Transports của Pháp, cho biết, khi thực hiện các dự án metro, người ta có rất nhiều lý do để điều chỉnh tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện. Lý do khiến vốn đầu tư các dự án metro tăng vọt còn nằm ở chỗ thay đổi công nghệ. Nếu chủ đầu tư không “cứng” thì vốn đầu tư dễ tăng lên nhiều lần.
Cũng vì vậy, ông Trường khuyến cáo, Việt Nam không thể nhún nhường và để phụ thuộc hoàn toàn vào phía cho vay vốn thực hiện các dự án metro. Phía cho vay đã hưởng lợi qua việc doanh nghiệp của họ được ưu tiên thực hiện toàn bộ dự án. Thành ra, Việt Nam phải có sự ràng buộc chặt chẽ cả về chuyển giao công nghệ, lẫn giá cả.
Theo ông Trường, nếu chủ đầu tư có hiểu biết và có bản lĩnh thì tổng vốn đầu tư của một dự án metro không bao giờ tăng quá 10% một năm. Ông Trường nhấn mạnh, nếu dự án tăng quá 10% mỗi năm thì điều đó đồng nghĩa với việc “chủ đầu tư quá dễ dãi và chắc chắn có tham nhũng.”
Tổng vốn đầu tư của các dự án metro tại Việt Nam không chỉ tăng hơn 10% mà thường là tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi nhưng cả nhà cầm quyền lẫn chủ đầu tư và nhà thầu đều xem đó là... tất nhiên. (G.Ð)
01-22- 2015 3:33:38 PM
No comments:
Post a Comment