Thursday, January 22, 2015

IS đang 'túng tiền'

Hồng Phạm - Thứ Năm, ngày 22/1/2015 - 15:00
(PLO) - Kiểu hạch sách dọa chặt đầu con tin người Nhật trên kênh truyền thông riêng al-Furgan của tổ chức đã cho thấy Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang đối mặt với khủng hoảng tài chính trên diện rộng. 
Vẫn là cung cách hăm dọa thường lệ, một tên “đồ tể” với bộ trang phục hắc ám trùm kín mặt, tay lăm le hung khí dọa chặt đầu con tin và cạnh bên là tù nhân mặc bộ đồ màu cam chịu thế quỳ. 
Mỗi đoạn ghi hình như thế này đều là thông điệp gửi đến chính phủ đương thời nhằm cưỡng bách họ không được làm tổn hại đến tổ chức. Vì nếu những người đứng đầu không làm theo các yêu cầu này, đoạn băng sau sẽ ghi hình con tin bị hành quyết trực tiếp.
Do vậy, đây vốn không phải là những lời hăm he kiểu nói suông, mà trên thực tế, IS chưa bao giờ nói mà không làm. Tính đến nay 5 con tin phương Tây đã thiệt mạng, gồm 2 nhà báo và 3 nhà hoạt động xã hội. Tất cả đều chết bằng hình thức cắt đầu dã man. 


 Ảnh chụp màn hình ghi lại cảnh chiến binh thánh chiến IS “ngã giá” 200 triệu USD cho mạng sống của nhà báo Kenji Goto và nhà thầu tự do Haruna Yukawa (ảnh: AFP)
Song thời gian gần đây lại cho thấy hai con tin người Nhật sắp bị thành viên IS xử tử rất khác so với các con tin trước. Và mục tiêu “vòi tiền” chính phủ các nước không còn giấu tên dưới lớp màn nghĩa tử vì đạo, mà thay vào đó, IS hiện nguyên hình như những tên đồ tể đòi tiền chuộc. 
Theo Reuters, số tiền mà họ ngã giá với chính phủ Nhật lên đến 200 triệu USD nếu Tokyo còn có ý định muốn giải cứu con tin. Tuy nhiên, cũng như Mỹ, Nhật từ chối các vụ thương thảo nhượng bộ tài chính cho phe khủng bố để chuộc con tin. 
Có vẻ đây là đường lối chiến lược của IS trong việc đảm bảo sẽ có một khoản lợi nhuận lớn đủ chi trả cho những mưu đồ sinh tồn và ý thức quyền lực của tổ chức. Song, kiểu đòi tiền trắng trợn đến mức hạ mình thế này đã để lộ một điểm yếu mà IS đang đối mặt. Đó chính là ngân khố của tổ chức dần trở nên rất eo hẹp. 
Nguồn tin U.S. News and World Report cho rằng IS không thể hoạt động bình thường nếu họ không có năng lực tài chính chống lưng tài trợ cho nhu cầu tiêu dùng của tổ chức.
Bài xã luận của Liz Sly đăng tải trên tờ Washington Post cũng nhận định IS không còn “phong độ” như những ngày đầu thành lập. Mọi thứ đều điêu tàn dọc các lãnh địa mà họ chiếm đóng. Trong khi đó, phiến quân còn đang oằn mình chống chọi với nhiều đợt đáp trả vũ trang của Mỹ và quân đồng minh.
Tại những vùng chịu sự kiểm soát của IS, “ngành dịch vụ suy sụp, giá cả leo thang và thuốc than thì khan hiếm khắp các thị trấn và thành phố”. Cư dân quanh khu vực chiếm đóng cho biết nhóm thánh chiến này thực chất chỉ cố gắng khoe mẽ về một mô hình nhà nước Hồi giáo đầy tân tiến. 
Một vài đoạn phim tuyên truyền trên các cổng thông tin chuyên biệt của tổ chức cũng hoàn toàn đi ngược với những gì đang diễn ra ngoài đời thực. Mọi thứ mà các nhà quan sát ghi nhận được từ trước đến nay chỉ là một IS “chuyên cướp bóc cùng đội ngũ lãnh đạo tùy hứng vô tổ chức”. 
Đồng tiền chung được hứa hẹn bấy lâu cũng không được nhắc rõ đầu đuôi ngọn ngành. Không những vậy, dưới thời cai trị của IS, bệnh dịch tăng vọt còn các y bác sĩ thì thiếu thốn.
Điều đó thể hiện rằng nếu nguy cơ phá sản đến gần thì coi như bản thân tổ chức ấy cũng chẳng trụ vững được bao lâu. 
IS sớm hiểu được điều này. Họ đang cố vạch ra phương thức củng cố ngân khố đang thâm hụt, trong đó có cả việc lợi dụng con tin. Nhưng cái kiểu đòi tiền nhưng bên chuộc không chịu đáp ứng như hiện nay thì coi như mánh lới dọa giết của nhóm khủng bố bước đầu coi như phá sản.
Hồng Phạm

No comments:

Post a Comment