GS Hoàng Chí Bảo: “Nhiều sự lãng phí hữu hình thì dễ nhận thấy nhưng sự lãng phí vô hình mới là nan giải”
“Tình trạng "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là một cách tham nhũng. Tham nhũng không chỉ là tiền của, vật chất mà là tham nhũng thời gian. Lãng phí không chỉ của cải, vật chất mà lãng phí sức người, lãng phí thời gian. Nhiều sự lãng phí hữu hình thì dễ nhận thấy nhưng sự lãng phí vô hình mới là nan giải”- GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trăn trở.
Tại cuộc tọa đàm “Mãi mãi theo Đảng”, GS Hoàng Chí Bảo cũng nhấn mạnh rằng, có lẽ hơn lúc nào hết, chúng ta trở lại lời dạy rất thấm thía và thiết thực của Bác Hồ. Bác là người đã dày công đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Bác ví cán bộ là “tiền vốn” của đoàn thể (chỉ Đảng khi ta hoạt động bí mật), là vốn quý của Nhà nước. "Nếu cán bộ giỏi, cán bộ tốt thì cách mạng phát triển thuận lợi, như thế chúng ta “có lãi”; còn cán bộ xấu, cán bộ kém, hư hỏng thì cách mạng gặp khó khăn và thất bại, như thế chúng ta “lỗ vốn”.
Ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng - Ban Tổ chức Trung ương
“Hơn nửa thế kỷ trước, Bác đã có tư duy hiện đại như vậy về vốn người, vốn nhân lực. Thì bây giờ ứng vào câu chuyện cán bộ này, theo tôi rất đúng. Chúng ta phải tính toán thế nào để có thể giải phóng khỏi bộ máy những người không làm việc được, những người kém phẩm chất, để bố trí những nhân lực mới có tài, có đức. Về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tiễn, giải bài toán này không dễ”- GS Hoàng Chí Bảo nói.
Người đứng đầu có tâm, có tầm thì mọi khó khăn từng bước giải quyết
Ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng - Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng cho rằng, cán bộ là vấn đề vô cùng quan trọng. Khi bước vào kinh tế thị trường, Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhắc đến, nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, hết sức quan trọng.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, một đơn vị dù khó khăn, phức tạp đến mấy, nếu chúng ta bố trí đúng được người cán bộ có tâm, có tầm thì mọi khó khăn từng bước giải quyết. Ngược lại, nếu một đơn vị, cơ quan, địa phương có khi đang ổn thỏa, tốt đẹp, nếu bố trí một người đứng đầu không tương xứng thì có khi phát sinh rất nhiều chuyện, mà những hệ lụy của việc bố trí sai cán bộ dẫn đến hệ lụy vô cùng lớn không phải ngày một ngày hai, không phải năm trước năm sau khắc phục được.
“Ban Tổ chức Trung ương là một trong những cơ quan tham mưu trung ương về công tác cán bộ. Những năm vừa qua, chúng tôi cũng nhiều trăn trở, suy nghĩ tìm mọi cách làm thế nào để đổi mới. Tôi nhớ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VI, sau thời kỳ Đổi mới đã nhấn mạnh: suy cho cùng tất cả sự yếu kém đều bắt nguồn từ công tác cán bộ”- ông Hà nói.
Theo ông Hà, ngay việc để làm thế nào để đánh giá được đúng cán bộ thì cũng rất nhiều cơ quan, đơn vị đánh giá gồm: bản thân đánh giá, cấp ủy đánh giá, tổ chức đánh giá, cấp trên, cấp dưới đánh giá, nhận xét… Rất nhiều quy trình như vậy, nhưng trong thực tế không tránh khỏi những sai sót, không phải tất cả đội ngũ đều xứng đáng.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, hiện nay chúng ta đang đứng trước một tình huống rất nhức nhối: Chưa bao giờ những người có học lại thất nghiệp nhiều như bây giờ. 170.000 cử nhân, thạc sĩ, có cả Tiến sĩ cũng thất nghiệp; cá biệt có Tiến sĩ ở nước ngoài về thi tuyển một công việc bình thường cũng bị trượt.
“Ở đây có những lắt léo, bất minh trong vấn đề dùng người, mà nếu nhìn vào sự thật thì ta thấy đây là một sự bất công xã hội. Có lẽ phải dùng đến một hệ thống đồng bộ các giải pháp, từ giáo dục đào tạo, đặc biệt là siết chặt kỷ cương, quy chế, chế tài và phải đổi mới thể chế dùng người, chính sách dùng người thì chúng ta mới đáp ứng được yêu cầu này”- GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Cần chú trọng đến giáo dục liêm sỉ
Dẫn lời dạy của Bác Hồ rằng, phải biết rằng tham lam là một thói xấu đáng xấu hổ, đáng phải tự biết nhục và biết sỉ nhục, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, Bác nói điều này rất nghiêm khắc.
GS Hoàng Chí Bảo
“Theo tôi, bây giờ, nhất là khi Đảng ta đang nhấn mạnh đến đạo đức, lối sống trong Đảng, thì phải có bổ trợ như thế nào trong giải pháp cán bộ mới khắc phục tình hình nan giải hiện nay - người đông mà việc không chạy, người xứng đáng làm việc thì không có việc mà phải ngồi chờ, còn người không nên để trong bộ máy nữa mà chúng ta không biết xử lý như thế nào. Đó chính là khâu cải cách tư pháp, cải cách hành chính nói riêng và cải cách nhà nước phải tính đến trong thời gian tới. Đó cũng là hướng tư duy của Đảng ta trong khâu giải quyết mắt xích tổ chức cán bộ như một đột phá trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”- GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, cùng với việc thực hiện các giải pháp về giáo dục, đào tạo, đổi mới cơ chế dùng người, cần chú trọng đến giáo dục liêm sỉ, giáo dục lòng tự trọng, để mỗi người phải biết xấu hổ, biết động chạm đến phẩm giá của con người khi làm những việc xấu, việc ác, việc bất minh.
“Nếu tham nhũng chỉ dùng luật pháp không thôi thì sẽ không làm được, phải làm sao kích hoạt được yếu tố đạo đức lên, lòng tự trọng, liêm sỉ, biết xấu hổ, biết đau đớn, thì người ta sẽ tự thức tỉnh lương tâm. Việc này sẽ hỗ trợ cho giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ Trung ương”- GS Hoàng Chí Bảo nói.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013, gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014 cũng chia sẻ, vấn đề con người luôn là vấn đề hàng đầu và công tác cán bộ là then chốt. Trung thực luôn luôn là đức tính cần đặt lên hàng đầu, không chỉ trong khoa học mà cả trong đời sống xã hội. Con người nếu không sống trung thực thì không thể có một xã hội tử tế với những con người tử tế được. “Mọi sự không trung thực trước sau thì đều bị lộ tẩy. Nếu chúng ta sống tốt, từng con người sống tốt, làm những người tử tế thì chúng ta sẽ có một xã hội tử tế, văn minh và hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn nữa”.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, trong khoa học cũng tương tự như thế. “Khoa học là chân lý. Nếu chúng ta lấy số liệu sai sự thật thì không có kết quả trong công trình nghiên cứu nào có thể chấp nhận được. Khi chúng ta cung cấp số liệu sai thì chúng ta sẽ bóp méo kết quả trong khoa học. Điều này đặc biệt nguy hiểm”./.
Thứ Năm, ngày 22/1/2015 - 20:21
Theo Minh Hòa/VOV.VN
No comments:
Post a Comment