Wednesday, December 9, 2015

Tư duy và lợi ích nhóm cản trở cổ phần hóa

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2015-12-09  
Tập đoàn Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng và đã bị xóa sổ năm 2013
Tập đoàn Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng và đã bị xóa sổ năm 2013  Photo tinmoi.vn
Hướng tới nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã tiêu tốn quĩ thời gian 25 năm mà vẫn dở dang con đường tư nhân hóa được ngụy trang với tên gọi cổ phần hóa. Vì sao xảy ra sự trì chậm này và chương trình  cổ phần hóa một cách chưa thực chất đã mang lại những hệ lụy gì.
Không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa DNNN
Đảng và Nhà nước Việt Nam thường sử dụng nhóm từ gọi là những yếu tố do lịch sử để lại khi xảy ra các vấn đề trì trệ và sửa đổi chậm. Trước cuộc đổi mới lịch sử 1986, Việt Nam có 12.000 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn.  Gần 30 năm sau, đầu năm 2014 Việt Nam còn 1.200 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Xét về qui mô khối lượng thì đã giảm đi rất nhiều, nguyên do thời kỳ bao cấp toàn bộ doanh nghiệp lớn nhỏ đều là quốc doanh. Thực tế sau đổi mới, nhiều doanh nghiệp bị giải thể, một số lớn doanh nghiệp quốc doanh vừa và nhỏ được cổ phần hóa, nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.
Doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa thực chất vẫn do Nhà nước lãnh đạo và nắm số lượng cổ phần hơn 51% thậm chí 80%-90% . Thí dụ điển hình, trong giai đoạn từ 1992 đến 2004 có 2.025 Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, nhưng tổng số tiền thu được chỉ khoảng 800 triệu USD. Hoặc theo tài liệu trên trang mạng Đầu tư Chứng khoán, 10 thương vụ cổ phần hóa lớn nhất giai đoạn 2005-2011 cũng chỉ là 1,4 tỷ USD và sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn nắm phần vốn rất lớn của 9 doanh nghiệp quan trọng, số cổ phần bán ra cho tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ dưới 10%.
Nguyên nhân nào khiến ba thập niên với biết bao nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà vẫn không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, dù đây là một mấu chốt quan trọng của cải cách thể chế. Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, điều đầu tiên là cho đến bây giờ ĐCS và Nhà nước VN vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Trong kinh tế Nhà nước thì Doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng hàng đầu, khi vẫn còn tính họ nằm trong khu vực chủ đạo thì rất khó cổ phần hóa
Bà Phạm Chi Lan
“ Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, điều đầu tiên là cho đến bây giờ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Trong kinh tế Nhà nước thì Doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng hàng đầu, khi vẫn còn tính họ nằm trong khu vực chủ đạo thì rất khó cổ phần hóa hoặc cải cách họ một cách triệt để được. Nhiều khi Chính phủ còn coi Doanh nghiệp Nhà nước là công cụ để điều tiết vĩ mô để thực hiện các chính sách kinh tế ..v..v.. Nếu suy nghĩ coi trọng Doanh nghiệp Nhà nước như vậy sẽ đi cùng với việc muốn giữ một khu vực Doanh nghiệp Nhà nước lớn, chứ không sẵn sàng thực hiện tái cơ cấu như đã đề ra. Đấy là điều thứ nhất về tư duy như vậy là vẫn chưa thay đổi về cách nhìn nhận đối với Doanh nghiệp Nhà nước và đối với Khu vực Kinh tế Nhà nước nói chung.”
Bên cạnh vấn đề tư duy chưa thay đổi về vai trò lãnh đạo nền kinh tế của Doanh nghiệp Nhà nước. Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh tới một yếu tố đặc biệt quan trọng khác. Bà nói:
Công ty Vinamilk
Công ty Vinamilk
“ Điều thứ hai là lợi ích nhóm chắc chắn có ở đây, cả khu vực Doanh nghiệp Nhà nước cộng lại thì có thể nói cũng là một nhóm lợi ích lớn. Khi họ có lợi ích rất nhiều trong việc được quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Cho đến nay Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đang sử dụng khoảng 50% tổng nguồn vốn của đất nước, kể cả nguồn tín dụng cũng như vốn của khu vực công hay vốn ODA chẳng hạn, họ còn sử dụng một nguồn lực rất lớn và với cách làm ăn thua lỗ, nó có thể lỗ cho doanh nghiệp nhưng tiền có thể chảy về túi của một số ai đó có quyền lực. Rõ ràng những nhóm lợi ích này họ thích một cơ chế mù mờ như hiện nay hơn một cơ chế dứt khoát Doanh nghiệp Nhà nước phải đặt dưới sự giám sát của cả xã hội, phải chấp nhận những điều kiện như là TPP đang đưa ra đối với Doanh nghiệp Nhà nước.”
Sự thảm bại của doanh nghiệp nhà nước
Nền kinh tế tài chánh lâm vào trì trệ do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và sự thảm bại của một số Tập đoàn kinh tế Tổng Công ty Doanh nghiệp Nhà nước, điển hình là sự kiện Tập đoàn Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng và bị xóa sổ. Năm 2012 Việt Nam tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước.
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của Doanh nghiệp Nhà nước là những biện pháp quan trọng trong chương trình tái cơ cấu. Theo mục tiêu đề ra, thoái vốn ngoài ngành phải hoàn tất vào ngày 31/12/2015,  nhưng cũng như vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của Doanh nghiệp Nhà nước cũng lỗi hẹn.
Việt nam khác với các nước nếu mà nói tư nhân hóa thì dị ứng, có nghĩa là trái với xã hội chủ nghĩa. Cách tư duy như vậy cũng là lỗi thời không đúng
PGSTS Ngô Trí Long
Liên quan đến hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Trịnh Đình Dũng trình bày trước Quốc cho biết, khu vực Doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn còn rất nhiều vốn phải thoái từ 1,2 - 1,3 triệu tỷ đồng. Theo lời ông Bộ trưởng, tính chung cả giai đoạn từ 2000 đến nay mới bán khoảng 5% vốn cần phải rút về, tức vào khoảng 55 đến 57 nghìn tỷ đồng.  Bộ trưởng nhìn nhận chương trình chưa thành công dù đã nỗ lực hết sức. Riêng  giá trị phần vốn nhà nước bán được trong giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 27.000 tỷ đồng, thu về 35.169 tỷ đồng, lãi hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 27 ngàn tỷ này chỉ tương đương khoảng 2,1% vốn nhà nước tại DN cần phải thoái. Cùng với vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Doanh nghiệp Nhà nước, năm 2015 ghi nhận khủng hoảng ngân sách trầm trọng và Chính phủ chỉ đạo bán hết cổ phần Nhà nước ở 10 doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa, trong đó có đại công ty Vinamilk là một trong những gương mặt nổi bật.
Nhận định về vấn đề liên quan, PGSTS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế từ Hà Nội phát biểu:
“ Việt nam khác với các nước nếu mà nói tư nhân hóa thì dị ứng, có nghĩa là trái với xã hội chủ nghĩa. Cách tư duy như vậy cũng là lỗi thời không đúng, cho nên hiện nay yêu cầu thoái vốn nhà nước đối với những lĩnh vực mà nhà nước không cần đầu tư, mà tư nhân có thể đầu tư vào thì cần phải thoái. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng với cơ chế thị trường. Điều này thể hiện việc chú ý tới động lực phát triển khu vực tư nhân. Nhưng việc thực thi có đúng hay không thì hãy chờ đợi, nghe thì biết để đó thôi.”
Nhiều chuyên gia trong đó có bà Phạm Chi Lan cho rằng tư duy Kinh tế Nhà nước chủ đạo nền kinh tế và nhóm lợi ích đã làm chậm tiến trình cổ phẩn hóa, tái cơ cấu khu vực Doanh nghiệp Nhà nước. Tuy vậy Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.
Bằng vào số nợ phải trả năm 2014 lên tới hơn 1,7 triệu tỷ đồng tương đương 44,2% GDP của 781 doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100%, sẽ có thể lý giải sự sốt ruột như thế nào của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng . Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 11/2015 vừa qua, ông Dũng đã chỉ đạo các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa thoái vốn ở các Doanh nghiệp Nhà nước. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây sự chú ý đặc biệt trong công luận, xin trích nguyên văn: “Doanh nghiệp Nhà nước tập trung đẩy mạnh tiến độ lên, cái nào tư nhân mua được mà họ quản lý tốt thì các đồng chí bán luôn đi để chúng ta thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết quan trọng khác.”

No comments:

Post a Comment