Theo BBC-4 giờ trước
Phải chăng đa số phụ nữ tại Việt Nam đều từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng?
Mới đây, truyền thông trong nước dẫn lại nghiên cứu của tổ chức ActionAid tại Việt Nam cho rằng con số 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng.
Nghiên cứu do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam được thực hiện vào năm 2014, và khảo sát thu thập ý kiến của hơn 2.000 cư dân tại các địa bàn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), cho biết con số đưa ra này là rất lớn và người dân cảm thấy hốt hoảng và những người làm chuyên môn hiểu rằng đó là vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải và cần phải được giải quyết.
Tuy nhiên theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), bà Khuất Thu Hồng, thì con số này phản ánh một góc nhìn nào đó, và con số thực tế không nhiều đến như vậy mặc dù tình trạng bị quấy rối tình dục khá phổ biến ở Việt Nam.
Nhận biết
Trong bản báo cáo có giải thích thuật ngữ quấy rối tình dục là “bao gồm các cử chỉ, hành vi khiến đối phương cảm thấy khó chịu về mặt tâm lý và tình dục như việc nam giới nhìn chằm chằm, cố ý để lộ các bộ phận sinh dục, huýt sáo trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bên ngoài hay ve vãn, tán tỉnh bằng các tin nhắn gợi dục.”
Với định nghĩa như vậy, theo Giám đốc Trung tâm Csaga, bà Nguyễn Vân Anh, 87% là một con số không có gì đáng hốt hoảng với những nhà chuyên môn. “Đây là vấn đề của Việt Nam hiện tại, và nó cần phải được giải quyết. Nếu như không được giải quyết, các em bé gái sẽ tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi, và điều đó đang thực sự xâm phạm quyền của phụ nữ và trẻ em gái.”
Bà cũng cho biết thêm nghiên cứu chỉ được thực hiện trên hai thành phố lớn (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), và không thể đại diện cho tất cả đất nược Việt Nam, tuy nhiên con số 87% này cũng là cảnh báo đáng quan tâm.
Viện trưởng Khuất Thu Hồng chia sẻ không thể nắm rõ con số chính xác trên toàn quốc là bao nhiêu, tuy nhiên việc phụ nữ bị quấy rối tình dục theo các hình thức khác nhau và thực trạng này khá phổ biến ở Việt Nam.
Nguyên Nhân
Bà Khuất Thu Hồng nói thêm, các hình thức quấy rối ở Việt Nam có thể xảy ra ở nơi công cộng như việc những ánh mắt, va chạm cố ý làm người khác cảm thấy khó chịu hay bị xúc phạm, hay như ở nơi công sở có những câu đùa, chuyện tiếu lâm với ngụ ý ám chỉ về tình dục cũng xảy ra nhiều. Và những hành động như vậy thường được nghĩ chỉ là đùa đơn giản.
“Có một thực tế tôi nghĩ rằng tất cả những phụ nữ là nạn nhân của những hành động đấy đều cảm thấy không thoải mái. Thế nhưng những người thực hiện hành động đấy có thể cũng không hiểu đó là những hành động quấy rối tình dục,” bà Thu Hồng nói.
Bà Vân Anh đưa ra ý kiến về quan niệm của đàn ông Việt Nam “làm hoa thì người ta hái, làm gái thì người ta trêu” và coi phụ nữ là đối tượng của tình dục, dẫn đến việc “họ không nghĩ rằng nó cần phải có một khoảng cách nhất định, cần phải có một sự tôn trọng nhất định và đôi khi cảm thấy không cần thiết phải tôn trọng phụ nữ trong rất nhiều trường hợp. Đấy cũng là lí do việc quấy rối tình dục đạt tới một con số rất kinh khủng như vậy.”
Định kiến xã hội
Định kiến xã hội đối với nạn nhân bị hại cũng phần nào khiến cho việc quấy rối tình dục diễn ra.
Theo thời báo Infonet có đưa thông tin bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women, khẳng định tại buổi tọa đàm rằng bạo lực tình dục thường xuyên bị xã hội che giấu.
“Khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng bức ngay lập tức câu hỏi đặt ra là cô ấy đã làm gì khiến bị cưỡng bức, có thể vì cô ấy đã tới nhầm một nơi nào đó vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đứng đắn.”
Theo bà Nguyễn Vân Anh, những nạn nhân bị quấy rối tình dục cảm thấy xấu hổ khi nói ra vấn đề của mình do kì thị của người Việt Nam đối với nạn nhân: “khi cô nói ra điều đấy, trước tiên là cô sẽ bị đánh giá chắc là do cô lẳng lơ, chắc cô không ra làm sao nên mới bị như thế. Từ những kì thị ấy mà họ tránh và không muốn nói. Chưa kể những vấn đề tình dục nói chung ở Việt Nam thường bị tránh né.”
Biện pháp
Bộ Luật Lao động năm 2012 cũng mới đề cập đến khái niệm quấy rối tình dục và các hình thức xử phạt tại nơi công sở. Tuy nhiên theo bà Vân Anh và bà Thu Hồng, những khái niệm vẫn chưa được nêu rõ ràng, chưa chỉ ra hướng dẫn cụ thể vậy nên chưa áp dụng thực sự được trong thực tế.
Những bộ luật điều khoản khác về vấn đề quấy rối tình dục thì chưa có bà Khuất Thu Hồng cho biết thêm.
Hơn nữa, hầu như bộ luật chỉ áp dụng trong những trường hợp quấy rối tình dục nghiêm trọng như hiếp dâm và phải đưa được ra bằng chứng rất rõ ràng thì mới tố cáo được.
Tuy nhiên, “những hành động quấy rối tình dụng như nói lời nói xúc phạm, tục tĩu, hành vi động chạm cơ thể mà không thể có bằng chứng cụ thể thì không biết đi đâu và để tố cáo ai cả, và cũng không có những giải pháp để xử lí,” bà Hồng nói.
Điều đó khiến nạn nhân nản lòng và tình trạng này sẽ tiếp tục tồn tại nếu không có những bộ luật rõ ràng để giải quyết.
Bên cạnh đó việc những câu nói, chuyện tiếu lâm có ngụ ý tình dục ở nơi công sở được cho là “sinh hoạt văn hóa” cũng cần phải thay đổi, theo bà Khuất Thu Hồng.
Bộ Lao động cũng đưa ra Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên khi có dự định đưa ra rất nhiều người kêu điều đó sẽ làm căng thẳng nơi công sở khi không có những câu nói đùa hoặc “sinh hoạt văn hóa”, bà Hồng chia sẻ thêm.
Bà Vân Anh cho rằng việc lấy cớ rằng những câu nói, chuyện tiếu lâm chỉ là đùa vui có nghĩa là họ không hiểu gì và vẫn muốn những hành vi xâm phạm tình dục của họ được tiếp tục.
“Khi hội nhập thì mình phải tôn trọng những cái gì được cho là giá trị mang tính phổ quát của thế giới và quyền con người, và không thể dùng thói quen cũ để nghĩ rằng người khác phải chấp nhận.
"Những người nghĩ như vậy là những người hay làm hành vi đó, và cho rằng hành vi của họ là không vấn đề gì cả đối với họ,” bà Vân Anh nói.
Thay đổi nhận thức
Giáo dục cũng đóng góp phần quan trọng nhằm giảm lâu dài và bền vững hơn những hành vi quấy rối tình dục, song song với việc tìm ra những giải pháp để xử lí.
"Do đối tượng trẻ thường dễ bị quấy rối hơn và các bạn trẻ thường sợ không dám phản ứng hoặc tỏ thái độ lại với những hành động quấy rối tình dục nên giáo dục thay đổi hành vi, nhận biết, và làm thế nào để phản ứng lại với việc quấy rối tình dục cần được lồng ghép vào nhà trường và giáo dục từ gia đình," bà Thu Hồng nói.
Hiện nay có những tổ chức như Plan International có triển khai việc phổ biến nhận biết và phòng tránh quấy rối tình dục tại một số trường học, đưa thông tin trên một số phương tiện công cộng, phối hợp với các ban ngành hoặc tạo đường dây nóng để hỗ trợ, giáo dục người dân, ví dụ như một vài công ty xe buýt có dự án tập huấn lái xe và phụ xe, tạo đường dây nóng, lắp đặt camera để nâng cao ý thức người dân.
Mặc dù mới chỉ là dự án, tuy nhiên bà Hồng cho rằng, với thời gian những dự án này sẽ được phổ biến rộng hơn: “Chị em phụ nữ qua đó có thể tự giáo dục mình, và những kẻ có ý định, khi thấy có những biện pháp được triển khai thì có thể thay đổi hành vi của họ. Quan trọng nhất là họ nhìn nhận được những hành vi đùa cợt với ngụ ý tình dục là không thể chấp nhận được.”
Bà Nguyễn Vân Anh nói thêm, không chỉ có giáo dục, luật pháp, truyền thông cũng đóng vai trò chưa mạnh mẽ và chưa nêu lên được những hành vi quấy rối tình dục là đáng xấu hổ nên dẫn đến việc nhiều người vẫn cho việc đùa với dụng ý tình dục là chuyện bình thường. Muốn giảm được con số bị quấy rối tình dụng, và thay đổi được định kiến của người dân đòi hỏi có đồng bộ từ luật, thực thi luật và ý thức về quyền phải được cải thiện.
Theo bà Vân Anh, hiện tại Việt Nam cũng đã có những tổ chức như CSAGA, ISDS, Plan International, và nhiều hơn nữa tiến hành những dự án và truyền thông về quyền của phụ nữ và vấn đề quấy rối tình dục. Bà Anh cũng có nói “Quyền lực của các tổ chức phi chính phủ rất là thấp nên chỉ có thể làm được một vài dịch vù. Ngoài ra, tầm cỡ của các tổ chức cũng nhỏ nên những vẫn để giải quyết cũng bị hạn chế,” tuy nhiên người dân có thể tiếp cận các tổ chức một cách dễ dàng.
No comments:
Post a Comment