BUÔN MA THUỘT (NV) - Tỉnh Ðắk Lắk có 14 bệnh viện đã hết tiền trả lương cho nhân viên gồm từ bác sĩ tới y công dù đây là một hệ thống bệnh viện do nhà cầm quyền đầu tư và điều hành.
Theo tin tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015, nguyên nhân được mô tả là “nguồn thu của các bệnh viện hụt quá lớn so với dự toán ban đầu.”
Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, một trong 14 bệnh viện của tỉnh Ðăk Lăk nợ lương. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Buổi sáng ngày Thứ Hai, theo tường thuật của Tuổi Trẻ, tại bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, không thấy được phát lương, một số bác sĩ, nhân viên “tỏ ra lo lắng bởi cho tới nay họ chưa được nhận lương tháng 11, không biết có tiếp tục bị nợ lương tháng 12, 2015 hay không.”
Một bác sĩ được thuật lời nói, “Ðến kỳ nhận lương, chúng tôi được phòng kế toán tài chính thông báo hết tiền, khất đến tháng sau mới có. Chúng tôi không hiểu tại sao mà đến nay nguồn lương lại hết?”
Theo nguồn tin trên, một lãnh đạo bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột thừa nhận có việc hiện nay bệnh viện còn nợ khoảng 1.5 tỉ đồng tiền lương tháng 11, 2015 của 277 người lao động. Ðại diện phòng tài chính kế toán - thừa ủy quyền giám đốc bệnh viện - cho biết bệnh viện thiếu tiền lương do “thu không đủ chi.”
Không phải riêng bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột hết tiền trả lương mà theo báo cáo của Sở Y Tế Ðắk Lắk, “cả 14 bệnh viện đang nợ lương người lao động đều cùng chung tình trạng này. Tổng số tiền lương còn nợ tháng 11 và 12, 2015 là hơn 15 tỉ đồng,” tờ báo trên kể.
Ði vào chi tiết, bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ dẫn đầu nợ lương với số tiền còn thiếu hơn 3.2 tỉ đồng, tiếp đến là bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột còn thiếu hơn 3.1 tỉ đồng, 12 bệnh viện khác như Krông Pắk, Ea H'Leo, Krông Bông, bệnh viện Lao-Phổi, bệnh viện Mắt, bệnh viện Tâm Thần... thiếu từ hơn 131 triệu đồng đến gần 1.6 tỉ đồng...
Ông Trần Vũ Sơn - phó phòng Tài Chính Kế Toán Sở Y Tế Ðắk Lắk - được thuật lời cho biết, theo quy định, trong tổng thu của mỗi bệnh viện, sau khi trừ các chi phí như mua thuốc men, vật tư y tế (chiếm phần lớn) để phục vụ bệnh nhân thì tổng số tiền còn lại được sử dụng theo tỉ lệ: 65% dành cho chi thường xuyên, lập quỹ; 35% còn lại đưa vào quỹ cải cách tiền lương, dùng khi có sự thay đổi về tiền lương. Tuy nhiên, “do nguồn thu năm 2015 của tỉnh có khó khăn nên UBND tỉnh yêu cầu dùng 35% trong quỹ cải cách tiền lương để chi lương cho cán bộ, bác sĩ” nhưng lại vẫn không đủ.
Chuyện tất cả 14 bệnh viện công của tỉnh Ðăk Lăk không còn tiền để trả lương cho nhân viên xảy ra trong khi dư luận chưa hết ngạc nhiên khi thấy báo chí vừa đưa tin khoảng 250 bác sĩ, y tá và nhân viên của bệnh viện tư nhân Hồng Ðức tại Hải Phòng đã bị nợ lương suốt một năm trời. Bệnh viện không có tiền trả nhân viên vì bị cơ quan thanh toán tiền bảo hiểm xã hội găm lại gần 10 tỉ đồng.
Hai tháng vừa qua, thiên hạ không khỏi ngạc nhiên khi thấy tin tức thời sự cho hay nhà cầm quyền một số địa phương đã không có tiền phát lương cho công chức cán bộ.
Hơn 1,000 người từ giáo viên đến cán bộ, công nhân viên của huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, suốt nhiều tháng, theo tin Tuổi Trẻ ngày 30 tháng 10, 2015. Nguyên nhân được nêu ra là do nhà cầm quyền “vung tay quá trán.”
Ngay như cơ quan thành ủy của tỉnh Bạc Liêu cũng được thấy loan báo “không còn tiền hoạt động” sau tháng 11, 2015. Nguyên nhân được tường thuật là “những con số chi tiêu ngân quỹ ở Thành Ủy Bạc Liêu thời gian qua rất rối rắm, cho thấy sự thiếu minh bạch.”
Ði theo chân tỉnh Bạc Liêu, theo VietNamNet, hiện nay, UBND thành phố Cà Mau “thâm hụt ngân sách, nợ khoảng 300 tỷ đồng và nhiều khoảng nợ không biết lấy tiền ra chi trả. Ðặc biệt, cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức.”
So với các thành phố khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, VietNamNet nói thành phố Cà Mau “được xem là một nơi phát triển về kinh tế. Nhiều công trình xây dựng được triển khai. Thế nhưng báo cáo tình hình ngân sách thành phố Cà Mau, không ít cơ quan chức năng giật mình trước kiểu quản lý kinh tế khá lạ dẫn đến việc mất cân đối tài chính với số tiền khủng.” (TN)
12-08-2015 2:31:20 PM
No comments:
Post a Comment