Quỳnh Châu
Theo BBC-3 giờ trước
“Bà con gửi đơn cứu đói đến Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Trung Ương Hội chữ thập đỏ từ lâu nhưng chỉ nhận được duy nhất hai thùng mì tôm và hai thùng nước lọc”, Trịnh Bá Phương, một người trong các hộ dân bị thu hồi đất canh tác kể, khi được hỏi về cuộc sống hiện tại.
Hơn một năm kể từ ngày cưỡng chế, việc mất ruộng đẩy những người nông dân như anh vào tình trạng khốn cùng, theo lời anh Phương.
“Mình có kêu gọi sự ủng hộ bên ngoài, cộng đồng trong và ngoài nước đã ủng hộ gần 100 tấn gạo. Tuy nhiên chính quyền liên tục hành hung những người đến hỗ trợ, và phát trên loa truyền thanh là mình móc nối với các tổ chức phản động để nhận tiền, lương thực để chống phá chế độ.”
“Cuộc sống của bà con giờ rơi vào thất nghiệp và nghèo đói,” anh nói.
Phương cũng là một trong đoàn người từng biểu tình đòi trả tự do cho bố mẹ mình là ông Trịnh Bá Khiêm và bà Cấn Thị Thêu, bị tuyên án phúc thẩm 15 tháng tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ” khi xô xát xảy ra trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Ông Trịnh Bá Khiêm và bà Cấn Thị Thêu cùng bị bắt trong đợt cưỡng chế đất Dương Nội, quận Hà Đông vào ngày 25 tháng 4 năm 2014.
Ông Khiêm sau đó được ra tù trước hạn một tháng, ngày 25/6/2015. Bà Thêu ra tù ngày 25/7/2015.
Mâu thuẫn
Căng thẳng đến mức không đi đến thỏa thuận giữa người dân và chính quyền ở nhiều nơi dường như không có dấu hiệu thuyên giảm.
Ở nhiều vụ cưỡng chế đều có yếu tố bạo lực, bóng dáng của lực lượng cơ động, công an địa phương có vũ trang.
Vụ Dương Nội chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân chống trả đoàn cưỡng chế đất, để phải rơi vào vòng lao lý. Ngoài ra, có thể kể tên các vụ việc tương tự dậy sóng dư luận những năm qua như vụ án Đoàn Văn Vươn dùng vũ khí tự tạo và bình gas để chống trả lực lượng cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012. Hay như trường hợp năm 2013 của Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình mang súng đến trụ sở cơ quan quản lý đất đai, nã súng vào 5 cán bộ rồi tự sát. Gần đây nhất, thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Thạnh Hóa (Long An) đối diện với mức án 4 năm rưỡi tù giam vì tạt axit vào công an đoàn vận động cưỡng chế.
Các vụ việc đều có đặc thù chung khi không có sự đối thoại với các hộ dân về quy hoạch trong việc bồi thường – giải phóng mặt bằng, chứ chưa nói đến việc đơn phương ra quyết định mà không hỏi ý kiến các hộ dân từ phía chính quyền, không có sự đào tạo, chuyển đổi nghề nghệp cho nông dân để có thu nhập bằng hoặc hơn sau khi mất đất, và mấu chốt ở giá đền bù đã và đang lạc dòng giá thị trường.
Ở các dự án thu hồi đất nông nghiệp, giá đất chỉ vài trăm, thậm chí vài ngàn đồng một mét vuông, trong khi nếu mua lại chính mảnh đất đó thì những hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Việc mất tư liệu sản xuất và giá đền bù không thỏa đáng lý giải nguyên nhân đằng sau sự phản kháng mạnh mẽ từ phía người dân chủ đất.
Sự hậu thuẫn của bộ máy hành pháp
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người tham gia nhiều khiếu kiện liên quan đến thu hồi- giải phóng mặt bằng, cho rằng:
“Đối với các dự án kinh doanh, mặc dù pháp luật quy định chủ đầu tư phải thỏa thuận với người bị thu hồi đất căn cứ theo giá thị trường nhưng các chủ đầu tư vì nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận thường tự xây dựng phương án đền bù, áp dụng khung giá của Nhà nước.”
"Vì vậy mà người dân thường chịu thiệt thòi.”
“Vấn đề mâu thuẫn, bất lợi cho người dân chính là mục tiêu của chủ đầu tư nhưng việc thực thi thu hồi đất của dân, ra các quyết định hành chính và cưỡng chế đều từ cơ quan nhà nước. Dân chống lại, đòi quyền lợi đồng nghĩa với đối kháng, trong khi nếu có thu hồi được, quyền lợi hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư.”
“Đây chính là lỗi chính sách lớn nhất trong việc thu hồi đất hiện tại ở Việt Nam và là lý do người dân than oán, các chủ đầu tư chạy dự án.”
Chưa có một thống kê cụ thể nào về con số những hộ dân mất đất nông nghiệp để phục vụ cho các chính sách quy hoạch đất đai trên cả nước. Nhưng rõ ràng con số này ở Việt Nam chưa có dấu hiệu dừng lại khi các dự án phục vụ đô thị hóa mọc lên ngày càng nhiều, đi kèm cưỡng chế có bạo lực từ phía chính quyền.
Kể về vụ việc ở Dương Nội năm nào, Trịnh Bá Phương chia sẻ “ngày 25 tháng 4 năm 2014, nhà cầm quyền Hà Nội đã đưa công an về để đàn áp và bắt giam bố mẹ tôi”.
“Họ giam mẹ tôi với hai tù nhân bị nhiễm HIV giai đoạn cuối.”
Những cuộc biểu tình diễn ra từ phía những người nông dân bị cưỡng chế, những băng rôn, khẩu ngữ “Trả lại ruộng đất cho dân cày”, “Bắt người vô tội để cướp đất là một tội ác”, “Chính quyền tiếp tay cướp ruộng giết dân”,… cho thấy tranh chấp ngày càng trở nên gay gắt.
Hình ảnh thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, trong vụ việc tạt axit vào đoàn cưỡng chế ở Long An, mặc chiếc áo với dòng chữ “Phong trào Liên đới dân oan tranh đấu Việt Nam” nhắc nhở mỗi chúng ta mâu thuẫn giữa người dân mất đất với chính quyền trong các vụ thu hồi, ngày một lên tới đỉnh điểm.
Nếu không được giải quyết kịp thời, những bất ổn xã hội do lợi ích ba bên khập khiễng giữa người dân, giới đầu tư và chính quyền địa phương cùng với hệ lụy của nó sẽ ngày càng trầm trọng.
Nhà nước chỉ nên là tổ chức trung gian
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho rằng “để giải quyết một cách triệt để, ngoại trừ các dự án công cộng, công ích hoặc an ninh quốc phòng, các dự án có mục đích kinh doanh, lợi nhuận cần phải để cho chủ đầu tư và người dân trực tiếp thỏa thuận với nhau về việc đền bù giải phóng mặt bằng”.
“Nhà nước đứng ra làm trung gian, không phải là người làm thuê cho các chủ đầu tư, không ra các quyết định hành chính hay tổ chức cưỡng chế bằng cơ quan quyền lực nhà nước mà đây là việc của chủ đầu tư.”
“Trong sự việc này nhà nước sẽ phải bảo vệ quyền lợi của dân nếu chủ đầu tư sử dụng các biện pháp thu hồi trái pháp luật chứ như thực tế hiện nay, nhà nước chỉ bảo vệ chủ đầu tư mà thôi.”
Những vụ bạo lực tương tự sẽ tiếp tục diễn ra nếu vẫn còn những bất cập trong thu hồi, giải phóng mặt bằng, và hành động cưỡng chế từ phía chính quyền, không đếm xỉa đến lo ngại của người dân.
No comments:
Post a Comment