Wednesday, December 9, 2015

‘Rửa sạch’ hình ảnh cảnh sát giao thông trong lòng dân

Cảnh sát giao thông tại một ngã tư ở Hà Nội, ngày 31/10/2011.
Cảnh sát giao thông tại một ngã tư ở Hà Nội, ngày 31/10/2011.
Trước phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 20 Hội đồng Nhân dân TP. HCM khóa 8 diễn ra từ ngày 8-12 đến 11-12, báo Thanh Niên dẫn lời cử tri 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố phản ánh cách thức xử lý vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông (CSGT) không minh bạch, không rõ ràng, chỉ canh người vi phạm để phạt mà thiếu tính giáo dục; CSGT núp lùm để canh người tham gia giao thông gây nên hình ảnh phản cảm. Cử tri quận này đề nghị CSGT nên đường đường chính chính kiểm soát hành vi vi phạm giao thông.
‘Giữa đường tấy chuyện bất bình’
Tôi nhớ Việt Nam có truyện Lục Vân Tiên, “giữa đường thấy chuyện bất bình”, ra tay nghĩa hiệp cứu Kiều Nguyệt Nga. Người dân không mong cảnh sát như Lục Vân Tiên vốn chỉ có trong truyện, nhưng kỳ vọng rằng trên những chặn đường vốn đã lắm ổ gà, ổ voi, lô cốt, thậm chí hố tử thần, thì họ vẫn an tâm vì cảnh sát hiện diện để họ tin tin tưởng về an ninh, giúp họ qua cơn bỉ nạn trong những khi tiến thoái lưỡng nan vì nạn kẹt xe cao độ.
Thế nhưng, theo cái cách mà cử tri thành phố phản ánh thì “nơi có chuyện bất bình” CSGT chưa làm trọn vẹn vai trò, còn nơi an ổn thì CSGT lại xuất hiện để khiến dân cảm thấy âu lo. Điển hình như cử tri quận Thủ Đức, theo Thanh Niên, yêu cầu CSGT thường xuyên cần kiểm tra tình hình giao thông tại Quốc lộ 1K (ngã 3 Thánh Thất Cao Đài - phường Linh Xuân) vì thường xảy ra các tai nạn vào giờ cao điểm; tại ngã tư Tô Ngọc Vân và Phạm Văn Đồng thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm, do vậy lực lược CSGT phải thường xuyên có mặt kịp thời để đảm bảo việc điều tiết giao thông.
Mặt khác, tôi hoàn toàn đồng ý rằng luật pháp cốt là để an dân, giáo dục dân chúng. Phải rạch ròi giữa pháp quyền (thượng tôn pháp luật, tiếng Anh là Rule of Law) và pháp trị (dùng luật để cai trị người dân, tiếng Anh là Rule by Law). Ở Việt Nam, cần phải đẩy mạnh và nhấn mạnh vai trò thượng tôn pháp luật, tức luật pháp cần được sử dụng để giáo dục và điều chỉnh hành vi của tất cả mọi người, chứ không nên xem đây là công cụ để gây ảnh hưởng hay kiểm soát người dân. Ngay cả khi ngành chức năng sử dụng luật pháp để răn đe người dân (qua các hình thức xử phạt hành chính), thì đó cũng hướng tới tính giáo dục (giải thích, viện dẫn, thuyết phục), chứ không phải chỉ nằm ở ý nghĩa xử phạt cho xong chuyện.
Việc cử tri phản ánh “cách thức xử lý vi phạm giao thông của CSGT không minh bạch, không rõ ràng, chỉ canh người vi phạm để phạt mà thiếu tính giáo dục” cho thấy luật pháp đang được CSGT sử dụng thiếu hiệu quả và chưa giúp dân hiểu được tính giáo dục của luật (mà thay vào đó là tính răn đe, nhưng thiếu minh bạch và tâm phục khẩu phục). Thế nên không trách được hàng loạt cử tri phản ứng trước CSGT.
Xây dựng lại hình ảnh CSGT
Tôi thấy ở Mỹ hay châu Âu, thậm chí các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore… cảnh sát giao thông chiếm một vị trí đẹp trong lòng dân. Nghịch lý là họ lại rất hiếm khi xuất hiện trên đường phố. Bất thình lình có tai nạn giao thông hay bất kỳ vấn đề gì về an ninh, họ ngay lập tức hiện diện nhanh chóng. Họ biết làm mọi thứ, từ sơ cứu, giúp người dân đến nơi an toàn, thậm chí… đỡ đẻ cho những sản phụ chưa kịp đến bệnh viện.
Cảnh sát không chỉ đối xử tốt với người, họ còn gần gũi với môi trường xung quanh, như việc giúp động vật thoát nạn trên các tuyến đường. Hình ảnh cảnh sát gắn liền với những lúc người dân gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ, chứ dường như không xuất hiện chỉ để xử phạt. Việc tuần tra cũng có giờ giấc, các chốt tuần tra cũng được lập cố định chứ không có chuyện “núp lùm” để bất thình lình xuất hiện và tìm cách lập biên bản. Nếu người vi phạm giao thông bị cảnh sát dừng xe, họ sẽ được cảnh sát chào lịch sự, sau đó giải thích lỗi một cách rõ ràng. Mọi thủ tục làm xong, việc thu phạt sẽ được thực hiện bởi một cơ quan độc lập khác nhằm hạn chế tối đa tình trạng cảnh sát xòe tay lấy tiền của dân, xuất hiện tình trạng nhũng nhiễu. Ngược lại, cảnh sát tại các nước tôi qua không đơn độc, họ được dân ủng hộ và giúp đỡ mỗi khi họ gặp khó khăn. Các trường hợp vi phạm giao thông, nếu cảnh sát quản lý không xuể, người dân còn hỗ trợ qua đường dây nóng.
Tôi thỉnh thoảng đọc báo thấy các vụ bê bối của CSGT Việt Nam, gần nhất là vụ CSGT tố bị tài xế xe tải đánh trên xa lộ Hà Nội (địa bàn TP. HCM). Ngay cả khi anh cảnh sát là “nạn nhân” trong đoạn clip lại cho thấy nhiều vấn đề tranh cãi, dư luận dường như vẫn thất vọng trước cách hành xử của vị này, nên không mấy người tỏ ra thương cảm hay bênh vực. Trước đó, các vụ CSGT vạch ví người vi phạm giao thông lấy tiền; cùng các vụ bê bối tương tự càng khiến hình ảnh người CSGT trở nên xấu xí hơn bao giờ hết, dù rằng vẫn không ít người cảnh sát sống hết mình và cống hiến hết sức cho trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho dân.
Người dân Việt Nam vốn tình cảm và rất công bằng. Chuyện cảnh sát giao thông Đà Nẵng giúp em bé ung thư thực hiện ước mơ của mình được làm cảnh sát; hay trước đó là các bài báo phản ánh việc xử phạt minh bạch và thuyết phục của họ đã cho thấy một hiệu ứng tích cực từ phía những người cầm lá phiếu đi bầu. Rõ ràng họ cần những CSGT mạnh tay xử lý vi phạm để bảo vệ sự công bằng của pháp luật, nhưng càng cần hơn những người cảnh sát biết giáo dục dân chúng hiểu và tuân theo luật – thứ vốn công bằng cho tất cả mọi người.
Nhưng cho đến nay, các vết nhòe trên hình ảnh CSGT dường như vẫn hiển hiện, và chắc chắn rằng phải quyết tâm và có sự cải cách mạnh mẽ thì hình ảnh ấy mới trở nên “sạch” hơn trong lòng dân.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment