Wednesday, December 9, 2015

Mỹ kiểm soát chặt cá tra nhập cảng từ Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Chính phủ Mỹ qua Bộ Nông Nghiệp sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn phẩm chất cá tra nhập cảng không chỉ từ khi đã đến hải cảng Mỹ mà ngay từ khi còn là trứng và nuôi lớn tại Việt Nam.

Mới đây Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) kêu rằng những quy định mới của Bộ Nông Nghiệp Mỹ để cá tra nhập cảng từ Việt Nam có thể bán trên thị trường Mỹ là “trái nguyên tắc WTO.”


Cá tra, còn gọi là cá ba sa được chế biến tại một cơ sở xuất cảng thủy sản ở tỉnh An Giang. (Hình: AFP/Getty Images)
Từ trước đến giờ, cá tra nhập cảng từ Việt Nam, nguyên con hay cá phi-lê, đều do Cục Quản Lý Dược Phẩm và Thực Phẩm Mỹ (FDA) kiểm soát. Nhưng hồi đầu tháng 12, 2015, Bộ Nông Nghiệp Mỹ loan báo đưa các loại sản phẩm cá tra Việt Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ quan Thanh Tra và An Toàn Thực Phẩm (FSIS, viết tắt của Food Safety and Inspection Service).

Do vậy, kể từ ngày 1 tháng 9, 2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn xuất cảng vào thị trường Mỹ phải được chứng nhận Tiêu Chuẩn Tương Ðồng của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA)(US Department of Agriculture), giống như các loại thịt và sản phẩm thịt được nhập cảng.

Nói rõ hơn, theo TTXVN, tất cả các loại cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm cá tra và cá ba sa của Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giám sát của cơ quan FSIS nói trên. Cơ quan FSIS sẽ cho người giám sát chặt chẽ từ khâu tạo giống, thức ăn chăn nuôi, các loại kháng sinh sử dụng trong quá trình nuôi, các quy trình, hệ thống của nhà máy chế biến, đóng gói, dán nhãn, ghi rõ trọng lượng phi lê, trọng lượng nước, vận chuyển, kho nhập khẩu, phân phối ra thị trường Mỹ đến hệ thống các nhà hàng Mỹ sử dụng sản phẩm cá tra phục vụ thực khách tại Mỹ.
TTXVN nói tất cả các khâu này phải được cơ quan ủy quyền của FSIS thực hiện, đánh giá và chứng nhận. Ðồng thời, các quy trình này cũng phải nhận được chứng nhận phối hợp từ phía Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam thì sản phẩm mới được thông qua.

Nguồn tin trên cho biết, sau khi có hiệu lực từ tháng 3, 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam có thêm 18 tháng chuẩn bị đáp ứng các quy định của FSIS.

Ông Nguyễn Phước Bửu Huy, phó tổng giám đốc công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II được TTXVN dẫn lời kêu rằng, “Một khoảng thời gian quá ngắn để các doanh nghiệp tìm hiểu và vận hành phù hợp với yêu cầu khắt khe của Mỹ.”

Còn ông Trương Ðình Hòe, tổng thư ký Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam thì than rằng, quy định này sẽ gây khó khăn cho con cá tra Việt Nam cũng như nhiều loại cá da trơn khác. Phía người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ không được quyền lựa chọn sản phẩm mà họ muốn. “Thực chất việc ra quyết định này của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ hoàn toàn trái với nguyên tắc của WTO.”

Ðược biết, trước tháng 3, 2016, Việt Nam phải cung cấp danh sách các cơ sở kinh doanh hiện đang xuất khẩu, cũng như văn bản đã tuân thủ theo quy định nhập khẩu hiện hành của FDA, ông Trương Ðình Hòe cho biết.
Cá tra hay cá ba sa xuất cảng từ Việt Nam bị trả ngược về nguyên xứ rất nhiều vì phẩm chất không bảo đảm. Ðặc biệt là lượng thuốc kháng sinh tồn đọng trong cá rất lớn, bên trên tiêu chuẩn cho phép, nhất là những thứ thuốc bị cấm dùng cho cá.

Ngày 30 tháng 10, 2015 vừa qua, tờ Pháp Luật Thành Phố Sài Gòn báo động rằng có nhiều nước đe dọa sẽ cấm nhập cảng thủy sản từ Việt Nam. Lý do, dù đã bị cảnh cáo nhiều lần, thủy sản Việt Nam tiếp tục nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép, tại hầu hết các thị trường được xuất cảng.

Theo tờ PLTP, thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tam đã “báo động đỏ” như vậy đối với thủy sản Việt Nam tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” ngày 29 tháng 10 tổ chức tại Sài Gòn. Thống kê cho thấy, tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32,000 tấn hàng bị trả về. Riêng chín tháng đầu năm 2015, Việt Nam có đến 582 lô hàng bị 38 nước trả hàng về, trung bình mỗi công ty có năm lô hàng bị trả về. Ðặc biệt “có một công ty có đến 54 lô hàng bị trả về, một công ty khác số lô hàng bị trả về lên tới 70.”

Nhật Bản, Úc và Liên Âu là ba thị trường cảnh cáo sẽ cấm nhập cảng thủy sản của Việt Nam. Họ là những thị trường xuất cảng chính yếu của thủy sản Việt Nam bên cạnh thị trường Mỹ.

Theo tin tức nêu ra trong cuộc họp ở Sài Gòn, 9 tháng đầu năm 2015, “Có 27 lô hàng xuất sang Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng sáu lô so với năm 2014. Số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2.5-3.7 lần so với năm 2014 (tùy từng chất cấm). Nhật đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.

EU cũng cảnh báo 27 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh và đã có văn bản nêu rõ 24 DN nếu không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt. Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng sáu lần so với năm 2014.”

Với phẩm chất thủy sản như thế, chính phủ Mỹ có lý do chính đáng để siết chặt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu thụ của họ dù phía Việt Nam kêu ca “trái nguyên tắc của WTO.” (TN)

12-08-2015 6:06:26 PM 

No comments:

Post a Comment