BẮC KINH (NV) - Một thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc vừa tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không tham dự tiến trình phân xử và không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa Trọng Tài Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Tổng Thống Benigno Akino của Philippines chỉ vào đường ranh giới trên bản đồ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Hôm 29 Tháng Mười, tòa này chính thức tuyên bố họ có đầy đủ thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
Tuyên bố vừa kể đẩy Trung Quốc lún sâu vào thế bất lợi trong quan hệ quốc tế.
Vì muốn độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc hung hăng đối đầu với nhiều bên, đẩy Hoa Kỳ đến chỗ phải nhập cuộc để kiềm chế và nay, Trung Quốc phải đối diện với cơ quan tài phán quốc tế.
Năm 2013, sau khi nhận đơn kiện của Philippines, tòa đã vài lần yêu cầu cả Philippines lẫn Trung Quốc bổ túc bằng chứng, lý lẽ.
Dẫu khăng khăng khẳng định có đầy đủ bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông, thậm chí tuyên bố Biển Đông là tài sản do tổ tiên để lại, nhưng Trung Quốc dứt khoát không đáp ứng yêu cầu của tòa.
Thậm chí Trung Quốc còn cho rằng, tòa vô năng, không có thẩm quyền phân xử.
Việc tòa khẳng định cơ quan này có thẩm quyền phân xử vụ kiện, với Philippines là nguyên đơn và Trung Quốc là bị đơn, khiến Bắc Kinh vất vả hơn trong việc chống đỡ để bảo vệ tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Ông Lưu Chấn Dân, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, chống chế, vụ kiện mà Tòa Trọng Tài Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc nhận thụ lý là một vụ phân xử thiếu thiện chí bởi vì không có sự thuận tình từ phía Trung Quốc. Philippines kiện Trung Quốc không phải vì muốn giải quyết các bất đồng mà chỉ nhằm phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc.
Bởi vì thiếu các bằng chứng và lý lẽ biện bạch cho yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các quốc gia bị yêu sách này xâm hại chủ quyền. Nhiều chuyên gia về luật biển tin rằng, tòa sẽ bác yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
Đó có thể cũng là lý do chính khiến ông Lưu Chấn Dân phải nói trước rằng, phán quyết của tòa sẽ không làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc, cũng như không ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngay sau khi tòa tuyên bố, cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đề nghị Philippines quay lại “con đường đúng đắn” là đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết bất đồng về chủ quyền.
Nếu tòa có phán quyết chính thức và phán quyết này phủ nhận yêu sách của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng, tất cả những hành động của họ Biển Đông đều nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, rằng Trung Quốc luôn có thiện chí duy trì hòa bình và giữ gìn sự ổn định trong khu vực.
Cần nói thêm là mới đây, khi đến thăm Trung Quốc, bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, nhận định, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là một xung đột nghiêm trọng và nhấn mạnh là bà ngạc nhiên vì tại sao Trung Quốc luôn bảo rằng họ có thiện chí nhưng lại không chọn các tòa án quốc tế làm giải pháp giải quyết bất đồng. (G.Đ.)
10-30-2015 6:02:52 PM
No comments:
Post a Comment