BÌNH PHƯỚC (NV) - Dường như việc điều chuyển ông Nguyễn Văn Hùng, phó công an huyện Bù Gia Mập về làm phó một phòng của công an Bình Phước đã hoàn tất cam kết “xử lý nghiêm khắc” một vụ đòi nợ thuê.
Bà Trần Thị Búp. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hồi giữa tháng 2 năm nay, ông Hùng phê chuẩn “lệnh bắt khẩn cấp” bà Trần Thị Búp, ngụ tại xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập vì “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”
Bà Búp bị giam cho đến giữa tháng 3 thì được trả tự do vì phản ứng của báo giới, hệ thống tư pháp tại Bình Phước phải kiểm tra và xác nhận, các viên chức tư pháp tại huyện Bù Gia Mập đã “hình sự hóa giao dịch dân sự.”
“Hình sự hóa giao dịch dân sự” là cách gọi vấn nạn hệ thống tư pháp Việt Nam (bao gồm Tòa án, Viện Kiểm Sát, công an) đòi nợ thuê. Thay vì để những cá nhân có liên quan đến nợ nần kiện nhau ra tòa dân sự xin phân xử thì hệ thống tu pháp Việt Nam lại bắt một trong số các bên có liên quan để buộc trả nợ hay xóa nợ, thậm chí giúp thu hồi tài sản để trừ nợ.
Vấn nạn này kéo dài vài thập niên và nghiêm trọng đến mức, Quốc Hội Việt Nam phải yêu cầu hệ thống tư pháp ban hành các hướng dẫn nhằm ngăn chặn các viên chức tư pháp lợi dụng tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để đòi nợ thuê.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, luật pháp bất minh nên các viên chức tư pháp vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống công quyền để đòi nợ thuê mà trường hợp bà Búp là một ví dụ rất rõ ràng.
Đầu năm 2015, bà Búp mua hai container hạt điều của bà Lâm Cẩm Bé và bà Lê Thị Thủy, cùng ngụ tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Sau đó, bà Búp chỉ trả tiền cho một container, tiền mua container còn lại, bà Búp yêu cầu cấn trừ khoản tiền mà bà Bé còn thiếu. Đáng lưu ý là bà Búp “ngoan cố,” không đếm xỉa gì đến lời hăm dọa của bà Bé là “sẽ nhờ công an giải quyết...”
Ngay sau đó bà Búp bị cáo buộc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo tố cáo của bà Thủy (để loại bỏ sự hợp lý của chuyên cấn trừ nợ nần giữa bà Búp và bà Bé), rồi bị bắt khẩn cấp. Trong suốt một tháng giam giữ bà Búp, cả công an lẫn Viện Kiểm Sát từ huyện đến tỉnh không thèm quan tâm đến những bằng chứng do gia đình bà Búp xuất trình, kể cả băng ghi âm ghi lại các cuộc trao đổi giữa bà Búp và bà Bé...
Mãi tới khi thân nhân bà Búp đi kêu oan, báo giới lên tiếng kèm những chứng cứ rõ ràng cho thấy bà Búp bị bắt oan, công an và Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Phước mới yêu cầu công an và Viện Kiểm Sát huyện Bù Gia Mập báo cáo.
Đến lúc này, phòng cảnh sát điều tra của công an tỉnh Bình Phước mới quyết định đình chỉ điều tra, trả tự do cho bà Búp vì “kết quả điều tra cho thấy bà Trần Thị Búp không phạm tội.”
Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Phước thì ra một văn bản thừa nhận bà Búp đã bị bắt oan, yêu cầu Viện Kiểm Sát huyện Bù Gia Mập xin lỗi bởi đã vội vàng phê chuẩn đề nghị khởi tố, bắt khẩn, tạm giam bà Búp của công an và xem xét việc bồi thường cho bà Búp.
Cả công an lẫn Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Phước cùng cho biết đã yêu cầu thuộc cấp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đồng thời cam kết sẽ “xử lý nghiêm khắc” những cá nhân có liên quan đến chuyện bắt oan bà Búp.
Cho đến nay chỉ mới có ông Nguyễn Văn Hùng bị kỷ luật. Hình thức kỷ luật đúng là “hết sức nghiêm khắc” theo “truyền thống xử lý kỷ luật” của chính quyền CSVN. Từ phó công an của huyện Bù Gia Mập, ông Hùng “bị điều động” về làm... phó một phòng của công an tỉnh Bình Phước!(G.Đ)
10-31-2015 2:20:00 PM
No comments:
Post a Comment