Saturday, October 31, 2015

CSVN sửa luật hình sự để giải cứu cán bộ

HÀ NỘI (NV) - Tại kỳ họp của Quốc Hội CSVN đang diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Quốc Hội nêu thắc mắc phải chăng việc sửa luật hình sự là để giải cứu cán bộ?
Ông Nguyễn Bá Thuyền, người cho rằng, sửa luật hình sự nhằm giải cứu cán bộ. (Hình: VTC)


Tại phiên thảo luận về dự luật “sửa luật hình sự hiện hành,” ông Thuyền tỏ ra bất bình khi dự luật vừa kể loại bỏ tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Theo ông Thuyền, đó là một cách dung tha cho những cán bộ cố tình vi phạm luật pháp.
Ông Thuyền nói thêm rằng ông nghi ngờ những người soạn dự luật sửa luật hình sự hiện hành tiếp tay cho tham nhũng.

Luật hình sự cũ quy định, bị xem là tham nhũng nếu “lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận, hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm một việc nào đó,” đối với quy định này, bộ phận soạn dự luật sửa luật hình sự thêm từ “đòi.” Ông Thuyền bảo rằng, thêm như vậy chẳng khác gì tiếp tay bởi khó mà chứng minh có “đòi” hay không. Thực tế cho thấy, bị làm khó là dân tự động phải đưa, không cần “đòi.” Thêm từ “đòi” thì không chống tham nhũng được nữa.

Để dẫn chứng, ông Thuyền nêu lại một trường hợp đã từng xảy ra trên đài truyền hình quốc gia, đó là khi bị chất vấn, một viên bộ trưởng của Việt Nam chống chế rằng, không có thuộc cấp nào của ông ta đòi hối lộ, chỉ có nhân dân tự đưa!

Đây là lần cuối Quốc Hội Việt Nam góp ý cho dự luật hình sự trước khi bỏ phiếu thông qua. “Nỗ lực sửa luật hình sự” của Việt Nam dường như một trò hề.

Những ý tưởng được cho là mới trong dự luật sửa luật hình sự hiện hành chủ yếu chỉ xoay quanh nhóm tội phạm về kinh tế, theo đó sẽ tăng hình phạt tiền, hạn chế phạt tù đối với các loại tội trong nhóm tội phạm này. Chẳng hạn trước đây, những người phạm tội “buôn lậu,” bị kết án từ sáu tháng đến ba năm tù có thể nộp khoản tiền phạt từ 10 triệu đến 100 triệu để khỏi vào tù thì nay, nhóm soạn thảo dự luật sửa Bộ Luật Hình Sự hiện hành nâng mức tiền phạt lên ba lần (từ 30 triệu đến 300 triệu). Đồng thời cho phép người bị phạt từ ba năm tù đến bảy năm tù có thể nộp phạt từ 300 triệu đến 1,5 tỷ để khỏi vào tù. Nếu bị phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù, có thể nộp phạt từ 1,5 tỷ đến 5 tỷ để mua tự do.

Những người bị kết tội “trốn thuế” cũng có thể nộp khoản tiền phạt tương ứng từ ba đến năm lần số thuế mà họ gian lận và khỏi phải vào tù.

Tương tự, các tội khác trong nhóm tội phạm kinh tế như “vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới,” “sản xuất, buôn bán hàng cấm,” “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm,” “sản xuất, buôn bán hàng giả,” “kinh doanh trái phép,” “đầu cơ,” “lừa dối khách hàng,” “cho vay nặng lãi,”... đều có thể nộp tiền phạt để khỏi vào tù.

Ngoài việc gạt bỏ tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” dự luật này còn gạt bỏ một số tội khác như “báo cáo sai trong quản lý kinh tế.” Một viên chức Bộ Tư Pháp từng giải thích, việc gạt bỏ các tội vừa kể ra khỏi luật hình sự nhằm “bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng trong chính sách hình sự” vì “không nên tạo ra một tội danh giống như cái túi để xử lý những vi phạm mà không đủ căn cứ để truy cứu về một tội danh cụ thể.”


Điểm đáng chú ý là dự luật sửa luật hình sự hiện hành của Việt Nam không đề cập gì đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trong khi càng ngày càng nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế lên án và yêu cầu chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ nhiều tội trong nhóm tội này như: “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79), “phá hoại chính sách đoàn kết” (điều 87), “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88), “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” (điều 258). Lý do là vì chúng mơ hồ và thường được chính quyền Việt Nam tận dụng nhằm kết án, giam cầm những người chỉ bày tỏ chính kiến của họ một cách ôn hòa. (G.Đ)
10-31- 2015 2:07:59 PM 

No comments:

Post a Comment