Theo VOA-31.10.2015
Trước thềm đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lần thứ XII sắp tới, sự kiện được dự đoán sẽ được tổ chức vào giữa năm 2016, tôi xin bàn luận một tý về một đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản. Không thể phủ nhận rằng Đảng CSVN đã tranh thủ được sự đoàn kết của toàn dân Việt Nam trong việc duy trì tính danh chính ngôn thuận (legitimacy) của đảng cầm quyền trong nhiều thập kỷ qua. Đây là một chiến thuật thông dụng của các đảng toàn trị trên thế giới nhằm giữ vững sự cầm quyền tuyệt đối của mình. Rất đơn giản, nhà cầm quyền phát triển một hoặc vài thành tựu kinh tế hoặc xã hội để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của họ, từ đó giữ vững vai trò toàn trị của mình. Hoặc đơn giản hơn nữa, nhà cầm quyền tìm hoặc tạo ra một mối lo chung, cụ thể là một "kẻ thù" của “quốc gia”, nhằm tranh thủ sự chú ý của người dân vào một “kẻ thù”, từ đó tạo ra sự “đoàn kết toàn dân”, và “đoàn kết giữa đảng và nhân dân”. Chiêu bài này được chính trị gia các nước sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Trở lại trường hợp của Việt Nam, Đảng CS sinh ra và trưởng thành như là một chính đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam “đấu tranh chống ngoại xâm”. Công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc chính là vốn chính trị đầu tiên của Đảng CSVN làm nên tính chính danh của họ trong suốt nhiều thập kỷ. Trong giai đoạn đầu của nền độc lập dân tộc, nhiều sai lầm nghiêm trọng của nhà nước vì sự áp dụng rập khuôn chủ nghĩa CS đã làm cho nhân dân lầm than. Để rồi sự sụp đổ của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu đe doạ đến sự tồn vong của các đảng CS ở các châu lục khác. Cũng như ở Trung Quốc, Đảng CSVN nhanh chóng cải cách để tránh hoạ diệt vong đang ập tới. Một chiến lược cải tổ sâu rộng nền kinh tế chính trị Việt Nam lúc bấy giờ được ban hành kịp thời, được biết đến dưới cái tên “Đổi Mới”. Rõ ràng, Đổi Mới không hẳn xuất phát từ cuộc cải cách “vì dân”, mà có thể nói, đấy là sự thích nghi của đảng CS trước mối đe doạ tiềm tàng trong và ngoài nước. Kể từ đấy, nền kinh tế Việt Nam đã chính thức từ bỏ cơ cấu vận hành của chủ nghĩa xã hội đúng chuẩn theo công thức Mác-Lênin. Nước cờ cao tay này của đảng CS đã thành công rực rỡ trong gần hai mươi năm tiếp theo. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng. Chỉ số GDP và các thước đo kinh tế khác của Việt Nam tăng trưởng không ngừng. Cùng với thành tựu kinh tế là chính sách mở cửa của Việt Nam, thông qua việc gia nhập các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, WTO, nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực nước ngoài. Thành tựu kinh tế trong giai đoạn này chính là cơ sở cho tính hợp pháp của đảng CS. Tuy nhiên, mặt tối của xã hội và chính trị Việt Nam vẫn tồn tại nhan nhản, ví dụ như nạn tham nhũng hay những vi phạm nhân quyền, dường như bị che lấp đi bởi cái “giá trị kinh tế” của đảng CS đối với người dân Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế không thể bền vững nếu cơ cấu của nền kinh tế (kinh tế thị trường) không phù hợp hoặc không được hỗ trợ bởi một thể chế chính trị phù hợp (chế độ toàn quyền hoặc độc tài). Thể chế toàn quyền và sự vun vén của những nhóm lợi ích lại một lần nữa đẩy xã hội Việt Nam vào thế bí. Đối lập với một nền kinh tế đi lên là một xã hội với nhiều bất cập. Đời sống của nông dân và công nhân vẫn còn khó khăn, thu nhập thấp, điều kiện sống và làm việc thiếu thốn. Tự do ngôn luận, tự do báo chí bị hạn chế. Tình trạng tham nhũng, lạm quyền, hối lộ ngày càng phổ biến. Để rồi cuối cùng, tình trạng tham nhũng và sự quản lý yếu kém của nhà nước đẩy Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng kinh tế ngầm: các tập đoàn kinh tế nhà nước phá sản, nợ công nước ngoài tăng ngoài tầm kiểm soát, tăng trưởng kinh tế kém.
Lúc này đây, chính việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, ban đầu tưởng như là một mối đe doạ, lại chính là cứu cánh cho tính hợp pháp của đảng CS và nền chính trị Việt Nam. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhà nước ra sức cập nhật tình hình biển Đông và tuyên truyền lên án Trung Quốc. Nhớ lại trước đây, những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc vốn luôn được nhà nước Việt Nam che giấu vì một mối bang giao “16 chữ vàng” giữa hai nước. Tình thế nay đã khác, chiến lược “đẩy lửa ra ngoài” của chính phủ lại một lần nữa thành công: cả đất nước Việt Nam lẫn kiều bào sinh sống khắp mọi nơi trên thế giới đoàn kết lại lên án các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Vốn xã hội thông qua đoàn kết toàn dân đã tạo ra vốn chính trị cho Đảng CSVN. Tính hợp pháp của nhà cầm quyền được củng cố. Thế nhưng, cái cơ sở này rất khác so với hai lần trước. Một là, đây chỉ là một vấn đề cục bộ, trong tổng thể bức tranh to lớn của chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam. Nó chắc chắn sẽ không thể được sử dụng dài hơi khi mà xung đột vũ trang giữa hai nước là điều khó trở thành hiện thực. Hai là, nếu muốn duy trì cái cơ sở cho tính hợp pháp của đảng, họ phải thể hiện rõ thái độ của mình trong quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh của việc tranh chấp biển Đông. Hình ảnh một đảng lãnh đạo Việt Nam tiếp tục thân Trung chắc chắn không thể chứng tỏ khả năng trị nước của mình trước nhân dân. Trên thực tế, Đảng CSVN đã và đang tạo ra những dịch chuyển mạnh mẽ trong các mối quan hệ quốc tế của mình theo chiều hướng xa rời Trung Quốc hơn, bằng việc tích cực tham gia vào TPP và đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Việc đa phương hoá quan hệ quốc tế như thế giúp Việt Nam cân bằng vị trí địa chính trị của mình tại Biển Đông. Câu hỏi đặt ra ở đây là, chính phủ Việt Nam sẽ đi theo chính sách ngoại giao này một cách toàn diện hơn nữa hay chỉ là biện pháp tạm thời nhằm đối phó với Trung Quốc, và đặc biệt là nhằm cứu vớt uy tín của mình trước người dân Việt Nam.
Tại thời điểm này, Đảng CSVN đang tất bật trước thềm đại hội đảng sẽ được triệu tập trong năm tới. Một cuộc dịch chuyển ngầm đang diễn ra trong nội bộ đảng, với việc nhân sự lãnh đạo các địa phương được dàn xếp, để bảo đảm những vị trí cao cấp được trao cho những đảng viên có ảnh hưởng quyền lực nhất trong bộ máy chính trị Việt Nam. Việc giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc là hành động hợp thời thế. Tuy nhiên, chắc chắn rằng lãnh đạo Việt Nam sẽ không thể quay lưng lại với Trung Quốc bởi chính cái định mệnh địa chính trị nằm kề nhau giữa hai nước, cũng như sự tương đồng về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa từ trước tới nay. Một trong những thách thức lớn nhất của Đại hội Đảng lần thứ XII là, sau biển Đông, tính hợp pháp của đảng CSVN sẽ dựa vào những giá trị hay mục tiêu chính trị nào tiếp theo, trong một bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, và một tình hình kinh tế không còn khả quan như trước.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment