VIỆT NAM (NV) - Liên tiếp xảy ra các vụ chết người sau khi chích vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem cho các trẻ nhỏ, khiến người dân lo sợ, trong khi Ngành Y Tế cho biết phải “chờ ý kiến của chính phủ để thay loại thuốc mới.”
Chích ngừa vắc-xin Quinvaxem cho trẻ. (Hình: Người Lao Động)
Trả lời truyền thông, ngày 30 tháng 10, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng, Bộ Y Tế, xác nhận: “Từ đầu năm 2015 đến nay đã có 16 trường hợp phản ứng nặng (tím tái, khó thở); có 8 ca chết sau khi chích Quinvaxem “5 trong 1,” phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.”
Ông Phu cho biết, dù trước đó, các phương án thay thế cũng đã được đặt ra nhưng khó khăn nhất vẫn là nguồn vắc-xin và kinh phí. Hơn nữa, nhà sản xuất vắc-xin có thành phần vô bào trên thế giới cũng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu thay thế của Việt Nam.
“Bộ Y tế cũng đang trong quá trình đề xuất lên chính phủ cho thay thế vắc-xin Quinvaxem bằng vắc-xin thế hệ mới. Tuy nhiên, việc này cần lộ trình, thời gian, kinh phí và phải căn cứ trên ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước,” ông Phu nói.
Tờ Người Lao Động dẫn thống kê trong năm 2014 về các tai biến sau tiêm Quinvaxem đã ghi nhận, gần 10 trẻ em ở Việt Nam chết sau khi chích. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng đã tìm ra 9 ca phản ứng liên quan đến vắc-xin này.
Thế nhưng, Bộ Y Tế Việt Nam vẫn tiếp tục dùng vắc-xin Quinvaxem chích ngừa cho trẻ, khiến có thêm nhiều ca tử vong. Cụ thể, ngày 25 tháng 10, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đưa bé Nguyễn Ngọc Tường Vy (4.5 tháng tuổi) đến trạm y tế xã để chích ngừa vắc-xin Quinvaxem. Trước khi chích, kiểm tra sức khỏe sàng lọc thấy sức khỏe cháu bình thường. Thế nhưng đến sáng 26 tháng 10, cháu Vy bị nôn và đến chiều cùng ngày xuất hiện những vết tím ở mông, được nhân viên y tế kiểm tra, sau đó chuyển đến bệnh viện đa khoa huyện Tứ Kỳ và chết vào sáng hôm sau với chẩn đoán “sốc nhiễm trùng nặng.”
Trước đó, ngày 20 tháng 10, bé trai 3 tháng tuổi, ngụ xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cũng bị chết sau khi chích ngừa Quinvaxem vài phút. Theo kết luận của hội đồng chuyên môn, bé chết do “sốc phản vệ.” Theo đại diện Bộ Y Tế, đây là một trong số trường hợp trẻ chết có liên quan đến vắc-xin.
Để biện minh cho chất lượng vắc-xin Quinvaxem mà Ngành Y Tế Việt Nam đang sử dụng chích cho trẻ nhỏ, ông Phu biện minh: “Nhiều người nhận xét rằng, sau khi chích dịch vụ vắc-xin “5 trong 1” của Pháp, Mỹ thì không có phản ứng. Thực tế, mỗi năm, Việt Nam chỉ có khoảng 100,000-200,000 liều được sử dụng. Con số này thấp hơn nhiều so với 5.5 triệu liều vắc-xin Quinvaxem mà Bộ Y Tế đã dùng cho trẻ em trên cả nước,” ông Phu nói.
Theo ông Phu, để đưa ra kết luận nguyên nhân phản ứng sau khi tiêm Quinvaxem, cần dựa trên các bằng chứng khoa học, kết quả điều tra phản ứng sau tiêm và đánh giá của hội đồng tư vấn về tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế. (Tr.N)
10-31-2015 4:04:16 PM
No comments:
Post a Comment