Saturday, October 31, 2015

Nạn quỵt hụi bùng phát

Nhóm phóng viên tường trình từ VN Theo RFA-2015-10-31  
sai-gon-622.jpg
 Hình minh họa chụp tại Sài Gòn RFA
Nạn quỵt hụi thường bắt đầu từ tháng mười âm lịch trở đi bởi đây là thời điểm mà mọi nguồn thu nhập có chiều hướng khó khăn hơn bởi thời tiết và những ảnh hưởng kinh tế từ phía quản lý nhà nước. Cũng giống như mọi năm và có vẻ nặng hơn, năm nay, bắt đầu từ tháng chín âm lịch, nạn quỵt hụi đã bùng phát ở thành phố Sài Gòn. Nạn quỵt hụi không những diễn ra trong giới tiểu thương ở các chợ mà ngay cả trong giới cán bộ nhà nước, nạn quỵt hụi cũng tràn lan.

Hụi là gì?

Một tiểu thương tên Lài, hiện buôn bán tại chợ Bà Hoa, quận Tân Bình, Sài Gòn, chia sẻ:
“Chơi chỗ nào uy tín chơi thì chơi chứ không uy tín thì nó giật đó. Bây giờ người ta chơi tràn lan. Cẩn thận! Hụi thì gồm hai loại, hụi sống và hụi chết. Ví dụ như mình không hốt hụi, mình vô một chân mà ba triệu động cho mười hai người chẳng hạn, nếu mình hốt bốn trăm, thì tháng tới mình phải gánh cho các hụi sống bốn trăm ngàn đồng, các hụi sống chỉ đóng hai triệu sáu, họ lãi bốn trăm. Hụi thì có lãi lắm chứ!”
Chơi chỗ nào uy tín chơi thì chơi chứ không uy tín thì nó giật đó. Bây giờ người ta chơi tràn lan. Cẩn thận! Hụi thì gồm hai loại, hụi sống và hụi chết.
-Bà Lài
Theo Bà Lài, bản chất của chơi hụi không phải là xấu, tuy rằng hụi bị nhà nước cấm và không có điều luật nào để giải quyết vấn đề giật hụi, điều này có nghĩa là nhà nước hoàn toàn không đồng thuận với việc chơi hụi của các tiểu thương. Nhưng trong giới tiểu thương, chơi hụi vừa huy động vốn nhanh lại vừa có tính trí tuệ, giúp cho mọi người có thể tích lũy hoặc mượn vốn làm ăn mà không phải trải qua những thủ tục nhiêu khê, rắc rối của ngân hàng. Hay nói cách khác, hụi là một cách huy động vốn hoặc gửi tiết kiệm tốt hơn rất nhiều so với vay ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng.
Ở khía cạnh hụi tốt hơn vay ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm, bà Lài nói rằng ví dụ cùng bỏ ra một mười hai triệu đồng để tích lũy trong một năm hoặc lấy mười hai triệu đồng để huy dộng vốn làm ăn, hụi có những điểm ưu việt hơn vay ngân hàng ở chỗ vay ngân hàng phải trả lãi theo định mức nhà nước còn huy động hụi thì trả lãi theo khả năng của mình. Ví dụ như một hụi gồm mười hai người kể cả nhà cái là người có uy tín, mỗi tháng đóng một triệu đồng, tháng đầu tiên, mười hai nhà góp được 12 triệu đồng.
Một khi các tiểu thương muốn hốt hụi, nghĩa là huy động vốn để làm ăn thì cùng nhau bỏ phiếu kín, hình thức của đấu giá. Mức giá sàn ở đây là một triệu đồng, đúng với mức phải đóng hằng tháng, người nào cần tiền thì đấu cao hơn, ví dụ như một triệu mốt chẳng hạn, hoặc là một triệu hai. Lá phiếu đấu cao nhất sẽ được hốt mười hai triệu đồng đó và tháng sau, thay vì đóng một triệu như mức cũ thì người trúng hụi phải đóng lên mức tiền mà mình đã đấu giá.
sai-gon-400.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Sài Gòn. RFA PHOTO.
Lúc đó, mười một người còn lại không phải đóng một triệu nữa mà đóng số tiền thấp hơn bởi đã có số bù cao hơn một triệu từ người hốt hụi đầu. Và hụi lại tiếp tục đấu giá để tư thương khác trong số 11 người còn lại hốt về làm vốn. Những người đã hốt hụi, phải đóng mức tiền mà mình đã đấu giá gọi là hụi chết và không được hốt lần hai, những người chưa hốt vẫn tiếp tục đóng với mức tiền ngày càng thấp đi và vẫn còn cơ hội đấu giá gọi là hụi sống.
Một người tham gia hụi, giữ mức hụi sống cho đến cuối kì thì có lãi rất cao, vì sau mỗi tháng, lại có người đứng ra gánh một phần tiền đóng bằng cách đấu giá, có khi đến cuối năm, ở tháng cuối cùng, hụi sống chỉ đóng vài ba trăm ngàn, tổng đầu từ chỉ ở mức từ bảy đến tám triệu đồng nhưng lại lấy về mười hai triệu.
Cách huy động vốn theo sở hụi rất linh hoạt, tùy vào khả năng mà người chơi huy bỏ phiếu đấu giá để lấy vốn làm ăn và người chơi hụi sống luôn có lãi. Tuy nhiên, vấn đề lãi hay lỗ của hụi lại không phụ thuộc vào những mức đấu giá của hụi chết mà là uy tín, lương tâm của hụi chết và nhà cái. Bà Lài cho rằng người Việt Nam hiện nay phần đông không coi trọng chữ tín và cũng không có đầu óc để tư duy lâu dài, làm ăn rất chụp giật, thiếu lương tâm. Chính vì vậy mà các sở hụi thường bị quỵt. Và chỉ cần một người quỵt hụi thì nhà cái tìm cách cho rã đám chứ không chia định mức cho những nhà còn lại nhằm cứu hụi.
Chuyện này khác xa với các tư thương ở Lào và Campuchia, là một tư thương hay giao dịch với giới tư thương ở Lào và Campuchia, bà Lài chua xót nhận ra rằng hầu hết người dân của hai nước này sống có đạo đức, hiếm có tình trạng giật hụi như chúa chổm của tư thương nói riêng và người dân nói chung tại Việt Nam.

Hụi trước và sau 1975…

Một cựu công chức chế độ cũ tên Lê Ngại, hiện sống ở quận 1, Sài Gòn chia sẻ thêm về vấn đề hụi trước và sau 1975:
Ở đây pháp luật nó còn hơi lỏng lẻo một chút, không phải như nơi khác. Họ giật hụi xong họ đi lánh nạn chừng một tháng hai tháng rồi họ về cũng phậy phây làm ăn, hứa mai mốt có tiền rồi trả, coi như xong.
-Ông Ngại
Từ một tỉ hai tỉ bị bể cũng do hụi ma. Ở đây pháp luật nó còn hơi lỏng lẻo một chút, không phải như nơi khác. Họ giật hụi xong họ đi lánh nạn chừng một tháng hai tháng rồi họ về cũng phậy phây làm ăn, hứa mai mốt có tiền rồi trả, coi như xong. Chẳng ai nói gì hết. Nó khác với nơi khác là khi có người giật hụi, công an và viên kiểm sát sẽ vào cuộc…”
Ông Ngại cũng nói thêm là trước năm 1975, ở các chợ miền Nam Việt Nam đều có các sở hụi giữa tư thương với nhauu, thậm chí ở các cơ quan nhà nước, các sở công đều có hụi nhưng hiếm có chuyện người ta giật hụi, quỵt hụi như bây giờ. Sở dĩ hiện tại người ta dễ dàng bị quỵt hụi bởi đạo đức con người nói chung đã xuống cấp trầm trọng. Ông Ngại lấy làm tiếc là ngay cả giới tiểu thương, người buôn bán nhỏ lẻ cũng bị xuống cấp đạo đức.
Ông Ngại giải thích là lẽ ra, sự xuống cấp đạo đức hiện nay chỉ xảy ra trong bộ máy nhà nước bởi họ làm việc trong môi trường độc tài, chuyên quyền và thiếu khoa học, thiếu cả nền tảng đạo đức trong quá trình đào tạo, nhất là phải tương tác với một số đảng viên có tuổi đảng nhưng thiếu tri thức và đạo đức mà lại nắm quyền và tiền trong tay.
Nếu như các cán bộ nhà nước mất đạo đức là chuyện dễ hiểu. Nhưng ở đây, những tư thương phải hằng ngày cật lực kiếm tiền, phải vắt hết cân não để suy nghĩ mưu sinh, đã vậy, lẽ ra phải thương yêu, đùm bọc nhau và lấy chữ tín mà làm định hướng tương lai. Đằng này họ cũng sống liều lĩnh như giới cán bộ, chẳng có gì khác.
Ông Ngại cho rằng sở dĩ có chuyện người ta không còn coi trọng chữ tín là vì người ta đã sống quá lâu trong một môi trường không có chữ tín, lấy sự khoác lác làm nền tảng giáo dục và phát triển xã hội, và khi xã hội đã có thành tựu khoác lác và dối trá như hiện nay là nhờ vào công lao của nhà cầm quyền, không thể là ai khác. Là một người sống qua hai chế độ, ông Ngại thấy tiếc nuối cho thời tốt đẹp đã mất.
Mùa Đông đang đến, càng về cuối năm, những nhân vật quỵt hụi càng xuất hiện nhiều thêm, bởi đây là thời điểm đóng hụi chết rất cao và việc kiếm tiền khó khăn hơn rất nhiều.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment