Saturday, October 31, 2015

Tại sao chúng ta phải nuôi báo cô bè lũ cs?

Tùy Nghi Tiến (Danlambao) - Mở đầu bài viết này tôi xin được chửi nhà cầm quyền cs VN một phát cho hả cơn “bức xúc”. Đúng là một lũ “làm như con..., mà gặp mặt thì đòi tiền”! 

Như quý vị cũng biết đó, mỗi năm cứ độ thu về, khi Quốc hội cs VN họp, thảo luận tổng kết ngân sách năm nay và làm dự toán cho ngân sách năm sau, thì những ai quan tâm tới tình hình kinh tế Việt Nam đều phải hoa cả mắt, chóng cả đầu với những số liệu bất bình thường mà chúng phổ biến. Chúng ta có thể bị các triệu chứng lâm sàng này không phải là vì dữ liệu ấy khó hiểu mà chỉ vì chúng cực kỳ phi lý.

Chỉ bị xây xẩm là còn đỡ đấy, chứ tôi nghĩ là những người bị bệnh cao huyết áp thì không nên xem, đọc, nghe những báo cáo kinh tế, tài chánh của nhà nước báo cô này bởi vì chúng ta có thể bị lên tăng xông hoặc bị tai biến mạch máu mà chớ. 

Mấy hôm nay có lẽ chúng ta ít nhiều đều có nghe tới vụ thâm thủng ngân sách của nhà nước cs VN. Theo thông tin, Việt Nam có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng ngân sách vì tình trạng bội chi triền miên. Chính quyền Hà Nội hiện không có đủ tiền chi tiêu chớ chưa nói tới trả nợ nước ngoài và đầu tư vào phương tiện cơ sở hạ tầng. Theo số liệu chính thức của Bộ Tài chánh do bọn đại biểu Quốc hội cs VN trích dẫn, thì trong năm 2015 nhà cầm quyền đã trả nợ được 155 ngàn tỷ đồng nhưng lại vay để giải quyết bội chi ngân sách tới 226 ngàn tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85 ngàn tỷ đồng. 

Ngoài ra, trong thời gian gần đây chúng còn vay cái gọi là Ngân hàng Nhà nước 30 ngàn tỷ đồng và 1 tỷ Mỹ kim từ ngân hàng Vietcombank để chi tiêu. Các số liệu này cho thấy tổng các khoản vay lớn hơn gấp đôi tổng các khoản nợ trả, hoặc nói cách khác là trong năm 2015 nhà cầm quyền cs đã vay rất nhiều để chỉ trả một phần rất nhỏ nợ và phần lớn là để chi tiêu.

Trước sự sa lầy thâm thủng ngân sách này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Liên Hiệp Quốc nhận định: “Tôi có cảm tưởng chính phủ (VN) càng ngày càng mất khả năng kiểm soát chi tiêu của mình, hoặc nói ngược là chính phủ rất muốn chi tiêu. Chính phủ Trung ương đồng ý với các địa phương, xây nhà, xây đường xá, ông nào cũng đòi xây cái này cái kia. Và nhiều khi họ chưa có ngân sách mà đã bắt đầu xây rồi. Do làm việc thiếu hiệu quả nên hầu như công trình nào chi phí cũng vượt dự toán ban đầu, Công trình nào cũng vậy cả. Thành ra, với tình trạng này tôi thấy rất là khó, khả năng nợ càng ngày càng nhanh và hiệu quả thì thấp. Khả năng trả nợ chắc chắn là sẽ khó khăn”. (1)

Còn chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành, trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ đài BBC, nhận xét: “Tình hình tài chánh của VN đang rất khẩn trương với đầy những vấn đề không được giải quyết: ngân sách cạn kiệt, chi tiêu không được quản lý chặt chẽ, lãng phí đầu tư công và rút ruột công trình; và nợ công không được xử lý ổn thỏa”. (2)

Tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội cs VN Khóa XIII mới vừa qua, nhiều số liệu về những thành quả kinh tế trong năm 2015 đã được công bố và khiến không ít người sững sờ. Theo nhà cầm quyền cs, sở dĩ tình hình ngân sách năm 2015, cụ thể là tổng thu nhập, u ám như thế là vì hai nguyên nhân chủ yếu. Một là giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh và ảnh hưởng lên giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam. Thu nhập từ xuất khẩu dầu thô đã bị giảm mất một nửa, tương đương khoảng 63 ngàn tỷ đồng. Lý do thứ hai là việc cắt giảm thuế quan với hàng hóa từ các quốc gia ASEAN và một số quốc gia khác trong các hiệp định kinh tế-mậu dịch mà Việt Nam gia nhập. 

Tên Phó Thủ tướng Vũ văn Ninh được đài BBC trích dẫn cho biết rằng: “Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2020 thuế suất giảm từ 25% xuống 20%, nhưng vì khó khăn nên phải hạ nhanh hơn”.

Đối với ngân sách 2016, các báo cáo tại Quốc hội cs VN cho thấy còn nguy cấp hơn nữa. Theo đó trả nợ theo kế hoạch năm 2016 là 155 ngàn tỷ đồng, nhưng trong đó đáo nợ hay vay nợ mới để trả nợ cũ lên tới 95 ngàn tỷ đồng và bội chi ngân sách tới 254 ngàn tỷ đồng. Theo dự toán của nhà cầm quyền cs, chi đầu tư phát triển trong năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61 ngàn tỷ đồng, nhưng con số mà chúng có thể phân bố trong điều kiện eo hẹp hiện nay chỉ là 45 ngàn tỷ đồng. Nếu số tiền phân bố này được dùng để trả nợ thì sẽ không còn tiền để đầu tư.

Giải thích về ngân sách năm 2016, tên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Nguyễn văn Nên cho biết: “Về thu Ngân sách Nhà nước (NSNN), chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến tổng thu năm 2016 là 1.014 ngàn tỷ đồng, tăng 103 ngàn tỷ đồng so với dự toán năm 2015”. (3).

“Về dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016 là 255,75 ngàn tỷ đồng, cao hơn mức bội chi NSNN (254 ngàn tỷ đồng). Tính cả chi đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ 60 ngàn tỷ đồng, từ nguồn thu xổ số kiến thiết 26 ngàn tỷ đồng thì tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 là 341,75 ngàn tỷ đồng, chiếm 25.1 phần trăm tổng chi của NSNN”.

“Con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKH-ĐT) đề cập (45 ngàn tỷ đồng) là vốn ngân sách trung ương trong nước và chỉ là một phần trong tổng chi đầu tư phát triển nêu trên”.

Với tình trạng bội chi như vậy mà nhà cầm quyền cs lại tính làm một chuyện hết sức tào lao và phí phạm. Dĩ nhiên, là tào lao và phí phạm trong mắt của người dân chớ đối với chúng thì là cơ hội. Đó là chúng đề nghị Quốc hội của chúng cho phép xóa nợ các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ. 

Thật vậy, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII như đã nêu ở trên về các vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, tên Bộ trưởng Tài chánh Đinh Tiến Dũng đã đại diện tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới tham dự và đưa ra đề nghị xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc danh sách cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập và sắp xếp lại.

Thẩm tra đề xuất này, tên Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm cái gọi là Ủy ban Tài chánh Ngân sách Quốc hội cho biết đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với phương án này. Tuy nhiên, theo Hiển, một số ý kiến cho rằng việc quy định như đề nghị sẽ dẫn đến trường hợp các DNNN hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa, cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của DN hoặc cố tình không khai số thuế nợ trong giá trị của DN để được hưởng chính sách xóa nợ của Nhà nước cs VN.

Vì vậy, đại diện ủy ban này đề nghị chỉ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với DNNN trong khoảng thời gian được giới hạn trước 31/12/2015, không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên. Theo đó, đây là nội dung mang tính cá biệt, nên đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp của DNNN và bổ sung vào nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nuớc năm 2016. 

Hiển còn biện hộ rằng: “Luật DN năm 2014 quy định nguyên tắc khi cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu như sau: “Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi”. Vì vậy, quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành”. (4) 

Như vậy, kể ra chính quyền chxhcn VN chơi sang thật! Trong khi ngân sách bị thâm thủng khủng khiếp mà lại hào phóng xóa nợ cho các doanh nghiệp đang thiếu mình và đi mượn nợ người khác để chi tiêu! Làm ăn kiểu này thì chúng ta cũng đủ hiểu tại sao tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt và người dân ngày càng nghèo túng, mà các quan chức trong chính quyền csVN hay trong các doanh nghiệp nhà nước ngày càng phát đạt.

Các doanh nghiệp nhà nước cứ làm ăn thua lỗ từ năm này qua năm khác và suốt mấy chục năm nay, vậy mà có người vẫn còn bênh vực chúng.

Thật vậy, theo Trần Vinh Dự, một Tiến sĩ được đào tạo ở Hoa Kỳ nhưng về VN làm việc, thì không nhất thiết hễ là doanh nghiệp nhà nước là làm ăn thua lỗ. Trong một bài viết có nhan đề “Khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ”, anh ta đã lấy một số công ty ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường để dẫn chứng về sự thành công của doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như hãng hàng không Singapore, công ty Bombay Transport Authority của Ấn Độ, công ty sản xuất máy bay Embraer của Brazil, công ty sản xuất xe ô tô Renault của Pháp, công ty sản xuất thép POSCO của Đại Hàn v.v…

Ngoài lãnh vực hàng không, hắn còn trình bày sự thành công của các doanh nghiệp nhà nước trong các lãnh vực khác ở Singapore, chẳng hạn như: viễn thông (điện và xăng dầu), giao thông (đường sắt, xe buýt), cảng, điện toán, đóng tàu, cơ khi, vận tải biển, ngân hàng…. Theo Trần Vinh Dự, sở dĩ các doanh nghiệp nhà nước cần thiết là vì chúng hội được các yếu tố như: độc quyền tự nhiên, năng lực huy động vốn, ngoại trợ (mà anh ta gọi là ngoại ứng) và phổ cập. (5)

Hắn cũng vạch ra các điểm yếu của các doanh nghiệp nhà nước. Đó là vô trách nhiệm, thiếu động cơ làm việc, thái độ ăn theo, thiếu giám sát, thiếu tinh thần cạnh tranh. Theo anh ta, các yếu tố này thường là nguyên do gây ra sự yếu kém và không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. (6). Tuy nhiên, tôi xin bổ sung thêm một số yếu điểm hiển nhiên khác của các doanh nghiệp nhà nước, đó là thiếu tôn trọng tài năng, lãng phí và bè phái.

Tôi tạm tán thành những lý luận của anh ta về vai trò và ưu khuyết điểm của các doanh nghiệp tư và quốc doanh. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với mục đích bênh vực cho các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam của bài viết. Những điển hình thành công mà hắn trưng dẫn chỉ là những hoa thơm, quả ngọt. Nhưng hắn đã cố tình bỏ sót một yếu tố rất quan trọng cho các sự thành công đó, và nó lại nắm giữ một vai trò nền tảng và then chốt. Nếu không có nó, tôi có thể đoan chắc là sẽ không có những hoa thơm, quả ngọt đó. Đó chính là thổ nhưỡng sinh học và phân bón. Việt Nam trong mấy chục năm qua đã khiếm khuyết yếu tố này. Thổ nhưỡng đó chính là thể chế chính trị, và phân bón chính là tính nhân bản, sự khai phóng, khả năng sáng tạo và kỹ năng chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp (entrepreneurial skill).

Dự có viện dẫn công ty viễn thông quân đội Viettel và xem đây là một điển hình thành công của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tôi chỉ xem đây là một hiện tượng khác thường trong cái môi trường hoạt động kinh doanh thiếu khích lệ và thiếu công bằng. Viettel chỉ là một anh mèo mù ăn phải cá rán. 

Theo nhận xét tổng quát của tôi, tình trạng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động ỷ lại, không hiệu quả và lãng phí, và lâm vào tình trạng thua lỗ như ngày hôm nay là một hậu quả “tất yếu” từ sự dung túng của nhà cầm quyền. Những yếu điểm của các doanh nghiệp nhà nước cũng chính là những điểm đặc trưng của nhà cầm quyền cs VN và hậu quả làm việc của hai đám thế lực này đã chẳng hề khác nhau. 

Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải nuôi báo cô bè lũ cầm quyền bất tài, vô dụng?

31/10/2015


______________________________________

Tham khảo:

No comments:

Post a Comment