Saturday, October 31, 2015

Ngân sách cạn kiệt: Lịch sử sẽ phán xét vẻ lạc quan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trần Quang Thành (Danlambao) - Trong thời gian gần đây, các chuyên gia, kinh tế – tài chính, dư luận xã hội, một số người điều hành nến kinh tế đất nước đã bày tỏ quan ngại về ngân sách quốc gia đang cạn kiệt. Nợ công ngày càng gia tăng gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế. Mới đây chính phủ vay thêm 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, tiếp đó vay thêm 1 tỷ đôla của ngân hàng Vietcombank, rồi bán trái phiếu, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn. Mỗi người Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.000 đôla nợ công.

Và như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Việc ngân sách cạn kiệt là chỉ dấu sau một quá trình quản lý nhà nước không hiệu quả”.

Và trong dư luận cũng đã đưa ra nhận xét là gần như cái gì ở Việt Nam mà chính phủ của Thủ tướng Dũng làm bây giờ cũng dùng tiền đi vay.

Từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành đã đưa ra bình luận “Ngân sách cạn kiệt: Lịch sử sẽ phán xét vẻ lạc quan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nội dung cuộc phỏng vấn như sau – Mời quí vị cùng nghe:

Trần Quang Thành: Xin chào Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.

Phạm Chí Dũng: Xin chào anh Trần Quang Thành.

TQT: Mới đây khi thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có đưa ra báo động tình hình ngân sách năm 2015 rất là căng thẳng. Và ông nói rằng ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ để hoạt động.

Ngược lại khi trả lời báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói là ngân sách năm 2015 đang đi đúng với kịch bản đã định ra từ đầu năm.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bình luận gì về vấn đề này?

PCD: Thực ra để bình luận sâu về vấn đề ngân sách rất là khó vì độ minh bạch của ngân sách Việt Nam quá kém. Chúng ta có rất ít thông tin về ngân sách cho nên không thể nói một cách sâu sắc về vấn đề này. Khó có thể nói ai đúng, ai sai. Chỉ có thể nói theo cách cảm nhận hiện tượng của chúng ta như thế nào.

Theo tôi, về Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trước hết xét về con người của ông ấy. Đánh giá về phát ngôn, trước hết chúng tôi đánh giá con người phát ngôn, con người lãnh đạo. Đối với ông Bùi Quang Vinh, ông là một trong số người rất ít ỏi tôi cảm nhận có chất thực trong người lãnh đạo. Nó khác hẳn với nhiều người lãnh đạo khác. Rất nhiều lãnh đạo khác họ sáo mòn, sáo rỗng và mị dân… Có thể nói quanh năm, suốt tháng họ chỉ biết nói dối. Nhưng ông Bùi Quang Vinh có lẽ là trường hợp hơi đặc biệt. Có người nhận xét ông có phong cách, tư cách người Hà Nội còn sót lại – lịch lãm, thông minh, có học thức. Nhưng rất tiếc ông phải nằm trong guồng máy của chính phủ nên ông không thể nói ra được. Nhưng mà trong kỳ họp Quốc hội, ông Bùi Quang Vinh đã có phản ứng với tâm trạng bức xúc đặc biệt. Ông không nói trên diễn đàn chính thức về con số 45 ngàn tỷ, mà ông nói trong phiên họp tổ. Và hết phiên họp tổ rồi ông nói với báo chí là ông muốn nói nữa. Chứng tỏ ông bức xúc như thế nào.

Sau đó ông Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính có thanh minh, đính chính lại là không phải chỉ có 45 ngàn tỉ đâu mà còn phải cộng thêm con số 50 ngàn tỉ ODA nữa. Theo ông Tuấn, giải ngân năm 2016 còn được thêm 50 ngàn tỷ nữa, cộng thêm ngân sách còn lại 45 ngàn tỷ thì ngân sách năm 2016 có được 95 ngàn tỷ. Đó là theo cách thức giải thích của ông Hoàng Anh Tuấn. Sau đó cũng có một cách giải thích khác đó là của ông Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ông trả lới báo chí với một câu nói cũng phải nói là nổi tiếng, tức là tất cả những bội chi trong ngân sách đều nằm trong kịch bản đã tính toán từ đầu năm. Rất tiếc là chúng ta không có điều kiện để biết thông tin được tính toán từ đầu năm và thậm chí giữa năm cũng không có thông tin.

Như ở trên tôi đã nói vấn đề ngân sách là một trong những vấn đề được bảo mật, nằm trong độ bí mật của nhà nước. Người ta có rất ít thông tin. Chỉ có sau khi Quốc hội đòi hỏi, báo chí đòi hỏi, dần dần chính phủ mới công khai một số khoản mục, hạng mục chi thu ngân sách như thế nào. Ông Vũ Văn Ninh nói là tình hình ngân sách diễn ra đúng như kịch bản, nhưng mà ông không diễn giải kịch bản đó như thế nào? Do vậy tôi đánh giá nhận định của ông Vũ Văn Ninh hết sức cảm tính. Đối với ông Bùi Quang Vinh, dù sao ông cũng đã nêu ra được một con số. Đối với ông Hoàng Anh Tuấn dù sao ông cũng nêu ra được một con số. Còn ông Vũ Văn Ninh chẳng có con số nào hết. Mà ông Vũ Văn Ninh lại là cấp trên của ông Hoàng Anh Tuấn và ông Bùi Quang Vinh – ông ấy là Phó Thủ tướng – cấp trên mà đánh giá như vậy tôi thấy là không ổn rồi.

Bây giờ còn một vấn đề khác là thế này. Nếu nhìn tổng quát, mỗi năm chi ngân sách của Việt Nam thường là 1 triệu 200 ngàn tỷ. Thu ngân sách là khoảng 1 triệu tỷ. Mức bội chi thường là 200 ngàn tỷ đồng. Như vậy năm 2016 cũng dự toán mức chi ngân sách là 1 triệu 200 ngàn tỷ đồng. Không biết là bao nhiêu cho trung ương và bao nhiêu cho địa phương. Nhưng mà cách tính của ông Bùi Quang Vinh là sau khi trừ đi phần của địa phương, ngân sách của trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ thôi. Không biết ngân sách ở địa phương như thế nào, nhưng ngân sách ở trung ương là 45 ngàn tỉ thì quá ít. Thậm chí cộng cà phần của ông Hoàng Anh Tuấn là 50 ngàn tỉ giải ngân ODA thì mới chỉ có 95 ngàn tỉ. Mức đó quá nhỏ so với yêu cầu chi là 1 triệu 200 ngàn tỉ. Nó chiếm chưa đến 10%, không biết nó sẽ được phân bổ như thế nào. Đúng như lời ông Bùi Quang Vinh với 45 ngàn tỉ thì không biết phân bổ như thế nào và làm được gì. Thậm chí nó không đủ tiền trả lãi nợ vay.

Gần đây cũng xuất hiện vài bài báo thanh minh cho tình trạng ngân sách. Nhưng theo tôi tình trạng ngân sách đã ở mức thực sự căng thẳng rồi. Theo cảm nhận của tôi căng thẳng ở đây nó có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ chứ không phải bình thường. Đây là kết quả của hệ quả, hệ lụy quá khứ do 2 nguyên nhân chính một là chi sài lãng phí và hai là tham nhũng ngân sách.

Hồi tháng 9/2015 vừa qua, tổ chức Đối tác ngân sách quốc tế đã công bố công khai chỉ số ngân sách mở của Việt Nam năm 2015 chỉ có 18 điểm trên thang điểm 100, thấp hơn nhiều mức trung bình toàn cầu là 45 điểm. Thậm chí chỉ số này cón thấp hơn 1 điểm so với năm 2014. Như vậy có thể nói mức độ tính công khai minh bạch của ngân sách Việt Nam luôn đứng gần chót bảng xếp hạng. Thâm chí ông trưởng đại diện tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản ở Việt Nam JICA ông Mori Mutsuya khi cố gắng tìm kiếm những thông tin về ngân sách phục vụ cho nghiên cứu của ông về nợ công, nợ ngân sách của Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài mà JICA quan tâm thì ông này rất thất vọng vì các số liệu về ngân sách nhà nước mà Bộ Tài chính thường công khai trên cổng thông tin điện tử thì không thể hiện được điều gì cả.

Ở cấp địa phương, tình trạng công khai minh bạch ngân sách thậm chí còn tồi tệ hơn cả trung ương. Khảo sát gần đây với 1.100 người dân tại 5 tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa – Vũng Tàu của 5 tổ chức xã hội với sự bảo trợ của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã cho thấy kết quả là thế này : Kết quả tham vấn ở Bắc Giang cho thấy hơn 43% người dân được hỏi không biết ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh – quốc phòng và đảm bảo cho hoạt động của bộ máy nhà nước ; 63% người được hỏi không biết ngân sách nhà nước được chi trả nợ và được chi viện trợ. Trong khi đó gần 43% người được hỏi ở 5 tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu và Nam Định cho biết họ có nghe, họ có nhìn thấy báo cáo của xã nhưng không nhớ hoặc không hiểu những thông tin này.

Đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản thường chênh lệch hơn 50% so với dự toán, vượt xa so với hướng dẫn thông lệ tốt là duy trì chenh lệch chi tiêu không quá mức 5% dự toán. Bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc chi cao hơn dự toán tới 42%, các tỉnh Tây Nguyên chi cao hơn 35%, còn tại khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long mức chi bình quân cao hơn từ 7 đến 9%.

Bây giờ nói đến tình hình bội chi ngân sách nhà nước. Cao điểm là năm 2013 đã vọt lên 6,6% GDP. Trước đó chỉ được chấp nhận dưới 5% GDP là đã vượt qua mức nguy hiểm rồi. Chúng ta nhớ hồi đầu năm 2014, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải ra trước Quốc hội, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của chính phủ, để đề nghị tăng bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3% GDP. Năm 2015 này Trung ương cố gắng “khuôn” lại ở mức 5 đến 5,3% GDP… Nhưng thực ra có dự báo đến hết năm 2015 này, bội chi ngân sách có thể lên đến 6% GDP. Xuất phát từ nguyên nhân nó kém minh bạch; chi lãng phí và tham nhũng quá nhiều.

Từ đầu năm đến giờ báo chí nêu dư luận, nêu phản ứng, chúng ta thấy rõ mồn một. Đó là các công trình ngàn tỉ. Các trụ sở hành chính, trụ sở công quyền ở các tỉnh rất nghèo mà năm nào cũng xin cứu đói, chẳng hạn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Phú Yên, Khánh Hòa…, nhưng đều mọc lên những trụ sở có giá trị ngàn tỉ hoặc là hơn ngàn tỉ mà chính phủ vẫn nhắm mắt phê duyệt. Và sau đó là những tượng đài ngàn tỉ, thậm chí sinh ra bảo tàng hàng chục ngàn tỉ. Nếu không có cảnh báo, không có ngăn chặn ngay lập tức thì Bộ Giáo dục – Đào tạo dã có dự án đổi mới sách giáo khoa lên đến 34 ngàn tỉ. Đề án kỷ lục đó được kéo giảm sau khi Quốc hội phản ứng, từ 34 ngàn tỷ còn có 400 tỷ thôi. Đến nỗi ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên “từ 34 ngàn tỉ kéo về 400 tỉ thì tôi cũng sợ các đồng chí luôn”.

Như vậy chúng ta thấy ngân sách Việt Nam nó chi vô tội vạ, lãng phí như thế nào. Nếu nó không bội chi kinh khủng và nó không dẫn đến tình trạng cạn kiệt ngân sách kinh khủng như ngày hôm nay mới là chuyện lạ!

Từ đó nó dẫn đến hậu quả gì? Chúng ta biết từ nền ngân sách cạn kiệt như vậy nó dẫn đến hậu quả là không còn tiền để trả nợ. Trước mắt là 2 năm 2015 và 2016 Việt Nam phải trả nợ 16 tỉ đô la qui đổi ra tiền Việt Nam là 363 ngàn tỉ đồng. Đó là số nợ đến hạn phải trả, chứ chưa nói đến số nợ trung hạn và dài hạn. Với con số 16 tỉ đô la đó chúng ta cứ nhìn xem 45 ngàn tỷ tức khoảng 2 tỉ đô la thì giải quyết được gì? Có cộng thêm 50 ngàn tỉ ODA của ông Hoàng Anh Tuấn tức là cũng chỉ được gần 4 tỷ đô la, mới được 1/4 con số trả nợ, trả lãi nợ nước ngoài mà thôi. Như vậy mới dẫn đến động hái chính phủ phải phát hành trái phiếu với giá trị kỷ lục là 3 tỉ đô la trái phiếu, gấp 3 lần hồi cuối năm 2014 là 1 tỉ đô la trái phiếu. Nhưng vấn đề là anh có phát hành được trái phiếu trên quốc tế hay không, có ai mua hay không. Đó mới là vấn đề. Việc phát hành trái phiếu quốc tế cuối năm 2014 không thành công và không có đối tác nước ngoài mua. Đến giờ phút cuối là một doanh nghiệp trong nước mua, nghe đâu như là Vietcombank. Như vậy, vấn đề là nhà nước bán cổ phiếu và cũng chính nhà nước mua lại. Tức là không có yếu tố nào thặng dư đối với nhà nước. Như vậy không thể giải quyết vấn đề trả nợ.

Tôi nói như vậy để thấy vấn đề căng thẳng ngân sách như thế nào và nó có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ như đã xảy ra với hàng loạt quốc gia.

TQT: Trong việc chính phủ đang đề nghị kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII bán trái phiếu thị trường quốc tế là 3 tỉ đô la. Nhưng luật Ngân sách không cho phép bán trái phiểu để trả nợ hoặc đáo nợ. Ông Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội nói là luật thì cấm nhưng biện pháp đó thì khả thi. Vậy thì cứ biện pháp khả thi thì làm trái luật được không thưa tiến sĩ Phạm Chí Dũng?

PCD: Đó cũng là mối mâu thuẫn, mối xung đột giữa chính phủ và quốc hội. Nó cũng là mâu thuẫn tự thân của nền ngân sách Việt Nam. Tôi cho là chính phủ đã bí lắm rồi. Cho nên mặc dù luật Ngân sách không cho phép, nhưng chính phủ đề nghị quốc hội cứ ra nghị quyết cho áp dụng việc đó. Có nghĩa là khi quốc hội ra nghị quyết cho phép làm việc đó có nghĩa là bỏ qua luật Ngân sách. Tôi nghĩ việc này nếu bỏ qua luật Ngân sách, đương nhiên Quốc hội hay Ủy ban thường vụ quốc hội phải chịu trách nhiệm về việc này. Ai ký nghi quyết cho phép thì phải chịu trách nhiệm về việc này. Tôi nghĩ Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội hãy nên hết sức cẩn thận khi vận hành. Vì nếu khi đặt bút ký việc này mà vi luật thì chính người ký là ông Nguyễn Sinh Hùng hay ông nào đó trong Ủy ban thường vụ Quốc hội về sau này sẽ phải chịu trách nhiệm coi như a dua, tiếp tay cho chính phủ vượt qua luật Ngân sách và vi phạm luật pháp.

TQT: Về nợ công có mấy con số nó vênh nhau. Con số ông Bùi Quang Vinh đưa ra là 66%; con số của bộ Tài chính đưa ra là 59% ; Con số 66% nó vượt ngưỡng trần Ngân hàng Thế giới đưa ra là 65%.

Vì đâu có sự vênh như vậy, phải chăng đó là hậu quả của thiếu minh bạch, thưa Tiến sĩ Phạm Chí Dũng?

PCD: Tôi cho là có 2 nguyên nhân. Một nguyên nhân là thiếu minh bạch. Nguyên nhân thứ hai là giấu diếm nợ công. Giấu diếm nợ công để tiếp tục vay mượn nợ công. Vay cho những dự án hàng chục tỉ đô la như dự án sân bay Long Thành 15 tỉ đô la; dự án đường sắt Bắc Nam 55 tỉ đô la (tính theo thời giá 2009). Số liệu nợ công nó cũng nhảy múa y hệt nợ xấu ở Việt Nam, tức là nhảy múa liên tục. Theo các báo cáo của chính phủ họ chỉ thừa nhận nợ công ở mức 55% GDP thôi. Sau đó mỗi kỳ họp quốc hội họ lại nâng lên một chút. Gần như họ áp đặt con số. Họ muốn đưa ra con số nào thì đại biểu quốc hội phải nghe theo con số đó. Con số đó vào kỳ họp quốc hội giữa năm 2015 cũng chỉ vào khoảng 55% GDP. Nhưng mà cho đến sau mấy phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội gần đây, do các đại biểu đấu dữ hơn, thành thử chính phủ phải chỉ đạo Bộ tài chính nâng dần tỉ lệ nợ công quốc gia. Cho đến giờ nó lên khoảng 59% GDP, tức vẫn chưa đến 60% GDP.

Trong khi đó tôi để ý đây là lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư họ đưa ra nợ công là 66,4% GDP. Từ xưa đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn được coi là bộ ngoan ngoãn nghe theo lời của Thủ tướng, của chính phủ. Họ cũng phát biểu giống như Bộ Tài chính. Trước đây họ cũng đưa ra con số nợ công chiếm 55% GDP. Nhưng theo tính toán lại của Viện chính sách công của Bộ Kế hoạch, Đầu tư, trong nợ công phải cộng thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước. Và nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong nợ công là nằm trong tiêu chí của Liên hợp quốc, không thể bỏ qua được. Trong khi đó Luật nợ công quốc gia của Việt Nam thì không có phần đó. Tất nhiên Bộ Tài chính không sai khi mà không tính toàn phần nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có điều là khi bỏ qua nợ của các doanh nghiệp nhà nước là bỏ qua một phần cực kỳ là bất hợp lý. Bởi vì ở Việt Nam, nợ của các doanh nghiệp mới thật là khủng khiếp.

Trong số 108 tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước được coi là mũi nhọn chủ đạo thì có thông tin cho biết một nửa trong số đó là nợ đầm đìa, tiêu biểu như Vinashin, Vinalines hay là các tập đoàn đang ở trên đầu, trên cổ nhân dân hiện nay như Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng nợ tới 143 ngàn tỷ đồng, mặc dầu được tăng giá điện. Nếu không tính nợ của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có phần nợ nước ngoài, thì làm sao tính đúng, tính đủ nợ công quốc gia. Mà nếu không tính đúng nợ công quốc gia thì làm sao có thể vay quốc tế được, làm sao trả nợ được. Cái đó mới là cái chính.

Khi Viện chính sách công Bộ Kế hoạch, Đầu tư họ tính ra điều đó, tôi cho rằng con số 66% vẫn là khiêm tốn. Tại vì trước đây đã có những con số còn cao hơn hẳn. Ví dụ vào năm 2014, ông Vũ Đình Ánh, Viện trưởng Viện Tài chính, Giá cả Bộ Tài chính phải phải thừa nhận trong cuộc họp quốc hội là Việt Nam làm ra 100 đồng đã dùng hết 98 đồng để trả nợ rồi.. Có nghĩa là nợ công lúc đó chiếm 98% GDP. Còn theo con số của một số chuyên gia độc lập tính toán, trong đó có những ông như Vũ Quang Việt hay là Trần Văn Thọ thì con số còn cao hơn. Như Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào năm 2012 đã tính toán nợ công Việt Nam nằm vào khoảng 106% GDP.

Hiện nay có một số chuyên gia độc lập tính toán nếu mà tính đúng, tính đủ tất cả vào trong đó và cộng luôn cả phần ODA vay mượn sắp tới thì nợ công Việt Nam có thể lên tới 150%.

Trước đây nợ công Trung Quốc cũng giấu giữ lắm. Nợ công quốc gia của Trung Quốc công bố công khai chỉ vào khoảng 90 đến 110% GDP và con số nợ của doanh nghiệp địa phương lúc đó chỉ thừa nhận vào khoảng 1.500 tỷ đô la. Nhưng sau khi Tập Cận Bình lên tổng bí thư thì vào cuối năm 2013, 2014 gần như công khai con số nợ công quốc gia và con số nợ của các chính quyền địa phương. Con số nợ của chính quyền địa phương lên đến 3.400 tỉ đô la chứ không phải là 1.500 tỉ đô la trước đó. Còn tỷ lệ nợ xấu theo đánh giá của chuyên gia phương Tây thì Trung Quốc hiện nay vọt lên 250% GDP, tức là 28 ngàn tỷ đô la. Đó là một con số khủng khiếp.

Thế thì Việt Nam bây giờ nó đang nằm ở chỗ nào, hay là nó nằm trong một ma trận nào đó. Bàn dân thiên hạ không thể biết được con số này. Cho nên bây giờ không chỉ bàn vấn đề kỷ luật ngân sách nữa mà phải minh bạch, thật minh bạch ngân sách thì mới có thể phân tích khả năng Việt Nam trong thời gian tới có thể trả nợ được không hay là vỡ nợ.

TQT: Khi lên nhận chức, Thủ tướng ông Nguyễn Tấn Dũng có đưa ra nhận định rằng do các bộ chủ quản nên các tập đoàn làm ăn thua lỗ nên ông bỏ chế độ bộ chủ quản và ông ấy tiến lên một bước là thủ tướng quản. 10 năm qua các tập đoàn kinh tế dưới sự quản lý của thủ tướng làm ăn bê bết hơn, lỗ nhiều hơn, đang có nguy cơ phá sẩn nhiều hơn. Nền kinh tế Việt Nam trì trệ hơn. Nặng nề hơn về nợ công, nợ xấu. Ông bình luận sao về vấn đề này?

PCD: Rất ngắn gọn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về chuyện này.

TQT: Nhưng mà ông vẫn lạc quan, trong khi mọi người rất lo lắng?

PCD: Tôi chưa bao giờ thấy mất vẻ lạc quan trên gương mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cái vẻ lạc quan đó nó có thật hay không – đó là một chuyện khác.

Thứ hai, cái vẻ lạc quan của mỗi chính khách cần có thời gian giải đáp và thời gian trả lời.

Tôi cho rằng lịch sử sẽ phán xét sự lạc quan đó.

TQT: Xin cám ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.

31/10/2015

No comments:

Post a Comment