20h40: Công tác tìm kiếm tạm kết thúc. Phía gần khu vực hiện trường đã được chắn rào và bảo vệ nghiêm ngặt nhằm phục vụ công tác điều tra.
20h38: Gia đình ông Kỳ (có nhà ngay gần nhà bị sập) đang di chuyển đồ đến nhà người thân để trú. Theo người nhà của ông Kỳ, phía gia đình không nhận được thông tin gì về sự hỗ trợ nơi ở của chính quyền. Theo quan sát của PV, lực lượng chức năng đã bó hẹp không gian bảo vệ hiện trường. Ngoài ra, chỉ còn một số lực lượng chủ chốt ở lại.
20h: Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một chiếc xe máy và đưa ra ngoài. Chiếc xe đã bị gạch đè móp méo.
Lực lượng cảnh sát vẫn túc trực để bảo vệ hiện trường. Đến 20h15 phút, phía ngoài đường Trần Hưng Đạo vẫn được che chắn các khung sắt. Người dân vẫn tập trung khá đông để xem vụ việc.
19h: Báo cáo nhanh của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, tính đến 18 giờ cùng ngày đã có 7 người bị nạn (6 nữ, 1 nam), trong đó có hai người đã tử vong. 
Trước mắt quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định hỗ trợ 1,5 triệu đồng với người bị thương, 5 triệu đồng với người chết. Quận Hoàn Kiếm cũng đã thống nhất với Sở Xây dựng Hà Nội bố trí nơi tạm cư cho 16 hộ dân với 61 nhân khẩu, hiện không có nơi ở đến tạm cư tại nhà CT1, Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
 Xe cấp cứu đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường.
 Nạn nhân được đưa vào phòng cấp cứu.
18h35: Thêm nạn nhân tử vong
Thông tin từ PV Cao Nguyên: Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kĩ thuật hình sự CA TP.Hà Nội cho biết, nạn nhân được đưa đi cấp cứu lúc 18h02 đã tử vong. Chị là Trần Thị Nga, sinh năm 1979, trú tại 450 Bạch Đằng - người đi ngang qua lúc ngôi nhà bị sập.
Hiện lực lượng chức năng vẫn đào bới trong đống đổ nát để thực hiện công tác cứu hộ.
Trước đó chị Lê Thị Hường, bán rau tại tầng 1 toà nhà, sinh năm 1969, Thường Tín, Hà Nội đã bị vùi lấp, được cứu và đưa đi cấp cứu tại BV Việt Đức vào lúc 15h cùng ngày nhưng đã tử vong. 5 nạn nhân bị thương gồm:
1. Bà Nguyễn Thị Tiêu, sinh năm 1951, trú tại 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đang được cấp cứu tại BV Bạch Mai 2. Bà Tạo Thị Hiện, sinh năm 1965, quê Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội, bị thương ở chân, đang được cấp cứu tại BV Việt Đức 3. Chị Vũ Thị Thuý Hằng, sinh năm 1978, trú tại số nhà 197 Trần Hưng Đạo, bị chấn thương sọ não, gãy xương chậu, đang được cấp cứu tại BV Việt Đức. 
4. Anh Nguyễn Văn Nức, sinh năm 1971, trú tại Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, bị thương ở chân, đang được cấp cứu tại BV Việt Đức. 
5. Chị Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1988, trú tại Tây Hồ, Hà Nội.
18h30: Một xe cấp cứu tiếp tục quay lại hiện trường để phục vụ công tác cứu hộ
Một nạn nhân vừa được đưa ra khỏi hiện trường lúc 18h2' 
18h02: Một xe cấp cứu đã đưa một nạn nhân của vụ sập nhà đến Bệnh viện.
Trước đó, lúc 17h30, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã tới hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn và điều tra nguyên nhân vụ việc.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã có mặt tại hiện trường (Áo xanh).
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với Bệnh viện Việt Đức và các bệnh viện Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội nhanh chóng, xử lý, khắc phục hậu quả của vụ tai nạn sập nhà cổ ở Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các cơ sở tăng cường tối đa nguồn lực, thuốc men, hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân.
Nạn nhân trong vụ sập nhà đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
17h30: Trao đổi với PV Cao Nguyên, bác sĩ Ninh Việt Khải, người trực tiếp cấp cứu các bệnh nhân trong vụ sập nhà cổ ở 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết: Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 5 nạn nhân vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo. Theo đó, 1 người vỡ xương chậu, truyền 1 lít máu sau đó được đưa vào nhà mổ. 1 nạn nhân khác bị gãy chân, chấn thương sọ não chuyển sang Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, điều trị. Nạn nhân khác là Tào Thị Hiện bị gạch đổ chính diện dưới gầm cầu thang bị rách chân, đau đầu. Nạn nhân này kể có 3-4 người bên cạnh bị thương.
Anh Nguyễn Văn Nức (SN 1971) quê ở Văn Lâm, Hưng Yên được đưa vào Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng gãy chân  phải. Ảnh: Cao Nguyên
Các nạn nhân khác như Nguyễn Văn Nức (Văn Lâm, Hưng Yên), Vũ Thị Hằng 37 tuổi chấn thương sọ não, chấn thương xương chậu. Hiện anh Nức đã được đưa vào phòng mổ. Chị Nguyễn Thị Huyên (vợ anh Nức) cho biết, chồng chị được đưa vào phòng mổ lúc 16h30, hơn 1h đồng hồ nhưng vẫn chưa thấy ra ngoài. 
Bà Tào Thị Hiện (50 tuổi), vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại với bác sĩ Khải, thời điểm trên, bà đang bán cá cạnh gian hàng chị Lê Thị Hường bán rau. Cạnh gian hàng có 3-4 người mua hàng. Mái nhà sập úp xuống gian hàng, mọi người không kịp tháo chạy. Bà bị thương, được người dân cứu ra ngoài.
Clip hiện trường vụ sập nhà cổ ở Hà Nội:
 
17h15:
Hiện cơ quan chức năng đã mở thông một phần đường Trần Hưng Đạo để người dân đi lại.
 
17h Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo.
Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo
Theo ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, vụ sập khiến 6 người bị thương vong, trong đó 5 người bị thương nhẹ và 1 người do vết thương quá nặng nên đã tử vong. Hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm kiếm 1 người nghi vẫn còn đang mắc kẹt trong đống đổ nát. 
16h30:
Một người nhà chị Trần Thị Nga cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc chị Nga có đi qua khu nhà hội trường và hiện tại không liên lạc được với chị Nga. Nghi ngờ vẫn còn người mắc kẹt bên trong đống đổ nát các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục công tác cứu hộ.

16h15: Lực lượng quân đội đưa thiết bị dò tìm tổng hợp vào để tìm kiếm người còn bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
 
 
16h:
 Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch TP Hà Nội chỉ đạo sơ tán tất cả các hộ dân xung quanh để đảm bảo an toàn. Giao quận Hoàn Kiếm bố trí chỗ ở cho bà con, nơi ăn nghỉ, bảo vệ tài sản cho người dân đồng thời thăm hỏi các nạn nhân.
Căn nhà đổ sập nhìn từ trên cao. 
Ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết: "Thời điểm bị sập, nhân viên tòa nhà của ban quản lý dự án đường sắt đang đi ăn trưa nên không có ai ở trong nhà. Chỉ có những người dân xung quanh bị mắc kẹt, hiện đã đưa được đưa 5 nạn nhân đi cấp cứu. Nguyên nhân vụ việc hiện tôi chưa thể nói được gì".
Hiện ngôi nhà sập toàn bộ hội trường mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300 mét vuông,. Khối nhà trước và sau chỉ chịu tác động và bị vỡ một số cửa kính.
Giáp hai bên của tòa nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Khi xảy ra vụ việc, ngôi nhà đã sập theo phương thẳng đứng và một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang hai bên lối đi, dẫn đến làm bị thương về người và hư hỏng một số tài sản.
15h30:  
Trao đổi với PV Đặng Tiến, Phó Tổng giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đoàn Duy Hoạch cho biết, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc trụ sở làm việc của Ban quản lý đường sắt 1 trực thuộc VNR. Toà nhà được xây dựng từ thời Pháp đến nay đã hơn 100 tuổi. Sau thời kỳ tiếp quản thủ đô thuộc sự quản lý của UBND TP.Hà Nội và cho Tổng cục Đường sắt Việt Nam thuê và quản lý, hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý. Hiện có 35 cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý đường sắt 1 làm việc tại tòa nhà.
Hiện trường vụ sập nhà cổ ở Hà Nội. 
 
 Tuy nhiên, từ rạng sáng ngày 22.9, khi trời mưa lớn, 35 cán bộ, công nhân viên đã di tản đi nơi khác, do đó, thời điểm tòa nhà bị sập đổ chỉ còn lại 1 nhân viên bảo vệ, bị gạch rơi vào chân. Cũng theo ông Hoạch, những người bị kẹt lại khi tòa nhà đổ sập đa số là người dân sinh sống quanh khu vực đó.
 “Trong quá trình sử dụng, đã phát hiện có dấu hiệu bị dột, thấm nước, bong tróc trần nhà. TCty Đường sắt từ khi sử dụng chưa sửa chữa lớn hay thay đổi kết cấu tòa nhà, do đây là biệt thự cổ thuộc diện bảo tồn, mà chỉ thực hiện duy tu bảo dưỡng, khắc phục tình trạng xuống cấp của tòa nhà” - ông Hoạch cho biết. 
Theo nhận định ban đầu nguyên nhân của sự cố sập đổ do tòa nhà đã quá cũ và mưa lớn kéo dài nhiều ngày nay làm thấm dột tường gạch, giảm sức chịu lực, gây nứt, kéo theo mái nhà sập xuống.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo TCty ĐSVN đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) trực tiếp chỉ đạo; đồng thời điều động 36 dân quân tự vệ ngành đường sắt cùng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục sự cố.
15h20: 1 nạn nhân trong vụ sập nhà đã tử vong
Đến 15h20, cả 5 nạn nhân trong vụ sập nhà  đều được đưa ra ngoài, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, nạn nhân Lê Thị Hường - bán rau tại khu vực tầng 1 của toà nhà được đưa vào viện lúc hơn 15h và tử vong sau đó.
Ngoài ra còn có 4 người bị thương: Chị Vũ Thị Thu Hằng (SN 1978, thường trú tại 107 Trần Hưng Đạo) bị chấn thương sọ não, chấn thương xương chậu; Bà Nguyễn thị Tiêu (SN 1951) bị tường đổ vào người; hai nạn nhân Nguyễn Văn Nức (SN 1971, thường trú tại Việt Hưng - Văn Lâm - Hưng Yên) và Tào Thị Hiện (SN 1965, trú tại Kim Bài - Thanh Oai - Hà Nội) bị thương tích ở chân.
 
Hiện trường vụ sập nhà từ chụp từ trên cao. 
15h:
Theo chị Từ Thị Thanh Hà bán hàng ở ngõ bên trái tòa nhà cho biết, khi tôi đang phơi đồ bên cầu thang, thì có tiếng sầm xuống, rồi bụi mù mịt, tôi hốt hoảng chạy ra ngoài.
Cũng theo chị Hà, một nhân viên làm ngân hàng đi ngang qua đó bị gạch bắn vào người và bị choáng ngã ra, nhưng rất may đã được mọi người cõng chạy kịp trước khi tòa nhà sập xuống.
Hiện tại các lực lượng chức năng vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân vụ sập.
Công an đang phải dùng các barie để phong tỏa hiện trường. 
Nhiều xe máy bị hư hỏng nặng do gạch đá vùi lấp. 
Chị Ngô Thị Tuyền ở Thường Tín cũng bán rau ở ngách cạnh tòa nhà  mắt đỏ hoe, vẫn chưa hết run cho PV biết: Hôm nay, tôi lại bán ngoài đầu ngõ, còn đồng hương của tôi là chị Hường  (48 tuổi), bán phía trong  - ngay sát tòa nhà bị sập, hiện vẫn không thấy đâu.
Chị Tạ Thị Tuyết ở Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội chưa hết bàng hoàng kể lại: Ngõ bên trái của tòa nhà là một chợ tạm. Lúc gần trưa, tôi đi đưa hoa quả, đi gần tới chỗ cầu thang thì thấy đổ rào rào, không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi liền chạy ra ngoài ngay. Ở gần đó có một vài sọt rau của chị bán hàng người Thường Tín. Khả năng chị ấy không kịp chạy ra ngoài.
14h50: Hiện lực lượng cứu hộ đã đưa thêm được một phụ nữ trong đống đổ nát ra ngoài. Như vậy vẫn còn một nạn nhân chưa được tìm thấy.
Ông Lê Kim Tú - người dân sống gần tòa nhà bị đổ sập - cho biết: Khoảng 12h50, khi tôi đang ăn phở trên đường Trần Hưng Đạo phía đối diện tòa nhà của Ban quản lý dự án Đường sắt 1 thì có tiếng đổ sập, tôi liền lao sang và bàng hoàng chứng kiến khu vực phía sau của tòa nhà đã đổ sập và đất đá ngổn ngang.Tôi hô hào mọi người xung  quanh gọi cho lực lượng cứu hộ và chỉ 5 phút sau, xe cứu hỏa, công an, cấp cứu đã có mặt tại hiện trường để tìm kiếm nạn nhân vùi trong đống đổ nát.
Hiện tại, có 3 xe xúc đã được điều đến hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân.
Lực lượng chức năng đang giải tỏa hiện trường, vì rất đông người dân kéo đối theo dõi vụ việc gây tắc nghẽn giao thông.
 
14h45: Theo ghi nhận của PV Đăng Hải tại hiện trường, hiện nay vẫn còn 2 nạn nhân chưa được tìm thấy.
Theo một cán bộ tại Ban quản lý dự án đường sắt khu vực  1 - có trụ sở tại tòa nhà bị sập cho biết: Hôm nay, tại ban quản lý có 30 người làm việc bên trong tòa nhà. Trưa đến, một số an hem ra ngoài ăn trưa, còn khoảng 5 người ở lại.
Cán bộ này nói thêm: Khi tôi đang nằm nghỉ trưa thì được anh em gọi ra ngoài vì nhà bị ướt, khi vừa ra tới cửa, tôi đứng nhìn vào trong thì thấy một số vết nứt rộng nhưng không nghĩ ngôi nhà có thể sập, vì  đây là căn nhà do Pháp xây, có kết cấu chắc chắn. Tuy nhiên chỉ chưa đầy phút sau, vết nứt to dần ra và chạy dài đến mái rồi đổ sập ngay trước mắt tôi.
 Nhiều phương tiện bên trong ngôi nhà cũng bị hư hỏng nặng.
Rất đông người dân đến hiện trường để theo dõi lực lượng cứu hộ thực hiện công tác cứu nạn. 
Cơ quan chức năng lấy ý kiến của người chứng kiến vụ việc để làm rõ nguyên nhân vụ đổ sập.

Đây là một khu nhà liên hoàn, căn phòng bị sập có kết cấu mái vòm. Ban Quản lý dự án khu đường sắt khu vực 1  mới chuyển đến làm việc tại tòa nhà hơn 3 năm. Khi căn nhà có dấu hiệu sắp đổ sập, những anh em làm việc bên trong đã theo lối cầu thang bên ngoài tòa nhà (cạnh cửa) thoát ra ngoài.
Theo chủ cửa hàng cơm bụi ở cạnh tòa nhà cho biết: Khi chúng tôi đứng trong nhà, bỗng nhiên có tiếng đổ sập, rung chuyển dưới chân, tôi chạy ra ngoài, thấy khói bụi bay khắp nơi, mọi người kêu cứu.
Còn anh Thái Mạnh Hà kể lại: Khi chúng tôi đang uống nước trong một tòa nhà gần hiện trường vụ việc, bỗng nghe tiếng đổ sập. Ban đầu chúng tôi tưởng người dân đổ đá xây nhà, khi ra phía ngoài thấy có người kêu cứu, chúng tôi chạy lại trụ sở của Ban Quản lý dự án khu đường sắt khu vực 1 thì thấy một nạn nhân nữ nằm trong đống đổ nát. Chúng tôi nhanh chóng bới đất đá và gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu. 

14h30: Hiện tại các lực lượng chức năng gồm công an phường, cảnh sát cơ động, lực lượng quân sự đang khẩn trương tham gia vào công tác cứu hộ cứu nạn.

Nhiều mảng bê tông vẫn lơ lửng, vướng mắc trên dây điện.
14h: Theo PV Kỳ Anh ghi nhận tại hiện trường, hiện đã có 3 người được đưa ra khỏi đống đổ nát và được lực lượng cứu hộ, người dân đưa đi cấp cứu. 
Các lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm người bị vùi lấp trong ngôi nhà.
13h40:  Nạn nhân tên Huyền trên người dính nhiều máu vừa được đưa ra khỏi đống đổ nát. Chưa hết hoảng sợ, chị Huyền cho biết bên trong nhà vẫn còn rất nhiều người đang bị mắc kẹt.
Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương cứu người.  
Ngôi nhà cổ đổ sập bất ngờ, nhiều người dân bị mắc kẹt bên trong.
Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ đã điều động 7 xe cứu hoả đến hiện trường để giải cứu các nạn nhân. Hàng chục chiến sĩ công binh, Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng được điều động.
Khu nhà đổ, nằm ngay phía sau trụ sở Ban quản lý đường sắt khu vực 1. Theo người dân sống quanh khu nhà thì  ngôi nhà này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.
 Một nạn nhân bị thương ở chân vừa được đưa ra ngoài.

 
13h35: Tại hiện trường, nạn nhân tên Trần Thị Sửu (55 tuổi) vừa được cứu ra khỏi đống đổ nát, cho biết: Tôi đang đứng trong nhà thì sập xuống, bị thương ở chân. Bị gạch vữa đè lên người. Ba mẹ con bị mắc kẹt trong nhà. Cháu nhỏ nhất 7 tuổi. Cháu thứ 2 học đại học.  Trước đó có hiện tượng rung lắc. Nhà sập không phải do nổ bình gas. Hiện tại còn nhiều người mắc kẹt không, còn nhiều người mắc kẹt, vì đang giờ buổi trưa. Hiện tại tôi rất hoảng sợ và bấn loạn.
Chị Bảo Lan chủ hiệu cắt tóc kể lại: Gia đình tôi đang ăn cơm thì nghe tiếng “bùm”, thấy mảng tường dày 60cm đè xuống nóc nhà. Rất may không ai bị làm sao vì đã chạy kịp ra ngoài.
Em Linh Hà, nhân viên quán cà phê 18+ cho biết, em đang ở trong nhà thì nghe rầm chạy ra thì thấy khói trắng mịt mù. 
Em Khắc Tú, tham gia cứu nạn cho biết: Nghe tiếng đổ “rầm” thì chạy vào thấy người bị kẹt thì vào cứu. Anh Tú cũng chính là người đã cứu gia đình bà Trần Thị Sửu.
13h30: Đã có 15 nạn nhân được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát.
13h27: Công an chỉ huy tại hiện trường tên là Tô Mạnh Thắng cho biết: Tập trung cứu cháy cứu hộ con người là trên hết.
Đồng chí Tô Mạnh Thắng cũng yêu cầu cấm tất cả mọi ngả đường Yết Kiêu, Lê Duẩn, Phan Bội Châu và các hướng tập trung về phố Trần Hưng Đạo để tạo điều kiện cho lực lượng cứu hộ.
13h17: Nạn nhân Huyền trên người dính nhiều máu vừa được đưa ra khỏi đống đổ nát. Chị Huyền cho biết, trong đống đổ nát còn nhiều người mắc kẹt, vì phía sau ngôi nhà này là một chợ cóc.
13h15: Đã cứu được nạn nhân đầu tiên ra khỏi đống đổ nát. Nạn nhân tên Huyền, đi mua hoa quả ngang qua khu nhà, vào xin vệ sinh nhờ.
Lực lượng cảnh sát đang di tản những người xung quanh ra xa hiện trường vì hai phía của ngôi nhà đang có nguy cơ đổ sập.
 Căn nhà đổ sập nhìn từ trên cao.