TTO - Cơ quan chức năng yêu cầu triển khai cấp bách dự án chống sạt lở, thế nhưng khi triển khai thi công lại ì ạch vì đền bù giải tỏa chậm, thiếu vốn.
Phần đất phía sau một ngôi nhà tại ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM bị sạt lở xuống sông - Ảnh: Hữu Khoa
|
Tình hình khai thác cát bừa bãi hoặc do dòng chảy biến đổi khiến nhiều vùng đất bị sạt lở cuốn theo nhà cửa và tài sản của dân xuống sông, rạch. Các cơ quan chức năng yêu cầu triển khai cấp bách dự án chống sạt lở, thế nhưng khi triển khai thi công lại ì ạch vì đền bù giải tỏa chậm, thiếu vốn.
Nhiều dự án ì ạch
Khu vực Thanh Đa thuộc phường 26 và 27, Q.Bình Thạnh nằm bên dòng sông Sài Gòn đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nhất TP.HCM, cấp thẩm quyền đã nhanh chóng đầu tư cho những dự án chống sạt lở tại đây. Sau gần hai năm thi công, lẽ ra công trình hoàn thành trong năm 2014 nhưng đến nay những dự án chống sạt lở vẫn đang làm dang dở.
Ở dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 vẫn còn 42m kè chưa thi công. Dự án chống sạt lở đoạn 1.4 vẫn còn 220m kè chưa thi công vì vướng giải tỏa.
Giải trình về dự án thi công dở dang, lãnh đạo Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết tháng 7-2012 khởi công dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 từ hạ lưu cầu Kinh đến khu dầu khí (P.27, Q.Bình Thạnh). Công trình có vốn đầu tư 19,5 tỉ đồng xây dựng kè bờ dài 342m và dự kiến đến tháng 6-2013 hoàn thành. Thế nhưng, hết thời hạn trên công trình mới thi công đạt 95% khối lượng.
Do vướng giải phóng mặt bằng và một số khó khăn nên chủ đầu tư gia hạn lần 1 đến cuối năm 2013, lần 2 đến tháng 7-2014 và lần 3 đến tháng 12-2014. Sau ba lần gia hạn, đến nay vẫn còn 42m chưa kè bờ được vì còn vướng 5 hộ.
Theo chủ đầu tư dự án, một số dự án chống sạt lở khác cũng triển khai chậm buộc phải điều chỉnh giảm vốn kế hoạch đầu tư. Cụ thể hai dự án chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Lộc và cầu Long Kiểng, Nhà Bè, dự án xây dựng kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba sông Bến Lức - kênh xáng Lý Văn Mạnh, huyện Bình Chánh …
"Tình hình trên khiến việc đầu tư chống sạt lở luôn lỗi hẹn với người dân" - một cán bộ Khu Quản lý đường thủy nội địa bức xúc nói.
Vì sao dự án cấp bách lại triển khai chậm?
Trong nhiều cuộc họp giải quyết vướng mắc về đền bù giải tỏa ở các dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa, đại diện Ban bồi thường giải tỏa mặt bằng Q.Bình Thạnh cho biết do một số hộ có nhà thuộc diện đất của cơ quan nhà nước quản lý, trong đó nhiều hộ mua lại nhà bằng giấy tay.
Mặc dù địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một số hộ cho rằng mức đền bù không đủ mua nhà tái định cư nên chưa chịu dời đi, hoặc có hộ đề nghị được mua nền nhà nhưng lại không đạt tiêu chuẩn bố trí nền. Theo đó, các hộ dân khiếu nại kéo dài từ cấp quận lên TP.
Để giải quyết các khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, Sở Giao thông vận tải TP đã làm việc với các địa phương tháo gỡ vướng mắc.
Cụ thể như Sở GTVT TP và UBND Q.Bình Thạnh ra thông báo liên tịch về công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, Q.Bình Thạnh có trách nhiệm hoàn chỉnh các thủ tục, tiến hành cưỡng chế các hộ chưa giải tỏa ở dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và đoạn 1.4 và hẹn giữa tháng 10-2014 bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư hoàn thành công trình. Thế nhưng đến này Khu Quản lý đường thủy nội địa cho biết Q.Bình Thạnh vẫn chưa thực hiện như thông báo liên tịch.
Dự án chậm trễ đồng nghĩa giải ngân chậm, kế hoạch không hoàn thành, gây nhiều thiệt hại cho đơn vị thi công vì tốn chi phí thuê thiết bị máy móc, duy tu công trình.
Chủ đầu tư đã kiến nghị Sở GTVT TP có văn bản đôn đốc UBND Q.Bình Thạnh bàn giao mặt bằng chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và đoạn 1.4. Theo đó, nếu nhận được bàn giao mặt bằng đoạn 1.2 xong thì sau 60 ngày sẽ hoàn thành thi công.
Tương tự ở đoạn 1.4, nếu nhận được bàn giao thì sau tám tháng sẽ hoàn thành thi công. Trước mắt chủ đầu tư đề nghị Sở GTVT xem xét chấp nhận cho được nghiệm thu hoàn thành trước 220m kè bờ ở đoạn 1.4 nhằm tránh gây thiệt hại cho nhà thầu.
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường không cho người dân vào nhà để đảm bảo an toàn - Ảnh: Hữu Khoa |
Tình hình sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 3 Bình Quới - Cây Bàng - Rạch Chùa (Q.Bình Thạnh) được ghi nhận từ năm 2006 và sau đó được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay, sau chín năm mới được cấp vốn chuẩn bị đầu tư.
Liệu có giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ thi công, ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết trong quá trình thực hiện dự án, khó khăn nhất là những văn bản pháp luật về đất đai thay đổi liên tục. Điều này buộc các dự án phải điều chỉnh, làm lại thủ tục đền bù giải tỏa nên dự án lại tiếp tục kéo dài. Bên cạnh đó, đất đai ở khu vực ven sông rạch phần lớn bà con lại không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp nên việc đền bù giải tỏa rất khó khăn.
Về nguyên tắc phải đền bù giải tỏa xong công trình mới thi công. Thế nhưng trước tình hình sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, Sở GTVT chấp nhận cho thi công trước ở những đoạn không vướng giải tỏa mặt bằng. Do đó, để có thể đẩy nhanh những dự án chống sạt lở cần sự hỗ trợ các ngành, các cấp để tháo gỡ ngay những vướng mắc về thủ tục đền bù giải tỏa - ông Minh nhấn mạnh.
TP.HCM có 44 khu vực sạt lở
Theo Khu Đường sông TP.HCM, đến cuối năm 2014 TP có 36 khu vực sạt lở tại 8 quận huyện gồm Q.2, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong đó, nhiều nhất là huyện Nhà Bè có các sông Phước Kiểng, sông Mương Chuối, sông Kinh, kênh Cây Khô, kênh Ông Lớn 2, rạch Tôm, rạch Giồng, Tắc Mương Lớn với 15 điểm sạt lở. Q.Bình Thạnh có sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa với 5 điểm sạt lở, Q.Thủ Đức có sông Sài Gòn với 5 điểm sạt lở.
Từ đầu năm 2015 đến nay có thêm 8 điểm sạt lở mới - nâng tổng số lên 44 điểm sạt lở, trong đó huyện Củ Chi có 4 điểm sạt lở mới, còn lại là Q.2, Cần Giờ, Thủ Đức và Nhà Bè mỗi địa phương có một điểm sạt lở sông, rạch.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông và hành lang bờ sông vẫn còn tồn tại đã làm thu hẹp dòng chảy, gia tăng tải trọng, tạo áp lực gây sạt lở trên tuyến rạch Xóm Củi (huyện Bình Chánh). Đồng thời việc khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn ở khu vực, đặc biệt trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và vùng phụ cận làm thay đổi chế độ dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát ở lòng sông, dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM.
|
No comments:
Post a Comment