Nguyệt Quỳnh Gửi tới BBC từ California, Hoa Kỳ Theo BBC-8 giờ trước
Bậc cha mẹ nào cũng đặt việc giáo dục và hình thành nhân cách cho con trẻ lên hàng đầu. Có lẽ vì thế người Việt chúng ta rất ngưỡng mộ nền giáo dục của Nhật Bản.
Thái độ, phẩm cách cùng văn hóa ứng xử của họ - ngay cả các trẻ em trong tình huống khắc nghiệt nhất như thiên tai - là điển hình của một nền giáo dục giàu có về nhân cách, văn hóa và tính kỷ luật.
Không khác mấy với lối quan niệm của ông bà ta ngày xưa về việc giáo dục con trẻ “Tiên học lễ Hậu học văn”, nhiều nghiên cứu cho thấy các trẻ em Nhật từ lớp 1 đến lớp 3 đều được học các quy tắc ứng xử căn bản. Người Nhật đặc biệt chú trọng đến các câu chào hỏi, xin lỗi, và cám ơn.
Sẽ không có bất kỳ một môn thi nào cho trẻ trong độ tuổi này, bởi vì mục tiêu giáo dục của người Nhật là truyền đạt các khái niệm và xây dựng nhân cách cho trẻ là ưu tiên hàng đầu.
Chuyện cuốn sách dạy kỹ năng sống cho trẻ em tiểu học của Tiến sỹ Phan Quốc Việt biên soạn đã khiến nhiều bậc cha mẹ lên tiếng phản đối.
Tuy nhiên, sau cuốn “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp một” người ta lại khám phá ra một quyển sách khác với nội dung đáng quan ngại do Đức Trí sưu tầm, sách mang tên: “hỏi đáp nhanh trí”.
Nếu như sách của Tiến sỹ Việt dạy các em lớp một dũng cảm bằng cách bước đi trên thảm thủy tinh vỡ, hoặc tự dùng kim tiêm đâm vào tay thì sách của Đức Trí còn đáng sợ hơn với những hình ảnh minh họa đi kèm.
Chỉ xin đơn cử là hai câu hỏi thách thức trẻ nhanh trí như sau: “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ thế nào?” và “anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?”
Chúng ta không hề phủ nhận những nỗ lực đáng quý của Tiến sỹ Phan Quốc Việt trong việc truyền đạt những kỹ năng sống cho thanh thiếu niên thời gian vừa qua.
Và rất đồng ý rằng hơn lúc nào hết đất nước ta cần thật nhiều người dân vượt qua nỗi sợ hãi của riêng mình để dũng cảm cất tiếng nói và hành động trước tình hình tệ hại của đất nước.
Nhưng khi đã biết cần hướng dẫn cái gì, thì câu hỏi kế tiếp là hướng dẫn cho ai? hướng dẫn lúc nào? và hướng dẫn ra sao? để khỏi bị những hậu quả phụ khác mang tính tác hại hơn nhiều.
Chỉ là liều lĩnh
Theo tôi, việc thực tập cho trẻ đi trên mảnh thủy tinh để biểu diễn mình không sợ không phải là hành động dũng cảm mà chỉ nói lên sự liều lĩnh, không sợ đau.
Điều quan trọng là cần hướng dẫn các em dùng đến Đầu Óc để suy xét nhiều khía cạnh khác nhau của Hành Động. Dạy dỗ trẻ em bậc tiểu học, ngoài việc chú tâm về đức dục chúng ta nên để các cháu tập dần lối suy nghĩ chủ động, độc lập và sáng tạo cho lãnh vực trí dục.
Đây cũng là những nỗ lực đột phá của nhóm Cánh Buồm hiện nay. Tóm lại, cùng với quyển sách của Đức Trí, lối giáo dục dạy cách “không sợ hãi” và “liều lĩnh” vừa kể có thể là một trong những nguyên nhân gây nên bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, khi nói đến giáo dục chúng ta bắt buộc phải quan tâm đến đến ba môi trường căn bản: nhà trường, gia đình, và xã hội.
Những tâm hồn trẻ thơ mà chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ, cố công vun đắp khi các em còn nhỏ dại sẽ không thể tồn tại được trong môi trường xã hội Việt Nam ngày nay.
Những tâm hồn đó cần được nuôi dưỡng ở một môi trường xã hội tốt hơn. Và chính các bậc cha mẹ quan tâm, phải là người góp phần vào sự thay đổi đó.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, và cuộc sống không phải chỉ cần có cơm ăn và áo mặc. Tôi ước mong các bậc cha mẹ, các bậc thầy cô, có thể nghe được tâm tư của người trẻ Trần Minh Nhật, khi anh nói về 4 năm tù oan, về tấm thảm thủy tinh của anh:
“Rất cám ơn vì được trải nghiệm 4 năm tù. Khi được nếm trải mình có được một thứ mà có thể người ngoài không có được đâu. Dần dần mình tìm lại được sự tự do của chính mình, dần dần mình tìm lại được điều đúng vì mình biết mình làm điều đúng. Bốn năm tù không thể đánh bẹp ý chí của bất kỳ những người nào có niềm tin và hy vọng cũng như có tình yêu dành cho đất nước. Đây là thời gian trải nghiệm tuyệt vời nhất và nó giúp cho mình vững mạnh hơn.”
Lãnh đạo hãy dũng cảm
Chuyện tấm thảm thủy tinh của Tiến sỹ Việt làm tôi nhớ đến thảm lửa than trong cuốn phim “Tình Yêu Đến” do tài tử Aaron Eckhart và diễn viên tóc vàng Jennifer Aniston thủ diễn vai chính.
Trong phim, Burke Ryan (Aaron Eckhart) là một tiến sĩ, tác giả, và là một diễn thuyết gia nổi tiếng. Burke chuyên hướng dẫn các cuộc hội thảo lớn dạy người ta dám nhìn vào sự thật để đứng dậy từ nỗi đau của chính mình.
Burke nhiều lần đã tửng bước trên cái thảm lửa than đó. Tuy nhiên, vào đoạn cuối của phim, Burke đã bật khóc ngay trên bục nói chuyện và thú nhận chính anh cũng chạy trốn nỗi đau, chính anh cũng không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Ngỡ là sự nghiệp của Burke đã tiêu tan, nhưng sự chân thành của anh đã được đáp trả bằng một kết cục có hậu.
Tôi thiết nghĩ tấm thảm thủy tinh hay thảm lửa than nên dành riêng cho các vị lãnh đạo cộng sản.
Chính họ mới cần bước đi trên đó để cảm nhận được nỗi đau đớn của sự mất mát, để đối diện với sự thật: là một nước nhược tiểu, cha ông ta, hàng bao thế hệ đã hy sinh rất lớn để có một dân tộc có danh dự và giàu nhân cách. Chỉ bốn mươi năm ngắn ngủi, dưới sự lãnh đạo của cộng sản, họ đã tàn phá gần như tất cả.
Hỡi mười sáu Ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN, hãy bước lên tấm thảm thủy tinh đầy sắc nhọn ấy.
Để đối diện với sự thật, để nhận ra nỗi đau, sự tổn thương to lớn của hơn chín mươi triệu con người, và để cảm được niềm ước mơ của một thế hệ đang khao khát chuyển mình để trở nên những con người dũng mãnh.
Bài thể hiện quan điểm của tác giả Nguyệt Quỳnh từ Garden Grove, California, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment