Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok -2015-09-22
Đường phố Saigòn ngày 15 tháng 9, 2015 Người dân Sài Gòn chịu thảm cảnh này đến bao giờ. Đường phố Saigòn ngày 15 tháng 9, 2015 -Báo Dân Việt
Mưa gây ngập nặng tại nhiều thành phố Việt Nam, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội lâu nay gây ra những khó khăn cho cuộc sống của cư dân. Cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh từng yêu cầu được cấp những khoản ngân sách nhiều ngàn tỷ đồng để triển khai công trình chống ngập. Chi phí cho chống ngập tiếp tục được yêu cầu tăng thêm; thế nhưng ngập vẫn hoàn ngập và mỗi lúc dường như lại nặng thêm.
Nguyên nhân vì đâu và lý do tại sao công trình chống ngập lâu nay chưa thể phát huy tác dụng?
Mưa lớn, ngập sâu
Tin tức trong nước cho biết vào ngày 22 tháng 9 nhiều khu vực tại thủ đô Hà Nội lại bị ngập bởi mưa lớn vào đêm trước. Vào ngày 21 tháng 9, trung tâm thành phố Hải Phòng được mô tả ‘chìm trong biển nước’ bởi trận mưa kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ vào buổi sáng. Mức ngập tại thành phố Hải Phòng là từ nửa thước đến một thước.
Hơn chục ngày trước đó tại thành phố Hố Chí Minh, cũng xảy ra một trận mưa trong ba tiềng đồng hồ vào buổi chiều và nhiều tuyến đường tại đó bị ngập. Hình ảnh được truyền thông trong nước loan đi cho thấy cảnh xe máy bị ngập trong nước. Giao thông được mô tả là ùn tắc và hỗn loạn.Cảnh ngập lụt như thế được cư dân mạng dùng một bài hát về thành phố Hồ Chí Minh chế lời để bày tỏ nhận định về tình trạng kéo dài lâu nay và dường như không có cách giải quyết khiến dân chúng phải chịu đựng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nước và Biến Đổi Khí hậu, kiêm phó ban Chống ngập thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Long Phi, cho biết tình trạng ngập nước sau mưa tại nhiều thành phố của Việt Nam và nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó như sau:
“ Tất cả đều có một bệnh giống nhau, tức là đô thị hóa phát triển nhanh hơn phát triển hạ tầng thoát nước. Thành phố Hồ Chí Minh đang bị tình trạng đó: khu vực trung tâm bị trước bởi đô thị hóa trước, khu vực bên ngoài cách đây 10 năm chưa phát triển nên không thấy. Khi bên trong đô thị hóa xong phát triển ra bên ngoài thì bên ngoài lại ( bị tình trạng) đô thị hóa đến đâu, ngập đến đó. Đó là căn bệnh mà các tỉnh hiện nay đang gặp.
Nếu thống kê thì tại Việt Nam có khoảng ba mươi mấy thành phố bị ngập. Kể cả những vùng thấp ở Đồng bằng Sông Cửu Long như Cần Thơ, Vĩnh Long.. ngập thì không nói gì mà cả vùng cao cũng ngập như Dak Lak, Đà Lạt…Rồi gần đây Sơn La cũng ngập, các tỉnh ven biển cũng ngập. Mới đây là Hải Phòng ( sáng hôm nay mới bị một trận rất nặng). Hà Nội được biết ( ngập) cách đây mấy năm. Tất cả đều giống nhau hết. Vấn đề ở đây là không có sự cân xứng về đầu tư. Một mặt đầu tư đô thị hóa tạo ra dòng chảy tràn khi không để nước thấm. Những nơi trữ lại nước trước đây thì nay lấn chiếm trở thành đô thị khiến đẩy nước qua những chỗ khác. Trong khi đó lại không có những công trình dẫn nước đi, tháo nước hay trữ nước; do đó ngập là đương nhiên.
Nếu thống kê thì tại Việt Nam có khoảng ba mươi mấy thành phố bị ngập. Kể cả những vùng thấp ở Đồng bằng Sông Cửu Long như Cần Thơ, Vĩnh Long.. ngập thì không nói gì mà cả vùng cao cũng ngập như Dak Lak, Đà Lạt…Rồi gần đây Sơn La cũng ngập, các tỉnh ven biển cũng ngậpông Hồ Long Phi
Bệnh này không riêng gì ở Việt Nam mà những nơi đô thị hóa kém bền vững ví dụ như Bắc Kinh cũng bị. Vào năm 2013 Bắc Kinh bị một trận rất nặng. Jarkarta hay Bangkok cũng bị. Nói chung cùng một bệnh giống hệt nhau.”
Tuy nhiên theo tiến sĩ Lương Văn Thanh từ Viện Khoa học Thủy Lợi miền Nam thì còn có những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ngập sâu mỗi khi mưa lớn như tại thành phố Hồ Chí Minh:
“ Có nhiều nguyên nhân mà đó chỉ là một thôi. Còn lại các công trình của mình như đường cống thì không thông được. Cống của Việt Nam là cống cũ trước đây. Chỉ có Nhiêu Lộc- Thị Nghè mới có hệ thống thoát ngầm bên dưới thôi, còn trong nội đô vẫn là hệ thống cống cũ, tiết diện vẫn thế. Người dân mình thì bảo quản, bảo vệ không tốt qua việc xả những thứ bồi lấp xuống cống khiến bị tắc. Khi mưa nước xuống nhiều thì phải tắc và từ từ mới thấm hết.
Ở Sài Gòn còn khó hơn vì khi mưa mà lúc gặp triều đang dâng thì không thoát được. Thực ra Việt Nam làm không bài bản, không có hệ thống lớn mà ngập chỗ nào thì xử lý chỗ đó.
Rồi những vùng sình lầy điều tiết nước trước đây cũng bị lấp hết như khu Phú Mỹ Hưng; rồi bên quận 7, Nhà Bè cũng thế.”
Kinh phí thiếu hụt?
Theo ý kiến của một người tham gia công tác chống ngập và nghiên cứu về tình hình nước và những tác động do biến đổi khí hậu gây nên cho Việt Nam như ông Hồ Long Phi thực tế cho thấy dù nguồn kinh phí dành cho công tác chống ngập được nói là lớn nhưng cũng không đủ. Ông giải thích:
“ Thực tế con số trăm tỷ, nghìn tỷ thì thấy nhiều nhưng so với công tác chống ngập thì chẳng thấm vào đâu hết. Qui hoạch được duyệt năm 2001 do một công ty tư vấn của Nhật lập, tính tương đối chi tiết, tỉ mĩ, thì để chống ngập được cho toàn bộ khu vực đô thị hóa của thành phố Hồ Chí Minh khoảng 650 cây số vuông cần khoảng chừng 6 tỷ đô la ( tương đương chừng 150 ngàn tỷ đồng). Đến nay mới đầu tư cho được 100 cây số vuông thôi; nghĩa là mới được hai mươi mấy ngàn tỷ. Phần còn lại trước đây nhờ vốn ODA nên giải ngân cũng tương đối khá. Tức khoảng 10 năm trước, một năm được khoảng 2.000-2500 tỷ đồng. Nhưng trong 5 năm gần đây chỉ còn 1000 tỷ môt năm thôi. Nếu so số tiền còn lại chừng 120 ngàn tỷ và nếu 1 năm chỉ chi được 1 ngàn tỷ thì 120 năm nữa mới xong được công trình căn bản. Đó là chưa nói đến biến đổi khí hậu. Do nhận thức của người dân không rõ nên cho rằng nhiều; nhưng thực ra hạ tầng chống ngập như thế là quá yếu kém. Kinh phí được dành cho nó cũng không thấm vào đâu hết. Ví dụ như bỏ tiền nhiều để xây nhà mà mới xây được phần móng thôi thì dột vẫn dột, khi nào xây được mái thì hết. Công trình chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh bây giờ mới xây phần móng thôi, và từ trung tâm rồi lan dần ra. Kinh phí là tắc nghẽn lớn nhất, kinh phí tìm không ra.
Còn kinh phí được duyệt năm 2008 đến nay mới được 10% thôi. Vốn lớn quá đến mấy chục ngàn tỷ không có tiền để làm nên chậm. Còn qui hoạch thoát nước mưa được duyệt năm 2001 đến nay mới làm được 20%.
Tổng cộng 650 cây số vuông thì đến nay mới giải quyết được hơn 100 cây số vuông thôi.
Nói cách khác đô thị hóa và bê tông hóa vốn từ nhiều nguồn mà trong đó vốn tư nhân rất nhiều. Qui hoạch đô thị, san lấp thì tư nhân bỏ tiền vào làm nhiều lắm. Trong khi nhà nước đầu tư cho công trình chống ngập đến nay chủ yếu dựa vào vốn vay là chính mà vốn vay trước đây còn kha khá, chứ mấy năm này gần như không có. Kinh phí là trở ngại lớn nhất.
Làm cầu đường, tư nhân bỏ tiền ra sau đó thu phí. Còn làm công trình chống ngập thì không thu được đồng nào nên tư nhân không mặn mà trong chuyện này. Còn dựa vào vốn cung cấp thì không đủ.
Hai bất cập gặp nhau: một bên phát triển quá nhanh, vượt qui hoạch còn một bên phát triển quá chậm so với qui hoạch!”
Qui hoạch của mình không có tầm nhìn xa mà cần phải 50-100 năm. Ở nước ngoài như London, họ xây dựng một hệ thống ngầm bên dưới rất ‘kinh khủng’, con người có thể đi dưới đó và như một ‘mê cung’ bên dưới. Như thế mới thoát được nước. Còn của mình không được như thếTiến sĩ Lương Văn Thanh
Tiến sĩ Lương Văn Thanh cũng đồng ý một phần với lý giải của ông Hồ Long Phi là trong công tác chống ngập khó kêu gọi nguồn vốn vì lợi ích không rõ và nhanh như việc đầu tư vào hệ thống giao thông; tuy nhiên tiến sĩ Thanh nêu ra tình trạng qui hoạch thiếu tầm nhìn của Việt Nam khiến lãng phí nguồn vốn bỏ ra:
“ Qui hoạch của mình không có tầm nhìn xa mà cần phải 50-100 năm. Ở nước ngoài như London, họ xây dựng một hệ thống ngầm bên dưới rất ‘kinh khủng’, con người có thể đi dưới đó và như một ‘mê cung’ bên dưới. Như thế mới thoát được nước. Còn của mình không được như thế!
Thứ hai nói tiền, thì ai lãnh đạo phải rốt ráo, chịu trách nhiệm bỏ tiền vào làm thì mới được; còn cứ dàn trải mỗi năm cấp cho một tí để có việc làm thì không được. Chứ người ta giải quyết vùng nào thì đầu tư một lần luôn…”
Ông Hồ Long Phi nhắc đến trách nhiệm của phía gây ngập để cùng tham gia trong công tác chống ngập:
“Tất cả đổ lỗi cho phía chống ngập không làm tốt công tác của mình, còn bên gây ra ngập thì gần như ‘vô can’. Trong cùng một sự việc hai đối tượng khác nhau mà một bên gần như vô can.
Nếu bên gây ra ngập họ có trách nhiệm một chút thì sẽ giúp giảm nhẹ việc chống ngập. Bên gây ra ngập nhiều lắm ví dụ như ‘đô thị hóa’, ‘là, vỉa hè’, san lấp. Khi một sở ký giấy phép cho san lấp con sông hay con rạch là họ gây ra ngập. Khi ký giấy phép cho xây dựng một chung cư nào đó mà không có giải pháp điều tiết nước cho chính khu vực đó mà tạo ra dòng chảy thặng dư đổ vào hệ thống thành phố, họ cũng gây ra ngập. Người dân quăng một túi rác ra đường cũng là thủ phạm gây ra ngập.”
Trong những biện pháp để chống ngập cho thành phố lớn, đông dân như thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ chi ra 950 tỷ đồng để xây ba hồ điều tiết. Ba hồ này nhằm giúp chống ngập cho khu trung tâm thành phố.
Ông Hồ Long Phi cho rằng quan điểm đó là đúng về lâu dài, thế nhưng khi thực hiện lúc này sẽ vấp phải những trở ngại vì liên quan nhiều đến cộng đồng như diện tích giải tỏa đền bù…
Ông này nêu ra quan điểm cần phải làm sao giải pháp chống ngập mang tính bền vững hơn, thích ứng với những ‘yếu tố bất định’; đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Gia Minh hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.
No comments:
Post a Comment