Theo NLDO-22/09/2015 21:25
Bên cạnh danh hiệu khu phố văn hóa, người dân cần chính quyền quan tâm sâu sát đến các vấn đề thiết thực, liên quan đến cuộc sống hằng ngày
Quyết định số 4946 của UBND TP HCM ban hành các tiêu chuẩn khu phố văn hóa (KPVH) giai đoạn 2012-2015 bao gồm những tiêu chí về kinh tế, văn hóa, môi trường, thực hiện quy định pháp luật, an ninh trật tự... Các tiêu chí này chỉ hoàn thành khi người dân nhiệt tình tham gia. Để làm được điều đó thì chính quyền địa phương phải chăm lo, bảo đảm lợi ích chính đáng cho người dân, dẹp bỏ căn bệnh thành tích.
Văn hóa phải thực chất
Ông Huỳnh Đức Tấn - từng làm trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 6, quận Tân Bình, TP HCM từ năm 2000 đến 2011 - cho biết trong hơn 10 năm đó, khu phố 1 đăng ký xây dựng KPVH nhưng vẫn chưa đạt. Hai năm trước, khu phố này mới được công nhận là KPVH.
Theo ông Tấn, yếu tố quan trọng nhất để người dân thấy khu phố mình xứng đáng đạt chuẩn KPVH chính là mọi người có trách nhiệm và môi trường xanh, sạch, đẹp. “Một khu phố mà hàng xóm cứ gây gổ, không đoàn kết giúp đỡ nhau khi ốm đau, thiếu thốn... thì chưa xứng đáng với danh hiệu KPVH” - ông Tấn nhận xét.
Ngoài ra, ông Tấn mong muốn đường sá của khu phố phải thông thoáng, nhà cửa phải khang trang, không có tình trạng lấn chiếm đất công, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các đoàn thể như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên phải hoạt động mạnh, tạo nhiều sân chơi cho người dân. KPVH chỉ là danh hiệu, quan trọng là phải điều hành, tổ chức cho người dân một cuộc sống an bình, thoải mái.
Bày tỏ thái độ về KPVH nơi mình ở, bà Trần Thị Lệ - phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM - bức xúc: “Văn hóa kiểu gì mà quán nhậu tràn lan chiếm hết lề đường Phạm Văn Đồng, người dân không có chỗ tập thể dục? Những quán nhậu này hoạt động đến tận khuya, gây ồn ào khiến người dân không thể nghỉ ngơi”. Bà Lệ đề xuất trước hết, chính quyền phải giúp thanh niên có việc làm để họ không ăn chơi lêu lổng; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp họ tránh xa bạo lực, tệ nạn xã hội.
Là KPVH nhưng khu phố 1, phường 6, quận Tân Bình, TP HCM rất nhếch nhác, đường hư hỏng, đầy rác...
Đạt đã khó, giữ còn khó hơn
Bà Trương Hồng Yến - Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM - cho rằng đạt được danh hiệu KPVH rất khó. Năm 2014, khu phố 2 của phường không được công nhận KPVH do xảy ra một vụ trẻ em bị lạm dụng tình dục. Theo quy định, nếu các khu phố để phát sinh tụ điểm ma túy, tội phạm có tổ chức, tỉ lệ sinh con thứ 3 trên 0,8%, 3 trẻ em bị bóc lột sức lao động, 1 trẻ em bị lạm dụng tình dục... thì sẽ không được đề xuất công nhận KPVH.
Là Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP HCM - nơi đạt chuẩn KPVH 10 năm qua - ông Dương Quang Thuận cho rằng điều quan trọng là phải tạo sự đồng thuận trong dân, giúp họ chấp hành tốt pháp luật. Muốn vậy, khu phố phải giải quyết được các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân.
Trong khi đó, một chủ tịch UBND phường ở quận Thủ Đức, TP HCM kể: “Công an phường nhận đơn từ người thân một bé gái tố cáo bé bị thanh niên nọ giao cấu ở phòng trọ đóng trên địa bàn một khu phố. Thanh niên này không có hộ khẩu ở địa phương, người tố cáo cũng ở nơi khác nhưng do vụ việc xảy ra trên địa bàn nên khu phố ấy bị loại khỏi danh sách KPVH”.
Vấn đề “sống còn” với KPVH chính là ở sự nhiệt thành, đồng lòng của mọi người để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp, kiên quyết loại trừ cái xấu. Khu phố 6, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức đạt danh hiệu KPVH đã 13 năm là điển hình của sự nỗ lực này. Ông Nguyễn Văn Canh, Trưởng Ban điều hành khu phố 6, cho biết các công trình như nhà văn hóa, quỹ hoạt động các CLB văn nghệ, thể thao ở đây đều do người dân đóng góp. Muốn người dân ủng hộ nhiệt tình thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, thu chi phải công khai, rõ ràng.
“Khu phố có một gia đình bị tai nạn giao thông khiến 3 người chết, 1 bị thương. Khu phố liền vận động người dân đóng góp tiền và tổ chức đám tang. Đường bị xuống cấp, người dân nơi đây vận động nhau hùn tiền hơn 4 triệu đồng/hộ sửa lại. Bên cạnh đó, khu phố còn mở một lớp dạy tin học miễn phí cho người dân...” - ông Canh dẫn chứng.
Tiêu chuẩn KPVH 2012-2015
- Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.
- Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình.
- Đoàn kết xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp, xây dựng văn minh đô thị.
- Đoàn kết phát huy dân chủ, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.
- Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Tương thân, tương ái”.
Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG
No comments:
Post a Comment