Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2015-09-04
Theo RFA-2015-09-04
Cửu vạn đợi hàng để chở - Với mỗi kg hàng kéo thuê thế này họ sẽ được trả hai ngàn đồng.RFA PHOTO
Nạn buôn lậu không phải mới có; nhưng vấn đề mà chúng tôi muốn nói ở đây là đội ngũ cửu vạn đã gia tăng một cách bất thường bởi nạn thất nghiệp và nghèo đói. Điều này dẫn đến tình trạng cửu vạn liều lĩnh, chấp nhận mọi nguy hiểm để kiếm đủ tiền mua gạo mỗi ngày. Đây cũng là cơ hội để dân buôn lậu hoành hành, chèn ép cửu vạn và chấp nhận mất hàng nếu bị bắt vì lấy số nhiều làm lãi. Có thể nói rằng biên giới Việt - Lào ở Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị là cái ổ buôn lậu lớn hiện nay.
Mất mùa và thất nghiệp
Những trận gió Lào gay gắt cùng lổn ngổn các công trình xây dựng mọc lên từ những đám ruộng đã đẩy người nông dân lùi dần vào thất nghiệp và chán chường. Nếu như các công trình xây dựng, các dự án đã dần cắt nhỏ, thu hẹp đám ruộng của người nông dân thì gió Lào cùng cái nóng như thiêu như đốt, khô hạn đã làm cho người nông dân hoàn toàn tuyệt vọng trên đám ruộng của họ. Họ buộc phải chọn tha phương cầu thực hoặc lây lất giữa quê nhà.
Người được cấp hai sào lận. Bây giờ người ta dồn điền đổi thửa, mình còn ruộng ít hơn. Gió Lào mình cũng ít sợ so với nước lụt, sợ không phơi được lúa. Nhưng gió Lào cũng ghê lắm, gió mà không mang hơi nước, cây cối khô hết…
-Chị Hồ Thị Lùng
Chọn công việc nặng nhọc, nguy hiểm như khuân vác hàng lậu, còn gọi là cửu vạn cũng là một phương cách cứu đói của các nông dân mất ruộng hoặc mất mùa. Đặc biệt là các nông dân, thợ rừng đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Chị Hồ Thị Lùng, dân tộc Vân Kiều, hiện trú ở Hướng Nghiệp, Hướng Hóa, chia sẻ: “Người được cấp hai sào lận. Bây giờ người ta dồn điền đổi thửa, mình còn ruộng ít hơn. Gió Lào mình cũng ít sợ so với nước lụt, sợ không phơi được lúa. Nhưng gió Lào cũng ghê lắm, gió mà không mang hơi nước, cây cối khô hết…”
Theo chị Lùng, hiện nay, số lượng người đồng bào thiểu số tham gia làm cửu vạn, bốc hàng thuê cho các chủ buôn lậu tại Khe Sanh, Hướng Hóa có thể lên đến hàng ngàn người. Họ không đồng loạt làm việc mà luân phiên theo thứ tự trong tuần. Bởi quá nhiều cửu vạn nhưng có ít chủ buôn lậu nên các chủ buôn chia làm ba phiên để cửu vạn khỏi bị thiệt thòi.
Nghĩa là trong một tuần có sáu ngày, bỏ ngày đầu tuần vì đây là ngày công an biên phòng và bộ đội biên phòng giao ban, họ sẽ làm việc gắt gao. Những ngày khác, cứ mỗi nhóm được làm việc hai ngày, sau đó đến nhóm khác, ba nhóm chia nhau làm việc trong sáu ngày. Mỗi ngày, nếu bốc vác cật lực người ta sẽ kiếm được từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng. Đối với nông dân nghèo, quen chịu khổ, hai trăm ngàn đồng là một con số mơ ước. Chính vì vậy không ai bỏ qua cơ hội này.
Như vậy, nếu chia đều trong một tháng, mỗi cửu vạn sẽ kiếm được một triệu sáu trăm ngàn đồng nếu siêng làm việc và mọi chuyện suông sẻ. Thời gian còn lại, người ta sẽ đi hái măng rừng hoặc kiếm củi rừng để bán thêm. Tính ra thu nhập cao hơn rất nhiều so với việc bám đám ruộng khô cằn mà không biết cuối mùa sẽ ra sao.
Trường hợp không may mắn, nếu như bị bắt hàng, mất hàng do bỏ chạy, chủ hàng sẽ trừ tiền để đền hàng, thường thì chủ hàng chịu 50% và cửu vạn chịu 50% giá trị gùi hàng. Nếu mất hàng, có khi tiền khuân vác cả tháng chỉ đủ để bù vào gùi hàng. Chính vì vậy mà bằng mọi giá, cửu vạn phải băng rừng, luồn lách để mang hàng về đúng điểm tập kết. Bởi mỗi ký lô hàng khuân vác chỉ được trả từ hai ngàn đồng đến ba ngàn đồng. Trung bình, một người siêng năng, khỏe mạnh, mỗi ngày phải gùi đủ một trăm ký lô hàng lậu băng rừng về đến điểm tập kết thì kiếm được hai trăm ngàn đồng.
Với một phụ nữ quen làm việc trong rừng, quen vác củi và chịu đựng mưa nắng, chị Lùng nói rằng mỗi lần gùi, chị có thể gùi được từ bốn chục đến năm chục ký lô hàng. Thường là hàng điện tử hoặc các loại nhu yếu phẩm, nếu là thuốc lá thì không thể gùi được khối lượng như vậy vì hàng nhẹ, kềnh càng, mỗi lần gùi có thể hai chục hoặc ba chục ký lô. Nhưng bù vào, hàng thuốc lá lậu được trả đến bốn ngàn đồng trên mỗi ký nên dân cửu vạn rất ưa được khuân vác thuốc lá.
Khối lượng hàng lậu khổng lồ
Một cửu vạn khác tên Hồ Văn Tính, người dân tộc Pa kô, chia sẻ thêm: “Gió Lào thì từ tháng tháng Ba đến tháng Sáu, nó làm khô hết ruộng nương, rừng rẫy. Bữa nay bắt đầu mùa mưa rồi đây. Năm nay thì mưa cũng mưa bình thường chứ chưa mưa lụt to như mấy năm đâu, bởi mùa mưa mới bắt đầu…”
Gió Lào thì từ tháng tháng Ba đến tháng Sáu, nó làm khô hết ruộng nương, rừng rẫy. Bữa nay bắt đầu mùa mưa rồi đây. Năm nay thì mưa cũng mưa bình thường chứ chưa mưa lụt to như mấy năm đâu, bởi mùa mưa mới bắt đầu…
-Ông Hồ Văn Tính
Theo ông Tính, nếu tính khối lượng hàng hóa mỗi ngày tuồn qua đường rừng, xuyên về Việt Nam có thể lên đến hàng chục tấn, thậm chí vài chục tấn. Bởi lấy số lượng cửu vạn nhân với số lượng hàng hóa của anh ta/chị ta khuân vác được thì sẽ biết ngay lượng hàng lậu đi vào Việt Nam mỗi ngày.
Ông Tĩnh cho biết thêm là hàng hóa tuy từ bên Lào tuồn sang Việt Nam nhưng lại có gốc gác Trung Quốc là chủ yếu. Hầu hết hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại một số điểm bí mật ở các vùng thôn quê tại Lào đều được đưa sang Việt Nam theo cửa khẩu Quảng Trị. Nghĩa là không như trước đây, hàng hóa Trung Quốc sản xuất tại Trung Quốc. Hiện tại, một số đầu nậu, nhà sản xuất hàng lậu của Trung Quốc sang Lào thuê mặt bằng, thuê nhân công để sản xuất một số mặt hàng như trứng gà, vỏ lốp xe, bàn ủi, linh kiện điện tử và đặc biệt là đồ chơi trẻ em.
Trong dịp Tết Trung Thu này thì người ta sản xuất bánh Trung Thu và đồ chơi trẻ em nhiều nhất. Ngày nào cửu vạn cũng chuyển sang Việt Nam từ vài tấn đến hàng chục tấn bánh Trung Thu do các chủ người Trung Quốc sản xuất tại đất Lào. Và số lượng đồ chơi trẻ em được chuyển sang Việt Nam thì nhiều vô kể, không thể kiểm soát được.
Theo ông Tính, hầu hết hàng hóa Trung Quốc không có nhãn mác, không có xuất xứ rõ ràng đều có địa điểm sản xuất tại đất Lào, khác xa với người ta tưởng là Trung Quốc sản xuất các loại hàng này tại Trung Quốc. Đương nhiên không loại trừ số lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc cũng không có nhãn mác tuồn sang Việt Nam. Nhưng hiện tại, có vẻ như hàng hóa Trung Quốc sản xuất trên đất Lào, không có nhãn mác chảy sang Việt Nam theo đường hàng lậu đang phát triển cao, khó mà kiểm soát được số lượng cũng như mức độ nguy hiểm của nó.
Và cũng theo ông Tính, hầu hết nông dân nghèo khổ ở các huyện trong tỉnh Quảng Trị đều đổ xô về Hướng Hóa để làm cửu vạn chứ không riêng gì các nông dân của các tộc người thiểu số hoặc các nông dân bị mất đất mới tham gia công việc này mà hầu hết những người có thu nhập thấp đều tìm đến làm cửu vạn. Bởi nghề khuân vác, cửu vạn như một lối thoát của nạn thất nghiệp, mất đất và mất mùa tại đây. Cái nghèo đã đưa chân người nông dân đến với công việc này!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/more-smuggling-resulted-fr-unemployment-09042015083017.html/ttvn090415.mp3
No comments:
Post a Comment