Theo NLĐO-03/09/2015 23:03
Giật đồ cúng cô hồn đang biến tướng không chỉ bởi hành vi tranh giành manh động mà có sự tham gia của nhiều băng nhóm lợi dụng tình hình lộn xộn để trộm, cướp
Rằm tháng bảy đã qua vài ngày nhưng nhiều người dân sống ở các quận 5, 6, 10, 11 (TP HCM) vẫn còn ám ảnh cảnh tượng giật đồ cúng cô hồn manh động của nhiều thanh niên. Không chỉ vậy, những gia đình rải ít tiền còn bị các nhóm thanh nhiên kéo đến làm khó.
Vừa cúng vừa run
Nhớ lại bữa cúng cô hồn hôm 29-8, bà Phạm Thị Hoa (ngụ đường Lý Thái Tổ, quận 10) vẫn còn kinh hãi. Bà Hoa kể trong lúc loay hoay chuẩn bị mâm cúng thì một thanh niên vào cửa hàng tạp hóa của bà giả vờ mua dầu gội. Khi bà vào bên trong lấy hàng thì bất ngờ những thanh niên khác rình sẵn ở ngoài lao tới ôm mâm cúng trị giá 2 triệu đồng bỏ chạy. Chưa hết, bọn chúng còn tiện tay chôm luôn một số hàng bày bán với tổng tài sản trị giá khoảng 2,5 triệu đồng.
Khi bà Hoa chạy ra kêu gào, ngăn cản thì bị một đối tượng xô ngã để tạo điều kiện cho đồng bọn bỏ chạy. “Lúc chúng bỏ đi còn quay lại cười với giọng hả hê. Tôi thì bị trầy tay, nằm sõng soài. Rút kinh nghiệm, mùa tới tôi sẽ cúng kín đáo hơn, không bày biện trước cửa nhà nữa” - bà Hoa ngao ngán.
Hàng chục thanh niên tham gia giật đồ cúng cô hồn gây náo loạn trên đường Nguyễn Biểu, quận 5, TP HCM
Quá sợ nạn giật đồ cúng cô hồn như ăn cướp, nhiều người phải tự nghĩ cách ứng phó. Ông M., một người dân sống ở gần chợ Bình Tây (quận 6), kể hôm đó, ông cử 2 đứa cháu ra đứng đầu đường, khi thấy xuất hiện băng nhóm giật đồ cúng cô hồn thì lập tức gọi điện thoại thông báo để ông dẹp mâm cúng. “Chỉ 30 phút thắp nhang mà tôi phải bưng vào, mang ra đến 3 lần. Chưa bao giờ vừa cúng mà vừa run đến vậy” - ông M. nói.
Tuy nhiên, theo ông M., cúng kín đáo chưa chắc yên thân vì các băng nhóm “cô hồn sống” cứ rảo quanh, chầu chực, nhà nào cúng ít tiền hoặc không để chúng có cơ hội giật đồ cúng thì sẽ bị quấy rối.
Ông M. kể ngày 28-8, gia đình hàng xóm bày heo quay, tiền lẻ cúng trước cửa nhưng thấy nhiều người kéo đến nên chuyển lên lầu. Nhóm giật đồ cúng cô hồn không đồng ý phương án đó nên đứng phía dưới gào thét, đập cửa sắt để gây áp lực. Kết quả, một cánh cửa bị hỏng phải sửa gần 1 triệu đồng.
Khó dẹp loạn
Một lãnh đạo Công an phường 1, quận 6 cho biết tục cúng cô hồn này diễn ra suốt cả tháng 7 âm lịch nên khiến lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra để giữ an ninh trật tự. Tuy nhiên, những trường hợp giật đồ cúng cô hồn rất khó xử lý tội danh cướp giật tài sản vì gia chủ không trình báo và nếu có thì cũng đến mức xử phạt hành chính.
Theo ông T., một bảo vệ dân phố thuộc quận 6, lực lượng chức năng mỏng, các nhóm giật đồ cúng cô hồn thì đông lại hết sức manh động nên rất khó để giữ trật tự. Ngoài ra, nhiều gia đình còn quan niệm khi cúng cô hồn phải có cướp giật mới hên nên có nhà bị lấy hết cả mâm cũng chẳng phản ứng mạnh. “Đó không phải là hành động giật đồ cúng cô hồn nữa mà là cướp giữa ban ngày vì họ mang nhiều vợt, gậy gộc…” - ông T. nhận định.
Băng Tùng “tóc đỏ” ở quận 5 có khoảng 15 thanh niên. Bình thường, họ làm nghề tự do nhưng đến tháng 7 âm lịch thì chỉ chuyên đi giật đồ cúng cô hồn, mỗi ngày ít nhất kiếm được 3 triệu đồng.
Có luật để xử
Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi xông vào nhà nơi chủ nhân đang thực hiện việc cúng bái (chưa xong) để cướp giật mâm đồ cúng thực chất là cướp giật công khai. “Tôi được biết có nhiều gia đình cúng số tiền lên tới 6-8 triệu đồng. Thế thì hành vi giật đồ cúng cô hồn đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng ngay chính bản thân các đối tượng đó cũng không biết hoặc cố tình không biết.
Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định của điều 136 Bộ Luật Hình sự (BLHS). Còn nếu các đối tượng có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với chủ nhân để chiếm đoạt các mâm cúng thì đã đủ cơ sở xử lý về tội “Cướp tài sản” theo điều 133 BLHS” - luật sư Thảo phân tích.
Luật sư Thảo cho biết một số hành vi khác như kích động, la hét, tranh giành đồ cúng cô hồn gây cản trở giao thông, mất an ninh khu vực cũng có thể bị xử tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tùy mức độ nặng nhẹ, đối tượng gây rối có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 245 BLHS.
Bài và ảnh: LÊ PHONG
No comments:
Post a Comment