Khác với những lần trước khi thông báo về tình hình nợ công quốc gia - dẫn nguồn từ Chính phủ hoặc thậm chí cơ quan tuyên giáo, tháng Tám năm nay lại chứng kiến báo giới nhà nước đồng loạt phát tin ‘Việt Nam là quốc gia có rủi ro nợ công lớn nhất khu vực Đông Nam Á’ và ‘được’ Ngân hàng Bank of America (Mỹ) xếp hạng rủi ro thứ 12 trên thế giới.
Thứ hạng 12 trên lại khá tương đồng với vị trí từ dưới đếm lên của VN trong bảng xếp hạng về độ minh bạch của Tổ chức Minh bạch quốc tế.
‘Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công’ thuộc loại tuyên bố “ấn tượng” vô trách nhiệm nhất của giới quan chức CSVN cách đây không lâu. Thế nhưng đã quá chán ngán trước tình cảnh dối trá bất tận về thực trạng nợ công, nợ xấu, cộng thêm đòi hỏi ngày càng lớn về minh bạch tài chính ngân sách, báo chí nhà nước chỉ còn chờ những tổ chức phân tích tài chính có uy tín như Bank of America phát thông tin là lập tức xé rào dẫn lại.
Nếu chỉ cập nhật theo Đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí Economist tại thời điểm ngày 4/5/2015, tổng nợ công của Việt Nam ở mức 89,08 tỷ USD, chiếm tỉ lệ 46,6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Tại thời điểm tháng 4/2014, nợ công của Việt Nam là 81 tỷ USD chiếm tỉ lệ 47,9% GDP.
Tuy nhiên cần lưu ý, con số và tỷ lệ nợ công trên được căn cứ vào báo cáo chính thức của Chính phủ và Bộ tài chính CSVN.
Còn tỷ lệ thực về nợ công/GDP mà những chuyên gia phân tích độc lập đưa ra lại khác xa số liệu công bố của Chính phủ. Từ cuối năm 2013, nợ công/GDP đã được một chuyên gia nhà nước thừa nhận là tăng đến 98%, tức làm ra 100 đồng thì phải dành đến 98 đồng để trả nợ.
Song những chuyên gia độc lập khác đã nêu ra tỷ lệ nợ công/GDP lớn hơn: 106%, nếu tính đầy đủ đến nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tiêu chí hướng dẫn cách tính nợ công của Liên hiệp quốc.
Trong một thái độ khuất tất lâu ngày, ngành thống kê và Bộ tài chính Việt Nam vẫn khăng khăng không chịu đưa tiêu chí trên vào áp dụng, dẫn đến kết quả "nợ công luôn nằm trong mức an toàn".
Tình hình nợ công tiếp tục dấn sâu vào vùng nguy hiểm đang là hiện tượng tiếp biến mà rất có thể sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp Achentina năm 2001.
Quy luật nghịch đảo cuối cùng đã được giới báo chí nhà nước thừa nhận: thu chi ngân sách càng kém minh bạch, nợ công càng rủi ro. Song nếu phải chờ cho đến khi Chính phủ VN phải thú nhận về hậu quả này, thì e rằng sẽ quá trễ để cứu vãn nền kinh tế chỉ còn da bọc xương.
08/19/2015 - 20:30
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment