Dân trí “Không hiểu họ xử lý rác như thế nào mà hôi thối quá, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Trước nguy cơ này, bà con nơi đây tìm hiểu và thấy họ xử lý rác rất sơ sài, làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, đe dọa đến thế hệ con cháu sau này”.
Từ ngày 3/8 đến nay, hàng trăm người dân thuộc xã Bình Chánh, xã Bình Nguyên, xã Bình Thạnh (thuộc huyện Bình Sơn) và thôn Hòa Đông (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) tụ tập ngăn cản xe vận chuyển rác vào Nhà máy xử lý rác thải ở xã Bình Nguyên, do Công ty CP Cơ điện Môi trường Lilama EME (viết tắt là Công ty Lilama) quản lý và vận hành.
Người dân lập chốt canh nhằm ngăn cản xe rác vận chuyện vào nhà máy cùng bảng cấm tự lập
Theo thiết kế, Nhà máy xử lý rác thải ở Bình Nguyên hoạt động công suất từ 50 – 100 tấn/ngày đối với rác thải sinh hoạt; 25.000 tấn/năm đối với rác thải công nghiệp và nguy hại. Diện tích hoạt động nhà máy chiếm gần 20ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
Từ năm 2008 đến nay, Công ty Lilama tiếp nhận từ Ban Quản lý KKT Dung Quất. Nhà máy tiếp nhận từ các doanh nghiệp, tổ chức về chất thải nguy hại ở KKT Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), đại bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Hiện nay, nhà máy tiếp nhận xử lý rác thải nguy hại khoảng 3 tấn/ngày và 30 tấn/ngày về rác thải sinh hoạt.
Bên trong nhà máy, rác được sử lý đơn giản và nằm phơi giữa trời như thế này
Ông Trần Bình (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) bức xúc: “Cái nhà máy rác này cách xa khu dân cư khoảng 1,3km. Không hiểu họ xử lý rác như thế nào mà hôi thối quá, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Trước nguy cơ này, bà con nơi đây tìm hiểu và thấy họ xử lý rác rất sơ sài, đơn giản và hiểm họa lớn nhất là ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, rồi đe dọa đến thế hệ con cháu sau này”.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, một số gia đình có con nhỏ đều gửi đến nhà người quen ở nơi khác, hi vọng hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng từ “vựa” rác nguy hại nằm sát khu dân cư. Đã 18 ngày ngăn cản nhà máy tiếp nhận rác, người dân yêu cầu di chuyển nhà máy xử lý rác đi xa khu dân cư, nghiêm cấm xả nước rỉ xử lý rác ra hồ Hàm Rồng (hồ chứa nước ngọt lớn phục vụ tưới tiêu hoa màu, đồng ruộng cho nhân dân khu Tây huyện Bình Sơn).
Anh Bùi Quốc Huynh (21 tuổi, ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) cho biết vào chiều ngày 20/8, nói: “Mấy ngày qua, chính quyền có đến vận động, yêu cầu nhân dân ngưng hoạt động ngăn cản xe vận chuyển rác vào nhà máy nhưng không ai chịu cả, chúng tôi quyết đấu tranh đến cùng. Ban ngày thì người già và phụ nữ canh gác, còn buổi tối đến mờ sáng, thanh niên chúng tôi cùng đàn ông túc trực xuyên đêm. Nếu chính quyền các cấp thương đến mạng sống của người dân, thế hệ con cháu nơi đây thì xin hãy khẩn trương di chuyển nhà máy đi nơi khác”.
Rác thải sinh hoạt bị ứ đọng dọc các tuyến đường ở huyện Bình Sơn
Công ty Lilama cắm biển thông báo như thế này mong người dân thông cảm
Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 20/8, ông Đỗ Văn Phu – Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho rằng: “Hiện địa phương cùng các Sở, ngành đang họp bàn các phương án và chưa chốt phương án cụ thể nào”.
Sáng cùng ngày (20/8), ông Nguyễn Quốc Tân – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trước tình hình ngăn cản của người dân địa phương, Sở cùng các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra, khảo sát và trình UBND tỉnh bố trí di dời nhà máy đến vị trí 4 (nằm phía Tây nhà máy hiện tại). Song song đó, tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng xác định các tiêu chí gồm quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn đảm bảo di dời nhà máy xử lý rác thải đến nơi mới”.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các Sở, Ban, ngành, KKT Dung Quất và huyện Bình Sơn hoàn thành phương án di dời nhà máy xử lý rác Bình Nguyên đến địa điểm mới và trình UBND tỉnh Quảng Ngãi trước ngày 15/9 tới.
Thứ Năm, 20/08/2015 - 21:56
Hồng Long
No comments:
Post a Comment