(Baodatviet) - Những con tàu cũ hoàn toàn có thể hoán cải để sử dụng vào mục đích khác, còn ụ nổi cũng vẫn khai thác thêm để tránh lãng phí.
GS. TS Ngô Cân, nguyên Viện trưởng Viện KHCN Tàu Thủy đã chia sẻ với Đất Việt khi được hỏi quan điểm của ông trước việc Trung Quốc làm đảo nổi trên Biển Đông và Việt Nam có thể làm gì để tận dụng nguồn lực có sẵn trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nên nghĩ cách làm kinh tế
Không bàn đến những câu chuyện chính trị, ngoại giao trên Biển Đông, GS Ngô Cân hướng câu chuyện nhiều hơn tới việc phát triển kinh tế biển có thể tận dụng những con tàu cũ, ụ nổi - tang vật của vụ án - nhưng đây cũng là khối tài sản được mua bằng tiền của nhà nước đang ngày một hoen rỉ theo thời gian.
Theo GS Ngô Cân, việc Trung Quốc làm đảo nổi với mục đích làm căn cứ quân sự hay trạm chiến đấu di động là câu chuyện liên quan đến vấn đề chủ quyền, luật pháp quốc tế.
"Việt Nam không nên nghĩ đến những câu chuyện như vậy mà nên tìm cách để phát triển kinh tế. Hiện chúng ta có rất nhiều tàu cũ nên nghĩ cách hoán cải để sử dụng nó vào mục tiêu khác, ví dụ đánh bắt hải sản, hay như ụ nổi M83 có thể làm kho chứa dầu ở vùng phía trong thì sẽ có lợi hơn", GS Ngô Cân nêu ý kiến.
Nếu không tìm cách tận dụng lại ụ nổi M83 chỉ là đống sắt vụn |
GS Cân cho rằng, ngay như với ụ nổi M83 hoàn toàn có thể có thể chuyển giao cho đơn vị đang đóng tàu cá sử dụng hoặc có thể để trong gần bờ để khai thác. Theo ông Cân, nếu biến thành kho chứa dầu nổi ở gần các khu cảng để bán dầu cho các tàu cá sẽ rất tiện lợi.
"Những tàu đánh bắt xa bờ cần nước đá, dầu, thường có tàu dịch vụ nghề cá, các công ty đứng ra bỏ tiền đóng những con tàu để làm việc này nên có thể tận dụng lại những tài nguyên chúng ta đang có", GS Ngô Cân góp ý.
Còn việc đưa ụ nổi ra ngoài biển để làm điểm để giúp ngư dân tá túc khi cần thiết thì GS Ngô Cân cho rằng sẽ khó vì ụ nổi không chịu được điều kiện cố định ở ngoài biển.
"Nó có thể kéo từ Nga về Việt Nam nhưng chỉ là một lần di chuyển đó, còn nếu tính chuyện lâu dài thi nó chỉ có thể chịu sức gió, sóng ở mức nhất định. Còn nếu kéo ra biển cũng không an toàn nếu muốn cho các tàu cá đến va chạm sóng không được", ông Cân phân tích.
Nên giao cho Liên hiệp hội khảo sát và tìm giải pháp
Theo GS Ngô Cân, sau giải phóng các nhà khoa học, kỹ sư đóng tàu của Việt Nam từng có một chuyến khảo sát từ Nam tới Bắc để tìm hiểu, khảo sát, thống kê về những con tàu sau chiến tranh còn sót lại. Với những con tàu có thể sử dụng tiếp được phân loại, đánh giá xem có thể sử dụng vào mục đích gì.
"Hiện nay chúng ta cũng có rất nhiều tàu cũ từ vụ Vinashin, Vinalines và cả ụ nổi M83 chưa sử dụng vào việc gì và thậm chí còn gây cản trở giao thông thủy.
Vì vậy nhà nước nên giao cho Liên hiệp hội Việt Nam tập hợp các nhà khoa học làm nhiệm vụ khảo sát, đánh giá và tìm giải pháp tư vấn khai thác tiếp để tránh tình trạng lãng phí", GS Ngô Cân nói.
Tuy nhiên điều mà GS.TS Ngô Cân lo lắng đó là câu chuyện thủ tục hành chính.
"Bình thường có thể tài sản đó để hoen rỉ không ai muốn nhắc tới nhưng nếu ai đó muốn đụng vào cũng không phải đơn giản. Nó vẫn là có chủ, là tài sản, đụng đến là các thủ tục hành chính cũng phức tạp", ông Cân lo ngại.
"Chính phủ phải có chương trình, giao cho Liên hiệp hội khảo sát, 'tàu ma' ở đâu, có thể sử dụng vào mục đích gì. Phải có cơ chế mới hoặc một cơ chế đặc cách để sử dụng lại sau khi có kết quả khảo sát hiện trạng và hoán cải sang phương diện khác", GS.TS Ngô Cân nói.
Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment