XUÂN QUANG 21/08/15 09:06
(GDVN)- Đây là quan điểm của ông Lê Trọng Vinh – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ tại buổi tập huấn kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo chí (20/8).
Theo ông Vinh, báo chí là kênh thông tin quan trọng nhất để thực hiện có hiệu quả việc phổ biến giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên ở các nước phát triển, họ không có hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Việt Nam gần như là nước duy nhất có luật phổ biến giáo dục pháp luật.
“Ở các nước phát triển người dân tự tìm hiểu, học tập pháp luật. Mỗi doanh nghiệp, chính khách, hoặc người dân, bên cạnh họ bao giờ cũng có luật sư.
Còn chúng ta thì ngược lại, Nhà nước đứng ra tuyên truyền, phổ biến…”
Lý giải sự khác biệt này, ông Vinh cho rằng do ý thức chấp hành pháp luật của người dân Việt Nam kém. Thứ hai là thái độ thờ ơ với pháp luật. Thứ ba là hành vi đối phó với pháp luật.
“Điều rất trớ trêu ở Việt Nam, không phải người dân không hiểu biết pháp luật. Họ hiểu nhưng họ vẫn cứ cố tình vi phạm pháp luật.
Một điểm nữa, do đa phần người dân chưa quen sống và làm việc theo pháp luật, họ không có thói quen tìm hiểu pháp luật. Đây được gọi là thái độ đối với pháp luật", ông Vinh nêu thực trạng.
Ông Lê Trọng Vinh – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ (ảnh: XUÂN QUANG)
Từ những phân tích trên ông Vinh cho rằng, báo chí cần định hướng thông tin theo hướng tích cực để công tác để phổ biến pháp luật đạt hiệu quả.
Mặt khác, bên cạnh việc đưa những thông tin tiêu cực thì báo chí cần đặc biệt chú trọng đưa các thông tin tích cực, những mặt tốt của xã hội.
“Tôi ví dụ, vấn đề vi phạm pháp luật ở Việt Nam có thể nói là đáng báo động. Nhưng báo chí cần phải cân nhắc đưa thế nào, cứ lấy những cái tiêu cực để đưa, chỗ nào cũng cướp, giết trộm, cũng giết, thì còn ai dám ra đường.
Mà đã không dám ra đường thì vận động, tuyên truyền pháp luật thế nào? Do vậy báo chí cần nhìn cái tiêu cực theo hướng tích cực, xây dựng để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được hiệu quả...”, ông Vinh đề nghị.
XUÂN QUANG
No comments:
Post a Comment