Sunday, July 12, 2015

Sài Gòn: Kinh hãi dòng kênh Tân Hóa-Lò Gốm

SÀI GÒN (NV) - Việc nạo vét, kiến tạo bờ kè và xây dựng những cây cầu bắc ngang dòng kênh Tân Hóa-Lò Gốm đã hoàn tất, lễ mừng công trình này được tổ chức vào cuối Tháng Tư vừa qua. Trong những ngày hè oi bức này, tìm tới một quán nước trên con phố bờ kênh, hẳn sẽ được hưởng chút không khí thoáng đãng.


Kênh Tân Hóa-Lò Gốm, đoạn ở thượng nguồn.

Kênh Tân Hóa-Lò Gốm được gọi chung tên, do hai con kênh ở sát cạnh nhau, khởi nguồn từ quận 6. Kênh Lò Gốm chạy dọc dài đường Lò Gốm; kênh Tân Hóa chảy cùng chiều đường Tân Hóa. Kênh Tân Hóa-Lò Gốm chảy qua 3 quận: 6, 11, Tân Phú. Dọc hai bên bờ kênh Tân Hóa-Lò Gốm trước đây vốn chen chúc những nhà “ổ chuột” mái lá, mái tôn cũ, trên những chân cột tràm cừ cắm xuống lòng kênh từ bao nhiêu năm. Cư dân trong những nhà “ổ chuột” ấy gần như sống chung với chuột bọ và rác rến đủ loại.

Mọi thứ chất thải từ sinh hoạt mỗi gia đình đều có chung một nơi đến là dòng kênh. Thế nên dòng nước con kênh này đen kịt một màu bùn đặc quánh, xông lên mùi hôi thối nồng nặc hơn cả hai dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tàu Hủ-Bến Nghé trước ngày được cải tạo. Rác rến các loại trôi nổi lềnh bềnh.

Ở nhiều chỗ trên dòng kênh Tân Hóa-Lò Gốm, nhất là tại thượng nguồn, rác rến và mủn bùn kết quánh với nhau, thường thấy súc vật, trẻ em đi bộ qua lại hai bên bờ kênh.

So với cư dân tại hai con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tàu Hủ-Bến Nghé, thì số đông cư dân dọc hai bờ kênh Tân Hóa-Lò Gốm trước đây quá nghèo khổ, cuộc sống nhếch nhác tạm bợ qua ngày. Trước khi nhà nước tiến hành thực hiện công trình cải tạo dòng kênh Tân Hóa-Lò Gốm, một số lớn hộ gia đình buộc phải di dời, tái định cư tại một xã ấp thuộc huyện Bình Chánh ở ngoại thành Sài Gòn.

Chúng tôi đi dọc bờ kênh Tân Hóa-Lò Gốm hôm nay, công trình đã hoàn chỉnh và làm lễ mừng công từ 10 ngày qua, vẫn nổi trội hiệu ứng gây kinh hãi đối với người ngoạn cảnh! Báo đài thành phố dễ dàng tuyên truyền khi phỏng vấn những cư dân trước đây sống ở hai bên bờ kênh; hẳn nhiên họ không còn thấy những lều - nhà “ổ chuột” như họ từng sống. Những nhà hai bên bờ kênh hiện nay đã và đang xây cất nhà cửa cao tầng, bền vững đủ kiểu đủ cỡ; cũng bờ kè như bờ kè hai con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè; Tàu Hủ-Bến Nghé.

“Và những cây cầu bắc ngang hai bờ kênh Tân Hóa-Lò Gốm được xây dựng kiểu cách, uốn lượn; dù thiếu hẳn đường nét tinh tế của kiến trúc cầu cống, không theo truyền thống cổ điển, cũng chẳng ra phong cách hiện đại.


Dòng kênh nước đen.

Người ngoạn cảnh và cư dân hai bên bờ kênh Tân Hóa-Lò Gốm hôm nay vẫn thấy dòng nước đen kịt một màu bùn, con kênh vẫn xông lên mùi hôi thối nồng nặc. Trên dòng kênh, rác rến trôi nổi lềnh bềnh, mọi chất thải sinh hoạt vẫn vô tư trút xuống dòng kênh. Chạc dựng bảo vệ cây non mới trồng ở hai bên bờ kè, trở thành vật dụng phơi quần áo. Nhiều đám người bày bàn nhậu ngay trên bờ kè, khi la-de đầy bụng, thật thuận tiện để “tè” ngay xuống dòng kênh!

Chúng tôi nhận thấy hai con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tàu Hủ-Bến Nghé, sau khi “cải tạo,” xây dựng bờ kè, đã làm nổi bật cảnh quan hai bên dòng kênh, vốn là những đường phố của các quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình... với cư dân ổn định từ nhiều năm. Đặc biệt kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, dự án cải tạo dòng kênh này đã có từ trên 20 năm, khác với kênh Tân Hóa-Lò Gốm chỉ được lưu tâm để cải tạo từ mấy năm gần đây, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính của ngân hàng Thế giới.

Sau khi “cải tạo,” dòng nước phía hạ lưu của hai con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hủ-Bến Nghé khá sạch và trong, vì tiếp giáp với sông Sài Gòn. Tuy nhiên hai con kênh vẫn bị ảnh hưởng tệ hại do cư dân thành phố không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung; và dòng kênh vẫn là nơi thường xuyên tiếp nhận các loại rác rến, chất thải từ sinh hoạt của cư dân. Cứ mỗi đợt vớt rác định kỳ trên kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, tính ra có hàng tấn rác thải ra mỗi ngày.

Cũng từ sau ngày được “cải tạo,” cá xuất hiện khá nhiều ở dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Các đoạn kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chảy qua các khu vực quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, hàng đàn cá chép, cá rô phi bơi đầy dưới dòng nước sạch và trong, đặc biệt vào những ngày có triều cường.

Tình trạng người câu cá ở hai bên dòng kênh xảy ra hằng ngày, bao gồm cả những trường hợp chích điện để vớt cá. Đã có lệnh cấm câu cá từ thành phố, nhưng các quận, phường có dòng kênh chảy qua vẫn để tình trạng câu cá chích điện xảy ra.
Với việc rác rến chất thải thường xuyên, câu cá chích điện liên tục trên dòng kênh này, e rằng những đàn cá phải “bỏ xứ” mà đi.

07-03- 2015 7:31:25 PM
Bài và hình: Nguyễn Đạt/Người Việt

No comments:

Post a Comment