(LĐO) VIỆT HÒA
Trước khi xảy ra sự việc, người thanh niên này có hành vi rất phản cảm trước mặt người dân (ảnh căt từ clip do người dân cung cấp).
Liên quan đến clip máy xúc chèn qua người dân ở KCN Lương Điền – Cẩm Điền, các cơ quan chức năng đều cho rằng “không có chuyện đó”, thậm chí lãnh đạo huyện Cẩm Giàng còn khẳng định "Clip trên do người dân dàn dựng!". Trước những thông tin trên, người dân bức xúc: “Ai đủ dũng cảm tự chui đầu vào bánh xích để dàn dựng. Vị nào đó phát ngôn như vậy hãy về đây mà thực hành lại cái việc như bà Trâm đã bị chèn”.
Một ngày sau khi xảy ra vụ việc “xe máy xúc chèn qua người dân”, phóng viên Báo Lao Động một lần nữa trở lại KCN Lương Điền – Cẩm Điền. Lần này chúng tôi gặp phải những ánh mắt nghi ngờ, trách móc của người dân vì đưa tin phát ngôn của các cơ quan chức năng khẳng định không có chuyện bà Trâm bị cuốn vào gầm máy xúc.
“Họ chưa điều tra gì mà lập tức khẳng định với báo chí là không có chuyện máy xúc chèn qua người dân. Mấy chục người dân chúng tôi sẵn sàng làm chứng rằng sáng 10.7 bà Lê Thị Trâm, SN 1060, ở Đội 7, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền đã bị máy xúc chèn qua người” – một người dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền bức xúc cho biết.
Theo những người dân thôn Hoàng Xá, trước thời điểm xảy ra vụ việc, sáng 10.7 có khoảng 40 thanh niên lạ mặt xuất hiện tại khu vực bà con đang lập "chốt" ngăn cản không cho đơn vị thi công.
Nhiều người dân đứng trước đầu máy xúc ngăn cản khiến người lái máy xúc không dám tiến lên và mở cửa cabin nhảy xuống dưới.
Lúc này một thanh niên nhảy lên máy xúc chửi bới đồng thời cởi quần dài, một hành vi vô cùng phản cảm đối với hàng chục người dân ở phía dưới (toàn bộ hành vi này đã được người dân dùng điện thoại di động quay lại).
Bà Nguyễn Thị Đông, 56 tuổi ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền – người trực tiếp chứng kiến sự việc - kể lại: "Sau khi chửi bới, có những hành vi phản cảm, thanh niên này vào cabin và yêu cầu người thợ lái máy xúc lên khởi động, hướng dẫn cho người này cách lái máy. Sau đó cả 2 cùng ngồi trên cabin điều khiến chiếc máy xúc, một lát thì người thợ lái chính nhảy xuống còn người kia tiếp tục điều khiển chiếc máy xúc tiến về phía người dân.
Lúc đó, không khí vô cùng hỗn loạn, khi máy xúc đang tiến về phía trước thì bà Trâm bị ngã xuống đất nên chiếc máy xúc chèn vào.
Chúng tôi kêu gào thất thanh "kẹp chết người rồi" nhưng người lái máy xúc vẫn như không nghe thấy gì, phải một lúc sau anh ta mới nhảy ra khỏi xe, chạy ra phía đường quốc lộ. Chỉ tới khi người thợ chính lái máy xúc nhảy lên buồng lái điều khiển cho chiếc máy xúc lùi lại phía sau người dân mới kéo được bà Trâm ra và đưa đi cấp cứu trong sự bàng hoàng đến tột độ".
Hai tiếng đồng hồ sau khi xảy ra sự việc, clip máy xúc chèn qua người dân được đưa lên mạng xã hội và lan truyền chóng mặt. Ngay trong ngày, trả lời báo chí tất cả các cơ quan chức năng từ chính quyền xã Cẩm Điền, UBND, Công an huyện Cẩm Giàng đều phủ nhận việc người dân bị bánh xích xe máy xúc chèn qua người với một lập luận rằng: Nếu bị máy xúc chèn qua người thì không thể sống được. Một lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng còn khẳng định 100% clip trên là dàn dựng, cắt ghép.
Bà Lê Thị Trâm sống sót một cách hy hữu khi bị máy xúc chèn qua người khiến nhiều người nghi ngờ về độ trung thực của clip này. Trên một diễn đàn của giới báo chí có người còn đưa ra lập luận rằng đây là một vở kịch dàn dựng của người dân để đánh lừa công luận.
Chính quyền địa phương cho rằng clip này là dàn dựng. |
Tuy vậy, ý kiến trên gặp nhiều phản ứng gay gắt. Những câu hỏi đặt ra: Một người bình thường như bà Trâm có đủ “dũng cảm” lao đầu vào bánh xích xe máy xúc để “diễn”?
Ngày 10.7, trả lời câu hỏi của Lao Động về việc xác minh tính chân thực của clip Máy xúc chèn qua người dân đang lan truyền trên mạng xã hội, trung tá Nguyễn Trọng Hiển - Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng - cho biết: "Việc đánh giá sự chân thực của clip trên phải có cơ quan chuyên môn thẩm định”.
Tuy vậy, ngay sau đó ông Hiển lập tức khẳng định: “Không có chuyện người dân bị xe xích chèn qua”.
Hiện, vẫn có 2 luồng quan điểm khác nhau về vụ Clip xe máy xúc chèn qua người dân: Người dân khẳng định có sự việc đó, chính quyền cho rằng “không có chuyện đó”, “clip là người dân dàn dựng”.
Một cuộc điều tra nghiêm túc, xác minh tính chân thực của clip là việc các cơ quan chức năng nên làm.
Nếu clip trên là dàn dựng, giả mạo, những kẻ tung tin gây rối trật tự xã hội cần bị xử lý. Ngược lại, nếu clip trên là sự thật thì các cấp chính quyền sẽ có căn cứ để xử lý các đối tượng côn đồ, coi thường tính mạng người dân.
Theo thông tin từ người nhà bà Lê Thị Trâm thì bà Trâm sau quá trình cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương hiện đã được đưa lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục điều trị vết thương gãy xương quai hàm. Sau hơn 1 ngày hôn mê, hiện sức khỏe bà Trâm đã đỡ hơn, đã có thể trò chuyện được.
No comments:
Post a Comment