Tạp ghi Huy Phương
Thành ngữ “mồm loa mép giải” của Việt Nam có nghĩa là “to tiếng và lắm lời, nói át cả người khác.” Một định nghĩa khác gay gắt hơn là “lắm mồm, ngoa ngoắt, đanh đá, luôn lấn át người khác, bất chấp cả đúng hay sai!”
Thành ngữ này làm chúng ta nhớ đến cái loa.
Loa và cái mã tấu là hai dụng cụ đáng sợ nhất thời Việt Minh. Ở những vùng “xôi đậu,” nửa đêm nghe giọng nói oang oang qua chiếc loa giấy kết tội Việt gian là sáng ra, thế nào cũng thấy một xác người bị cắt họng hay mất đầu nằm ngoài ngõ. Ba mươi năm từ mã tấu đến AK, rồi tên lửa, cái loa cũng thay hình đổi dạng, từ thời thô sơ làm bằng giấy bồi đến thời hiện đại, loa sắt có đường kính 1.7 m, có công suất từ 500w đến 600w do Liên Xô và Trung Cộng viện trợ.
Trong một bài trước, chúng tôi khi viết bài cái cột đèn có nhắc tới một vật gắn liền, đè đầu cưỡi cổ cái cột đèn, làm khổ lỗ tai, nhức đầu thiên hạ là cái loa.
Nói về loa, tài liệu trong nước cho biết loa thường gắn thành cụm (chùm), mỗi cụm thường có hai đến ba loa, các cụm loa đặt cách nhau từ 400 đến 600 mét.
Mỗi xã có từ 12 đến 20 cụm loa, ở các huyện thị trên toàn quốc có trung bình từ 300 đến 400 loa. Cả nước có 698 huyện, nên tổng số loa trong cả nước là 279,000 cái.
Theo tài liệu của Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn nêu ra, thì trong cả nước Việt Nam hiện nay có 900,000 cái loa (http://press.anu.edu.au/wp-content/uploads/2013/11/Vietnam.pdf.) Hệ thống loa tiếp cận dân số hơn 58 triệu người (chiếm 67.1% dân số Việt Nam). Như vậy cứ hai người dân xã hội chủ nghĩa thì có hơn một người phải chịu cảnh đày đọa tra tấn của cái loa phóng thanh mỗi ngày.
Con số loa nêu ở trên còn ít ỏi nếu so với loa thời nay. Xã Tả Phời, thuộc thành phố Lào Cai, theo quy định của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, toàn phố đã lắp đặt 380 cụm loa, với tổng số 900 loa công cộng, chuyển âm thanh từ 85% 2010 lên 90% năm 2014, 100% (theo Nghị Quyết Đại Hội Chi Bộ 2010-2015). Loa trong XHCN không những sắp đặt san sát, mà năng suất của loa càng ngày càng lớn đủ sức làm cho người dân chảy máu tai.
Thời gian trước năm 1975, ở bờ Bắc Bến Hải, Cộng Sản Bắc Việt đã lắp đặt những chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1.7m và bổ sung thêm 20 loa loại 50W, bốn loa loại 250W của Liên Xô.
Bắc Việt lấy lý do “đài địch” ở bờ Nam, Tháng Tám, 1963, quyết định xây dựng một mạng lưới loa dày đặc dọc theo tuyến bờ bắc sông Bến Hải. Bốn cụm loa 500W được mọc lên (mỗi cụm gồm 20 loa nén loại 25w), thêm ba cụm loa cực mạnh ở Hiền Lương, mỗi cụm loa 1,000w gồm 40 loa loại 25w. Tại mỗi cụm, loa được gắn vào một dàn sắt kiên cố hình chữ nhật đứng trên hai trụ bê tông cốt thép cao 11 m, hướng miệng loa sang bờ Nam. Họ khoe là mỗi lần hệ thống loa cất lên “giống như sấm rền, làm cả một vùng sông nước cứ sôi lên ùng ục!” Như vậy chưa đủ, Bắc Việt xây thêm trạm tiếp âm lớn đặt ở ngã ba Hiền Lương với hai máy khuếch âm 10,000W. Vĩnh Linh còn có một xe lưu động có máy nổ riêng, gắn loa 180W và loa đại có công suất 500W do Trung Cộng sản xuất.
Hệ thống loa là để tuyên truyền nhắm về phía Nam, nhưng ai nghe?
Truyền thông miền Bắc nói rằng “đêm đêm, nhân dân bờ Nam ngóng về phương Bắc, lặng lẽ lấy ảnh Bác Hồ được cất giấu kỹ ra xem và cầu mong lực lượng vũ trang miền Bắc tấn công tiêu diệt hết lũ xâm lược...” hay “những ngày lễ tết, đoàn văn công trung ương từ miền Bắc vào thường ghép thuyền, dựng sân khấu bên mép sông để biểu diễn cho nhân dân xem, người dân mà cả lính miền Nam cũng đổ ra bờ sông để ngóng vọng sang thưởng thức. Nội dung tin, bài rất phong phú, đa dạng... hấp dẫn đến mức cảnh sát bờ Nam đến giờ đài Vĩnh Linh phát sóng là lẳng lặng bấm nhau trốn ra nơi vắng để nghe,” và “một số cảnh sát ngụy háo hức đứng xem văn nghệ,” và “nghe tiếng loa vang lên, mặc dù bị lính ngụy ngăn cản, đồng bào bờ Nam vẫn đổ xô đứng dọc bờ sông Bến Hải hoan hô, reo hò: ‘Bà con ơi, o Nhạn, eng Tích chưa chết. Đài Vĩnh Linh còn. Quốc gia nói láo!’”
Thậm chí “lợi dụng lúc pháo sáng của ta bắn sang, bà con các xã ven sông như Trung Sơn, Xuân Mỹ, Bạch Lộc... hô nhau chạy ùa ra sông, lội bộ sang bờ Bắc” ... “một số binh lính ngụy ngồi trên một xe quân sự chạy thẳng qua cầu Hiền Lương để cố vượt sang phía ta, song chiếc ô tô bị cảnh sát ngụy bắn thủng lốp và tất cả xuống xe chạy bộ, đều bị chúng bắt lại, tống vào nhà tù...”
Đúng là miệng lưỡi XHCN: “Xạo Hết Chỗ Nói!”
Những ai đã từng đi du lịch Dubai, Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, một xứ theo Hồi Giáo, dù ở đâu, trong khách sạn sang trọng hay ngoài đường phố, mỗi ngày ba lần, đều phải chịu cảnh tra tấn bằng cách phải nghe kinh Koran qua những chiếc loa mà công suất không kém loa Hà Nội.
Trong một bài viết về cái loa, Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc đã phát biểu, “Tôi nghĩ cái loa phường ở Việt Nam cũng là một loại nghi thức tôn giáo, nhưng chỉ có khác là nó rè và cũ mèm hơn cái loa bên Saudi Arabia.”
Du khách đến Hà Nội cũng phải chịu cảnh tra tấn tương tự bằng những chiếc loa chõ mồm vào cửa sổ khách sạn, oang oang vào lúc 5 giờ sáng, và những du khách đã đi nhiều nơi, ngạc nhiên vì họ đã gặp loại tuyên truyền này “ở Moscow năm 1956 thì nay nó xuất hiện (hay tồn tại) ở một quốc gia Đông Nam Á vào năm 2014.”
Người ta không hiểu vì sao trong một thời đại văn minh như hiện nay, Việt Nam còn cần đến cái loa sắt kiểu này? Một cái loa không đem lại kiến thức gì cho con người mà chỉ nhồi nhét vào tai của người dân, theo ký giả Michael Totten, một ký giả người Mỹ thường viết về Việt Nam, “những loại ‘rác rưởi’ (bullshit) bất kể người dân có thích hay không!”
Nếu nay mai, chế độ Cộng Sản tàn mạt trên đất nước Việt Nam, thì thể chế mới, xin làm ơn dẹp hết 900,000 cái loa, đem bán ve chai, vì quả cái loa, nó là một điều gì ám ảnh, một ám ảnh khôn nguôi về cái bóng ma Cộng Sản, từ thời Việt Minh cho đến hôm nay.
No comments:
Post a Comment