Sunday, March 15, 2015

Ni cô Tây tạng tố cáo nạn tra tấn trong nhà tù Trung Quốc

Theo RFI-Tú Anh
Ngày 15-03-2015 16:56
media
Biểu tình ủng hộ Tây Tạng tại Đài Bắc ngày 08/03/2015.Reuters

Ngày 14/03/2015, tại Paris, cùng với thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay, hơn 3000 người xuống đường tưởng niệm của nổi dậy bất thành của Tây Tạng chống Trung Quốc xâm lược. Trong số những người biểu tình, có một vị ni cô, bị cầm tù 12 năm, nay đã trở về đời sống thế tục. AFP dành cho cô một bài phỏng vấn dài về tình trạng tra tấn trong nhà tù Trung Quốc

Gyaltsen Drolkar, 45 tuổi, từ Vương quốc Bỉ đến Paris, cùng đi biểu tình với hơn 3000 người, nhân ngày tưởng niệm cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Tạng năm 1959 chống Trung Quốc chiếm đóng.

Từ đó đến nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong, còn chính quyền Bắc Kinh bị tố cáo chà đạp tự do tôn giáo, phá hủy văn hóa và ngăn cấm ngôn ngữ Tây Tạng.

Khoác lá cờ Tây Tạng trên vai, biểu tình gần chân tháp Eiffel, ngày 14.03, Gyaltsen Drolkar kể lại, dù được tự do và sống tại Tây phương, trong lòng và trên thân thể bà, những vết thương vẫn còn in đậm.

Năm 1990, khi còn là vị ni cô trẻ tuổi, Gyaltsen Drolkar bị công an Trung Quốc bắt giam vì tham gia một cuộc phản kháng bất bạo động, đòi Bắc Kinh phải tái lập quyền tự do tôn giáo và văn hóa.

Ni cô của tu viện Garu, ở phía bắc thủ phủ Lhassa, bị kết án 4 năm tù với tội danh « ly khai » và bị giam chung với nhiều ni cô khác. Năm 1993, các ni cô này đã mượn được một máy ghi âm và thu một số bài hát vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma và tố cáo tình trạng tồi tệ trong nhà tù.

Khi công an Trung Quốc phát hiện vụ việc, các ni cô bị kéo dài thời gian giam giữ. Gyaltsen Drolkar lãnh thêm 8 năm tù. Ni cô bị tra tấn « bằng mọi hình thức, kể cả bằng điện ». Khi tù nhân bất tỉnh, công an chờ tỉnh dậy để tra tấn tiếp. Quản giáo còn xua cả chó dữ cắn tù nhân.

Mãn hạn tù năm 2002, Gyaltsen Drolkar đi đường bộ trốn sang Nepal lánh nạn, vì không thể sống tại Tây tạng với lý lịch tu sĩ tù nhân chính trị . Hiện nay, bà định cư tại Anvers, Bỉ.

Trong cuộc biểu tình hôm qua, đông đảo người Tây Tạng, cùng với thân hữu từ nhiều quốc gia châu Âu đã đổ về Paris. Họ mang theo biểu ngữ « Tây Tạng sẽ Tự Do » và « Hãy chấm dứt chính sách tiêu diệt văn hóa ».

No comments:

Post a Comment