Tuesday, January 20, 2015

Phát triển bền vững sông Mekong và sự can dự của Trung Quốc

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-01-20
TTg-du-hoi-nghi-GMS-2-622.jpg
Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Sông Mekong tại thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 20/12/2014.Courtesy chinhphu.vn

Một tháng trước đây, tại thủ đô Bangkok- Thái Lan, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Sông Mekong lần thứ năm đã diễn ra. Thủ tướng các nước tham dự ra Tuyên bố chung với cam kết phát triển bền vững bao trùm khu vực Tiểu vùng Sông Mekong.
Tuyên bố mới có gì đáng lưu ý và những chương trình lớn liên quan khu vực như thế có thể góp phần giải quyết các tác động bất lợi trong nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường sống cho dân chúng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và dọc sông Mê kong hay không?

Tuyên bố chung mới

Tuyên bố chung do sáu quốc gia thuộc cơ chế Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng , viết theo tiếng Anh là Greater Mekong Subregion- GMS, gồm Việt Nam, Kampuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc được đưa ra sau hai ngày họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến các thử thách mà những quốc gia trong GMS phải đối đầu. Đây là điều mà tôi không thấy thủ tướng nước nào trong GMS đưa ra hết. Đây có thể là kinh nghiệm riêng của Việt Nam trong bang giao kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua.
-TS Huỳnh Long Vân
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai- Cửu Long Úc châu, người lâu nay quan tâm đến tình hình dòng sông Cửu Long chảy qua sáu nước có nhận định về một số điểm đáng chú ý của Tuyên bố chung mà 6 nước đưa ra vào ngày 20 tháng 12 vừa qua như sau:
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến các thử thách mà những quốc gia trong GMS phải đối đầu. Đây là điều mà tôi không thấy thủ tướng nước nào trong GMS đưa ra hết. Đây có thể là kinh nghiệm riêng của Việt Nam trong bang giao kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nêu ra những thách thức mà GMS gặp phải, trước hết là khoảng cách phát triển giữa các nước. Trong nhóm này thì Trung Quốc đứng hàng đầu rồi đến Thái Lan. Còn bốn nước Việt Nam, Kampuchia, Lào, Miến Điện phát triển còn thấp nên khoảng cách này tạo ra bất lợi cho bốn quốc gia này.
Tiếp đến ông nói đến sự hội nhập quốc tế. Bốn quốc gia này vào năm 2015 sẽ gia nhập vào khu vực kinh tế của cộng đồng Đông Nam Á. Khu vực này có 10 quốc gia, sáu quốc gia kia đã vào cộng đồng kinh tế Đông nam Á từ năm 2010 rồi, còn bốn nước Việt Nam, Lào, Kampuchia, Miến Điện vì tình trạng kinh tế phát triển quốc gia chậm nên đến năm 2015 mới vào.
Đó là một thách thức rất quan trọng vì trình độ phát triển công nghệ của những xứ này còn thấp; do đó khi vào trong cộng đồng kinh tế này thì phải chấp nhận những hiệp định về thương mại mậu dịch tự do. Nếu như hàng xuất cảng của những xứ này mà ở mức độ thấp không có giá trị thì những mặt hàng của các quốc gia khác sẽ tràn ngập làm cho mất thị trường nội địa.

TTg-NTD-phat-bieu-2-400.jpg
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Sông Mekong ở thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 20/12/2014. Courtesy chinhphu.vn
Một vấn đề mà ông Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến nữa là tình hình biến đổi khí hậu. Đây là một vấn đề rất quan trọng làm sao phải có kế hoạch quản lý bền vững nguồn nước sông Me kong. Thực tế đây là một thách thức rất quan trọng. Nếu sử dụng tài nguyên sông Me kong để giúp phát triển cho toàn bộ khu vực tiểu vùng Me kong mở rộng mà gây ảnh hưởng cho cuộc sống người dân dọc theo sông Me kong, nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thì đi ngược lại chính sách phát triển toàn bộ vùng sông Me kong mở rộng. Lý do vì chính dòng sông Me Kong được xem như là một hành lang kinh tế thiên nhiên đã có từ thời tạo thiên lập địa đến bây giờ, nối liền sáu quốc gia này, và đồng thời nguồn tài nguyên của Sông Me kong tạo nên cuộc sống của người dân trong lưu vực. Do đó không có lý do gì mình có thể dùng tài nguyên của Sông Mê kong- một hành lang kinh tế thiên nhiên rồi để phát triển những hành lanh kinh tế khác mà hủy hoại đến cuộc sống của những người sống tại Đồng bằng Sông Cửu Long hay dọc sông Mê kong là đi ngược lại chủ trương của GMS.

Can dự của Trung Quốc

Tại kỳ hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu Vùng Mekong mở rộng vừa qua, Trung Quốc thông báo cung cấp 3 tỷ đô la tín dụng cho 5 nước Đông Nam Á với mục đích giúp cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, nâng cao sản xuất và xóa đói giảm nghèo.
Sự tham gia của Trung Quốc tại khu vực tiểu vùng sông Mê kong mang lại những lợi ích và những bất lợi gì cho khu vực cũng được tiến sĩ Huỳnh Long Vân nhận định như sau:
“Trung Quốc chỗ nào có lợi thì tham dự, chỗ nào không thì không tham dự. Điều đó rất rõ ràng. Đơn cử trường hợp Ủy hội Sông Mê kong: sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt Ủy ban Sông Mê kong bị giải tán; sau đó lập Ủy ban Sông Mê kong tạm thời. Sau đó Kampuchia trở lại thì thành lập Ủy hội Sông Mê kong. Khi thành lập, bốn quốc gia của ủy hội mời Trung Quốc vào nhưng Trung Quốc từ chối. Lý do vì Trung Quốc xây những đập thủy điện trên thượng nguồn gây tác động bất lợi cho vùng hạ lưu. Nếu mời vào thì phải chịu trách nhiệm về những tác động tiêu cực do những đập mà Trung Quốc gây ra.
Đối với tiểu vùng sông Mê kong mở rộng, Trung Quốc có lợi gì? Trung Quốc có lợi về kinh tế, xã hội, chiến lược. Nói là Trung Quốc nhưng chỉ có hai tỉnh của Trung Quốc tham gia chiến lược phát triển GMS mà thôi, đó là Vân Nam và Quảng Tây. Hai tỉnh này nằm trong góc kẹt của Trung Quốc và kinh tế không phát triển bằng các tỉnh ở miền đông, ven biển. Do đó dân chúng ở Vân Nam, Quảng Tây hay đi ra miền đông để kiếm công ăn việc làm. Đồng thời tại vùng Vân Nam, Quảng Tây có rất nhiều đồng bào sắc tộc và cuộc sống của họ cũng cách biệt với người Hoa- người Hán. Do đó để tránh tình trạng người dân ở Vân Nam, Quảng Tây bỏ xứ ra đi, tránh tình trạng bất ổn xã hội, trong kế hoạch phát triển toàn quốc, Trung Quốc có kế hoạch phát triển Vân Nam và Quảng Tây. Họ muốn lợi dụng tài nguyên của khu vực để phát triển hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Ngoài ra họ cũng muốn dùng Vân Nam như đầu cầu thương mại nối liền phía nam của Trung Quốc với nội địa vùng Đông Nam Á, Nam Á và biển Ấn Độ nữa. Khi thiết lập được đường thương mại trong nội địa này thì họ không phải đi qua đường hàng hải ở Biển Đông và eo Malacca. Thêm nữa, Trung Quốc đã đồng ý với Miến Điện xây đường ống dẫn dầu từ Vịnh Bengal về Trung Quốc. Điều này có hai mối lợi cho Trung Quốc: nơi đó có thể tiếp nhận dầu từ các tàu của những xứ Bắc Phi, hay Trung Đông; không đi qua Biển Đông thì thời gian sẽ ngắn hơn, kinh phí nhẹ hơn. Đồng thời, về mặt chiến lược nếu có xảy ra chiến tranh, Eo biển Malacca bị ngăn lại thì việc tiếp tế năng lượng cho Trung Quốc sẽ không bị gián đoạn.
Đối với tiểu vùng sông Mê kong mở rộng, Trung Quốc có lợi gì? Trung Quốc có lợi về kinh tế, xã hội, chiến lược. Nói là Trung Quốc nhưng chỉ có hai tỉnh của Trung Quốc tham gia chiến lược phát triển GMS mà thôi, đó là Vân Nam và Quảng Tây.
-TS Huỳnh Long Vân
Còn những điều hại cho những quốc gia mà có nền kinh tế phát triển kém so với Trung Quốc thì sao?
Trung Quốc lúc nào cũng nói việc giao thương, đầu tư của Trung Quốc với nước khác bao giờ cũng tạo ra kết quả tốt đẹp, hai bên đều thắng lợi win-win; nhưng thực sự không phải như thế! Có thể lấy điển hình của Việt Nam: giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng tăng nhưng cán cân thâm thủng cũng càng ngày càng tăng nghiêng về phía Việt Nam. Tính đến cuối năm 2015 này, thì thâm thủng ngoại thương của Việt Nam với Trung Quốc sẽ bằng 15% GDP của Việt Nam. Đó là điều đáng lo ngại. Hiện nay Việt Nam có chính sách ngoại thương đa phương cân bằng điều đó. Nhưng đối với Lào, Kampuchia, Miến Điện có làm được như Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc hay không? Nếu các nước Lào, Kampuchia và Miến Điện; nhất là hai nước Lào và Kampuchia càng ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thì sẽ càng bị lệ thuộc về chính trị. Khi hai quốc gia Kampuchia và Lào lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc thì sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.”
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân cũng có một số so sánh với Sáng Kiến Hạ lưu Sông Mê Kong LMI mà Hoa Kỳ giúp cho vùng này:
“Kế hoạch phát triển tiểu vùng sông Mê kong mở rộng do Ngân hàng Phát triển Á châu đề ra năm 1992, đến nay đã hơn 30 năm rồi. Mà sau 20 năm mới có kế hoạch thực sự phát triển GMS. Còn Sáng kiến Hạ Lưu Sông Mê kong do bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng đưa ra và được Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận. Sáng kiến này chỉ mới thực hiện từ năm 2005 đến nay mới được 10 năm mà thôi.
Ngoài ra mục đích của hai chương trình này khác nhau. Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê kong không có mục đích đầu tư nguồn vốn thật lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích kinh tế. Mà Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê kong chủ yếu sử dụng các chương trình về giáo dục về khoa học, kỹ thuật để mà  nối kết các quốc gia này lại hơn là sử dụng những đường bộ hay đường sắt để nối kết những quốc gia này lại. Mục đích của Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê kong là làm sao nâng cao kỹ năng, nguồn nhân lực của các quốc gia đặc biệt là Việt Nam, Kampuchia, Lào và Miến Điện. Khi nâng cao được khả năng, thì những quốc gia đó tự đứng ra đối phó với những thách thức trong phát triển và trong hội nhập quốc tế. Với mục đích như thế nên ngân khoản của Sáng Kiến Hạ lưu Sông Mê kong so với chương trình phát triển GMS không có ý nghĩa gì cả. Nguồn vốn để phát triển Tiểu vùng Sông Mê kong mở rộng là 51 tỷ; trong khi gần 10 năm nay, số tiền mà Hoa Kỳ hỗ trợ cho chương trình Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê kong mới chỉ chừng 150 triệu đô la. Và trong 5 năm tới, sau hội nghị lần thứ bảy tại Miến Điện vừa qua, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ chương trình này với ngân khoản 50 triệu mà thôi.
Nếu so sánh về ngân khoản thì Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê kong không ‘match’ với chương trình phát triển Tiểu vùng Sông Mê kong mở rộng. Tuy nhiên nói như thế không phải Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê kong không có ích lợi gì cho tiểu vùng sông Mê kong đâu. Thực sự nó rất ích lợi.
Nếu chúng ta nhìn lại những gì ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra trong kỳ Hội nghị Thượng đỉnh thứ năm này thì chúng ta thấy trong thời gian qua và trong năm năm tới Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê kong người ta làm được việc kết nối, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên viên Hoa Kỳ và các tổ chức tư nhân Hoa Kỳ với những cơ quan, giới chức và người dân trong lưu vực để trước hết nhằm phát huy khả năng về giao thương, buôn bán của họ, tinh thần kinh doanh của họ cũng như phát huy sáng kiến của họ để có thể nâng cao trình độ của những quốc gia kém phát triển. Chuẩn bị cho bốn quốc gia Lào, Kampuchia, Việt Nam, Miến Điện hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Đây là một kế hoạch rất thiết thực.”
Vào ngày 15 tháng giêng vừa qua, tại thủ đô Hà Nội Ủy hội Sông Mekong Quốc tế tiến hành phiên họp lần thứ 21. Trong phiên khai mạc, bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Việt Nam, Nguyễn Minh Quang, nhận chức chủ tịch Hội đồng Ủy hội Mekong Quốc tế từ Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Thái Lan, Dapong Ratanasuwan.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment