Khi bình luận trên tờ The National hôm 15/1, Joshua Kurrlantzick, thành viên cấp cao phụ trách khu vực Đông Nam Á trong Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng, đối đầu giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có thể tạo ra chiến tranh ở châu Á...
...Và khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam dù diện tích nhỏ bé, nhưng đang là trung tâm của một cuộc tranh chấp quốc tế và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh ở châu Á trong tương lai.
Cũng trong ngày 15/1, khi thăm Học viện đào tạo sĩ quan quân đội ở Fort Bliss, phía tây bang Texas, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã yêu cầu quân đội Mỹ phải sẵn sàng cho những thách thức có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Ông chủ Lầu Năm Góc cảnh báo, thế giới đang bước vào giai đoạn định hình lại với những sự chia rẽ trật tự chưa từng diễn ra kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tuyên bố kể trên của ông Chuck Hagel diễn ra trong bối cảnh Mỹ phải đóng cửa 15 căn cứ quân sự ở châu Âu vì ngân sách bị cắt giảm. Trước đó (8/1), trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Derek Chollet cho biết, 15 căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu sẽ đóng cửa và việc này tiết kiệm cho Washington khoảng 500 triệu USD/năm. Quyết định đóng cửa căn cứ quân sự và điều chỉnh quân lực của Lầu Năm Góc được công bố sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ đứng trước sức ép: Trong một thập niên tới, ngân sách quân sự của Mỹ sẽ giảm khoảng 1.000 tỉ USD.
Giới phân tích cho rằng, chính sách “xoay trục” của Mỹ bị nhiều nước châu Á coi là khẩu hiệu suông bởi tuy đưa ra những cam kết thúc thúc đẩy hỗ trợ cho khu vực này, nhưng theo báo cáo mới đây của Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ - Washington chỉ chi 4% tổng số tiền viện trợ nước ngoài của mình cho Đông Nam Á. Và mặc dù Mỹ hứa sẽ chuyển 60% số tàu chiến, máy bay đến Thái Bình Dương vào cuối thập niên này, nhưng một số quan chức Đông Nam Á lại cảm nhận rõ rệt về sự suy giảm di chuyển của hải quân Mỹ vào khu vực này.
Máy bay chiến đấu J-10B
Cùng ngày 15/1, tờ South China Morning Post dẫn lời học giả Trung Quốc Diêm Học Đông, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế đương đại thuộc Trường đại học Thanh Hoa cho rằng, tầm nhìn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về mô hình mới trong quan hệ nước lớn Trung - Mỹ đã được chứng minh là quá nhiều tham vọng và không thực tế.
Bởi lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình cách đây gần 2 năm (tại Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Barack Obama ở California, Mỹ tháng 6/2013) về việc cùng xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên 3 nội dung: Không có xung đột hay đối đầu, tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau và thúc đẩy các mối quan tâm, hợp tác cùng có lợi, đều không được thực hiện.
Nhận định của ông Diêm Học Đông được nhà nghiên cứu độc lập đến từ Trung tâm Australia Benjamin Herscovitch tán đồng khi cho rằng, mô hình mới trong quan hệ nước lớn Trung - Mỹ không hoàn toàn khả thi và lỗi thuộc về 2 phía. Trong khi đó, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường đại học Deakin Chengxin Pan lại cho rằng, thuật ngữ "kiểu mới" mà Bắc Kinh đưa ra có thể là sai lầm vì nó ngụ ý rằng, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh phải trở nên khác hoàn toàn so với những gì đã diễn ra trong quá khứ.
Giới bình luận cho rằng, dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông, Bắc Kinh công khai tuyên bố muốn trở thành một thế lực thống trị châu Á và Trung Quốc đang theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng thừa nhận, mặc dù hợp tác kinh tế, thương mại Nhật - Trung vẫn tăng trưởng, nhưng 2 nước đang ở trong "tình huống tương tự" như Anh và Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Ngày 13/1, trang mạng Sputnik (Nga) dẫn bình luận của Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Nga Yevseyev về việc Thủ tướng Shinzo Abe muốn phát triển hệ thống vệ tinh thông tin quân sự: Nhật Bản không thể giám sát được tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc từ vũ trụ, trong khi Bắc Kinh chế tạo vũ khí chống vệ tinh chỉ tạo cớ để Tokyo sử dụng chương trình hàng không vũ trụ cho mục đích quân sự.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật
Theo Tân Hoa xã, ngày 16/1 tại cảng Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mới Hoàng Cương với số hiệu 577. Đây là một trong những tàu chiến thế hệ mới của hải quân Trung Quốc với khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, được trang bị các hệ thống phòng không và có thể độc lập tấn công tàu chiến và tàu ngầm.
Cùng ngày 16/1, Đài Truyền hình CCTV Trung Quốc đưa tin, tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới Hoàng Cương được biên chế cho Hạm đội Đông Hải. Cũng trong ngày 16/1, Đài Phượng Hoàng (Hongkong) cho biết, tàu trinh sát điện tử của Trung Quốc xuất hiện khá thường xuyên tại một số khu vực nhạy cảm.
Vì được cho là tướng thuộc phe "diều hâu" tại Trung Quốc và thường xuyên có những phát ngôn "hiếu chiến" nên phát biểu vừa qua của Thiếu tướng quân đội đã nghỉ hưu La Viện bàn về vấn đề tham nhũng trong quân đội Trung Quốc (được tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời) lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận bởi cho rằng: “Không mấy nước đánh thắng được Trung Quốc”. Giới quân sự nhận định, sau khi thực hiện 2 chủ trương trong nỗ lực lấn chiếm và thiết lập sự kiểm soát Biển Đông trong năm 2014, sang năm 2015, Trung Quốc sẽ nỗ lực kiểm soát trên thực tế tại khu vực này.
Ngày 17/1, tin tặc đã xâm nhập tài khoản mạng xã hội Twitter của tờ The New York Post và Hãng tin UPI và tung tin giả, theo đó tàu sân bay USS George Washington đã bị bắn hỏng trong khi hải quân Mỹ đang tác chiến chống lại các tàu thuyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Thế chiến 3 vừa bắt đầu.
Tờ USA Today dẫn lời Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định, Hải quân Mỹ không nhận bất kỳ báo cáo nào về việc tàu USS George Washington bị bắn và hiện nó vẫn an toàn.
|
Thứ Tư, 21/01/2015 - 09:33
Theo Tuấn Quỳnh
PetroTimes
No comments:
Post a Comment