Tuesday, January 13, 2015

Đối phó Trung Quốc, Nhật tái vũ trang, tăng chi tiêu quốc phòng

Nhat tang chi tieu quoc phong

Nhật rất cứng rắn vấn đề tranh chấp ở Senkaku

Thế giới biết đến sự kiên cường của người Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai, khi nước này đứng trước áp lực từ sự bao vây của các nước phương Tây. Và giờ đây, người Nhật lại có lý do để thể hiện sự cứng rắn của mình một lần nữa, trước mối đe dọa đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng.

Theo báo cáo mới nhất, ngân sách cho quốc phòng Nhật Bản trong năm 2015 tiếp tục tăng, lên tới gần 5.000 tỷ Yen, tương đương 42 tỷ USD, so với mức chi tiêu cho quốc phòng năm 2014 của nước này là 4.800 tỷ Yen, sẽ được chấp thuận bởi nội các và quốc hội Nhật Bản vào thứ Tư ngày 14.1. 
Theo đó, một phần lớn trong số đó được dành cho nỗ lực tái vũ trang quân đội Nhật và thiết lập các phương án bảo vệ các đảo thuộc khu vực tranh chấp với Trung Quốc, bao gồm kinh phí cho 20 máy bay tuần tra P-1 và 6 máy bay chiến đấu F-35.
Chi tiêu quốc phòng Nhật Bản tăng theo chiều hướng đi lên mạnh mẽ của ngân sách chính phủ trong năm tài khóa 2015. Theo đó, chính phủ cùng với liên minh cầm quyền đã thông qua mức ngân sách cho năm 2015 lên tới 96.340 ngàn tỷ Yen, tương đương 814 tỷ USD, mức ngân sách cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. 
Đối với một số chuyên gia thận trọng, việc gia tăng mạnh ngân sách chính phủ và chi tiêu quốc phòng như hiện tại sẽ là một sự liều lĩnh khi mà giới phân tích đang cảnh báo về số nợ công của Nhật Bản đã lên tới 245% GDP, nhưng ở một chiều hướng khác, đây lại được xem là một sự kiên quyết cần thiết trong nỗ lực đưa Nhật Bản trở lại vị trí một cường quốc kinh tế và quân sự, nhất là khi Nhật Bản đã không có đường lùi.
Trên thực tế, không có thành tựu lớn lao nào đạt được mà không phải trải qua sự mạo hiểm, và người Nhật đang ở trong tình thế hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Việc Trung Quốc bắt đầu có những động thái tranh chấp ở khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư sau nhiều năm im hơi lặng tiếng đã cho thấy một xu thế mới, trong đó Trung Quốc với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của mình bắt đầu mở rộng ảnh hưởng sang các nước láng giềng. 
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đạt tới đỉnh cao của chu kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong khi Nhật Bản đang bị rơi vào đợt giảm phát dài nhất trong lịch sử khiến kinh tế suy trầm trọng  hai thập kỷ qua, người Nhật rõ ràng đang không ở trong một tình thế thuận lợi.
Vì thế, tái cơ cấu nền kinh tế, đưa kinh tế Nhật Bản khởi sắc trở lại và đồng thời đẩy tiềm lực quốc phòng lên cao là điều mà nước Nhật buộc phải làm, dù chính đảng nào cầm quyền chăng nữa.
 Không khó hiểu khi thủ tướng Shinzo Abe và đảng LDP của ông chiến thắng với tỷ lệ áp đảo trong hai cuộc bầu cử trong vòng vài năm trở lại đây, khi tầm nhìn và chiến lược cải cách nền kinh tế của ông Abe được cho là phù hợp nhất với thách thức mà Nhật Bản đang phải đối mặt.
Việc tăng mạnh ngân sách chính phủ và chi tiêu quốc phòng trong năm 2015 của nội các thủ tướng Abe vì thế đang nhận được sự ủng hộ lớn từ phía các chuyên gia và người dân Nhật, dù ai cũng hiểu nguy cơ đến từ lượng nợ công khổng lồ đang ngày càng đè nặng trên vai nước Nhật. 
Nếu các chính sách cải cách kinh tế của ông Abe thành công, không nghi ngờ gì việc Nhật Bản sẽ quay trở lại vị trí một cường quốc kinh tế và quân sự trong khu vực và trên thế giới, đồng nghĩa với việc áp lực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Người Nhật sẽ trở nên cứng rắn hơn bao giờ hết, khi họ hiểu sự cứng rắn ấy là cần thiết.
Và thực tế là những động thái đang diễn ra ở Nhật được giới phân tích đánh giá cao hơn những gì đang diễn ra tương tự ở Trung Quốc khá nhiều. Trung Quốc cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn cần phải cải tổ nền kinh tế sau ba mươi năm phát triển nóng, nhưng những chính sách cải tổ mà Bắc Kinh đưa ra đang tạo ra sự thất vọng của không chỉ giới phân tích thế giới mà còn với ngay cả người dân trong nước.
Việc đưa ra các giải pháp một chiều, thiếu đồng bộ và quá thiên về đầu tư theo lối mòn phát triển cũ đang tạo nên sự bất mãn lớn, khi người hưởng lợi từ các giải pháp này là các tập đoàn tài phiệt của Trung Quốc chứ không phải nền kinh tế nước này. 
Đồng thời khoản ngân sách quá lớn, lên tới 1,1 ngàn tỷ USD của gói giải pháp này, đang khiến nhiều chuyên gia e ngại sẽ khiến Trung Quốc sẽ phải trải qua một thời gian dài lãng phí khi đã bỏ qua cơ hội tốt nhất để cải cách nền kinh tế, như những gì người Nhật đang làm.
Khoản ngân sách quốc phòng trị giá 42 tỷ USD của Nhật Bản cũng được đánh giá là tạo áp lực lớn cho quốc phòng Trung Quốc. Chi phí quốc phòng của Nhật chỉ bằng 1/3 ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, nhưng hầu hết đều khá nhất quán trong việc tăng cường sức mạnh hải quân và không quân ở khu vực biển Hoa Đông khi Nhật Bản chỉ có Trung Quốc là mối thách thức duy nhất. 
Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với quá nhiều thách thức từ nhiều nước ở mọi hướng và phải phân tán chi tiêu quốc phòng. Đó là lý do dù chi phí quốc phòng Nhật chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, nhưng hạm đội và khả năng tác chiến của Nhật ở biển Hoa Đông vẫn được đánh giá cao hơn Trung Quốc khá nhiều.
  
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

No comments:

Post a Comment