34 phút trước
Bỏ phiếu là dân chủ nhưng lại thiếu phần công khai kết quả nhanh chóng
Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 10 vừa kết thúc ở Hà Nội đã thu hút sự chú ý cao của dư luận.
Một phần vì kết quả bỏ phiếu ‘tín nhiệm’ lần này lại không được hoặc chưa được công bố ngay đã khiến cả nước cứ phải đi hỏi nhau.
Từ một dấu hiệu của dân chủ trong Đảng, việc giữ kín kết quả bỏ phiếu lại biến thành lằn ranh phân biệt rõ 200 trung ương ủy viên với hơn ba triệu đồng chí của họ và với hàng triệu người dân quan tâm.
Nhìn từ bên ngoài, việc chậm trễ trong công tác thông tin này cũng không hẳn đã là hay, vì các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư đều có quyền được biết ‘bảng xếp hạng’ uy tín nội bộ của các gương mặt lãnh đạo Việt Nam ra sao.
Giới trẻ Việt Nam quen xem kết quả bóng đá ‘live’ trên màn hình từng giây mà có quan tâm đến Hội nghị Trung ương 10 sẽ có cảm giác mất vui vì ở diễn đàn đóng kín này kết quả được ‘phát chậm’ bằng ngày.
Sự hào hứng chờ đón Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016 chắc hẳn cũng vì chuyện này mà bị ảnh hưởng.
Phù hợp kỳ vọng
Tuy thế, còn hơn một năm nữa mới đến kỳ Đại hội Đảng khóa sau nên đây cũng là dịp cần bàn về cách họp xem sao cho hiệu quả và hiện đại, ngày càng phù hợp với sự vận hành nhanh gọn của nền kinh tế toàn cầu, của nhịp sống ngày một mới, một trẻ của xã hội Việt Nam.
Như Giáo sư Carl Thayer, một người bạn thân thiết của Việt Nam nhận xét vừa qua khi nói về các kỳ họp của Đảng Cộng sản:
“Cứ năm năm một lần Việt Nam lại lặp lại vấn đề là Đảng không có đủ nhân sự tài năng, cả nam lẫn nữ, để điền vào cho các ghế mới.”
Điều này sinh ra các đồn đoán không cần thiết vì dù kỳ họp trung ương này chưa phải đã là cuối cùng để ngã ngũ về nhân sự và chính sách cho kỳ Đại hội dự kiến tới tận 2016 mới họp.
Mà ‘đơn đặt hàng’ của toàn Đảng và của nhân dân cũng như dư luận quốc tế cho các kỳ họp này thì đã quá rõ:
Việt Nam cần những lãnh đạo có sức khoẻ, có tài, có tâm và có tầm để gánh vác việc nước trong một bối cảnh trong ngoài chuyển biến nhanh, nhiều thách thức.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa nói rằng cần “đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược” cho bộ máy.
Để tạo ra một chuyển biến cho chính Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nghĩ cần coi là kỳ Đại hội Đảng năm 2016 là cuối cùng theo mô hình cứ 5 năm một lần và từ 2016 bắt đầu họp theo phong cách mới là hội nghị toàn quốc hàng năm của Đảng.
Có mấy lý do ủng hộ cho phương án thay đổi này.
Thứ nhất, trong lịch sử đã có những lúc Đảng Cộng sản Việt Nam này không họp đại hội định kỳ.
Lãnh đạo đảng cầm quyền ở Singapore cũng làm luôn thủ tướng
Đại hội toàn quốc đầu tiên họp ở Macao năm 1935 nhưng đến tận năm 1960 mới có Đại hội lần thứ 3, sau một thời kỳ dài ở giữa gồm cả lúc đảng này tự giải tán hay đổi tên thành Đảng Lao động (Đại hội 2 năm 1951 ở Tuyên Quang).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn là nhờ khả năng giành thời cơ của các nhà cách mạng cộng sản tiền bối khi đó, không phụ thuộc vào bất cứ kỳ đại hội nào.
Thứ hai, tôi thấy đại đa số các đảng chính trị từ Âu sang Á đều họp hội nghị toàn thể hay đại hội hàng năm để ra các quyết định nhân sự và chính sách mới mẻ, nhanh chóng ứng phó với tình hình.
Thứ ba, cách họp hiện nay thiếu nhất quán vì tuy Đại hội Đảng họp 5 năm một lần nhưng lại có các hội nghị trung ương trong năm.
Về hội nghị trung ương thì cũng có năm có ba bốn kỳ, có năm chỉ có một, thiếu đồng bộ và tạo cảm giác là bị tình thế thúc đẩy.
Các nước và Việt Nam
Để giải quyết các vấn đề này, ta hãy xem các nước làm ra sao.
Đảng Nhân dân Hành động hiện cầm quyền ở Singapore họp đại hội hàng năm cho khoảng 5000 đại biểu để bầu hoặc bầu bổ sung 100 ủy viên Ban Điều hành Trung ương.
Ban này bầu ra Tổng bí thư, người theo thông lệ cũng nắm chức thủ tướng Singapore với điều kiện đảng Nhân dân Hành động là đảng cầm quyền.
Riêng Mỹ hai đảng chính họp bốn năm một lần chỉ để chọn ứng viên ra tranh cử tổng thống.
Các đảng Bảo thủ, Lao Động ở Anh đều họp thường niên, còn đảng Bảo thủ tại Canada thì bầu Hội đồng toàn quốc hai năm một lần.
Tại Anh, chỉ các đảng viên đã là dân biểu quốc hội thì mới được bầu vào ban lãnh đạo toàn quốc của Đảng Bảo thủ.
Điều này cũng cho thấy đã từ lâu các nước đều đồng ý là đảng cầm quyền thì phải cầm quyền, không thể có các chức vụ chỉ lo việc cho Đảng mà thôi.
Tại Ấn Độ, Đảng Quốc Đại cũng họp hội nghị thường niên (annual conference) để bầu Chủ tịch và Ủy ban toàn quốc.
Quốc hội Anh đón khách Việt Nam: lãnh đạo đảng ở Anh đều phải là nghị sỹ
Ở Malaysia, đảng UMNO cầm quyền cũng họp đại hội thường niên nhưng bầu lãnh đạo ba năm một lần. Tuy thế, cả trăm nghìn đảng viên chứ không chỉ 2500 đại biểu có quyền bầu trực tiếp lãnh đạo Đảng.
Điều khiến Việt Nam riêng biệt ra chính là vì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn theo mô hình Trung Quốc, họp đại hội 5 năm một lần.
Tuy thế, điều lệ của đảng cầm quyền ở Trung Quốc cũng nói rõ cứ 1/3 số tỉnh ủy yêu cầu là họ có thể mở đại hội toàn quốc, không cứ 5 năm một lần.
Từ năm 1993, Trung Quốc nhất thể hóa hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư, tạo tính liền lạc cho việc điều hành việc Đảng và việc nước.
Với Việt Nam, việc có hợp nhất hai chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước giống như Trung Quốc hoặc Singapore còn là câu hỏi mở.
Nhưng nếu sau năm 2016 mà sẽ lại vẫn là cách chia quyền lực ra ba vị trí (ba ngôi) hay bốn (tứ trụ) kéo thêm hai nhiệm kỳ nữa tới tận 2026 thì thông điệp Đổi mới Đảng sẽ rất yếu, thậm chí bị coi là ‘dậm chân tại chỗ’.
Giáo sư Nguyễn Phú Trọng vừa nói về nhu cầu “cải cách hành chính trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10.
Chuyển đại hội 5 năm một lần thành đại hội thường niên hay hội nghị toàn quốc hàng năm và bỏ luôn các kỳ hội nghị trung ương tốn kém trong năm vừa tăng dân chủ trong đảng, vừa gửi ra một tín hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng tự hiện đại hóa.
No comments:
Post a Comment