Larry Ong 13 Tháng Một , 2015
Ông Chen Zuo-er, nguyên phó giám đốc Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Ma Cao thăm Hồng Kông vào ngày 20/6/2014. (Pan Zai-shu / Epoch Times)
Một cố vấn Trung Quốc gần đây cho rằng Bắc Kinh nên kiểm soát lĩnh vực giáo dục của Hồng Kông vì lĩnh vực này đã góp phần thúc đẩy các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của Phong trào Ô.
Ông Chen Zuo-er, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Kông và Ma Cao của Trung Quốc – một tổ chức tư vấn bán chính thức, đã phát biểu trong một diễn đàn do Hiệp hội này tổ chức vào hôm 8 tháng 1 rằng Hồng Kông phải xem xét “những lợi ích quốc gia” của chính quyền Trung Quốc khi đề cập đến các chính sách giáo dục.
Ông Chen nói: “Tại sao ngành giáo dục lại ở trong tình trạng hỗn độn như vậy trong suốt phong trào Chiếm Trung tâm? Làm sao mà những thanh niên nhỏ tuổi, những người chỉ là những đứa trẻ sơ sinh khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, lại trở thành những người tuyến đầu vung lá cờ Anh Quốc và khuấy đảo các doanh trại quân đội và chính phủ của chúng ta?”.
Ông Chen nói thêm: “Nhiều người rõ ràng thiếu nhận thức về dân chủ, quyền công dân, mục tiêu cuộc sống, kiến thức địa lý, lịch sử và văn hóa”. Vì vậy, ông Chen cho rằng, thanh niên của Hồng Kông đã bị “tẩy não” vào việc tham gia phong trào chiếm đóng đường phố kéo dài gần ba tháng trời và Phong trào Ô ủng hộ dân chủ.
Ông Chen cũng cho biết quan chức cấp cao trong ngành giáo dục của thành phố được mệnh danh là trung tâm tài chính của châu Á này phải chịu “sự giám sát của chính quyền trung ương”, ông ta trích dẫn điều 48 và 104 của Luật Cơ bản, bản hiến pháp mini của Hồng Kông. Là một sản phẩm của Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, Luật Cơ bản quy định cách thức mà Hồng Kông tự cai trị mình dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, trong bối cảnh mà thành phố này có được “mức độ cao về tính tự chủ” trong khoảng thời gian 50 năm sau khi sáp nhập trở lại Trung Quốc vào năm 1997.
Ý kiến của ông Chen đã nhanh chóng nhận được những lời chỉ trích từ một số nhân vật trong lĩnh vực giáo dục của Hồng Kông.
Nhà lập pháp Ip Kin-yuen, người đại diện cho Hiệp hội Giáo viên Hồng Kông trong cơ quan lập pháp, lập luận rằng giáo dục là một lĩnh vực ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh, ông viện dẫn điều 136 và 137 của Luật Cơ bản. Ông Ip nói rằng Bộ trưởng Giáo dục của Hồng Kông chỉ có trách nhiệm báo cáo tới lãnh đạo cao nhất của thành phố và không ai khác.
Ông Ip cho biết thêm, hơn nữa, thanh niên Hồng Kông đã trở nên ít “yêu nước” hơn đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây, điều đó không phải vì có thất bại hay khoảng trống trong hệ thống giáo dục của Hồng Kông, mà là vì những thay đổi xã hội tại Trung Quốc và tin tức từ Internet.
Ông Cheung Yui-fa, một giáo viên dạy môn Nghiên cứu Tự do tại một trường học địa phương, nói rằng các sinh viên Hồng Kông sẽ tiếp tục xa rời chính quyền địa phương và chính quyền Trung Quốc nếu Bắc Kinh cứ khăng khăng ép buộc thông qua các tiết học giáo dục quốc dân mang tích chất “tẩy não”.
Trước đây, chính quyền Hồng Kông và chính quyền Trung Quốc đã cố gắng tuyên truyền “lòng yêu nước” trong các trường học của Hồng Kông, mặc dù không thành công.
Vào năm 2012, hàng chục ngàn người Hồng Kông đã xuống đường để phản đối một đề xuất chương trình giảng dạy về “giáo dục đạo đức và quốc gia” – một giáo trình về lịch sử Trung Quốc đương đại mang nặng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và những thiên vị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau nhiều tuần biểu tình, tuyệt thực, và chiếm đóng các cơ sở văn phòng chính phủ, ông Lương Chấn Anh, vị Trưởng Đặc khu Hồng Kông bị phần lớn dân chúng không ưa thích, đã phải nhượng bộ và cho phép các trường học tùy chọn việc áp dụng chương trình giảng dạy này trong “giai đoạn thử nghiệm” 3 năm trước khi quyết định liệu có triển khai bắt buộc hay không vào năm 2015.
Thủ lĩnh sinh viên trẻ tuổi Hoàng Chi Phong – gương mặt biểu tình nổi tiếng nhất của Phong trào Ô năm 2014 – đã trở nên xuất chúng trong các cuộc biểu tình năm 2012. Anh đã nhắc lại một cách dí dỏm về đề xuất của ông Chen Zuo-er nhằm áp đặt “giáo dục quốc dân” đối với người Hồng Kông một lần nữa và phát huy quyền lực của Bắc Kinh đối với nền giáo dục của thành phố này.
Theo Apple Daily, anh Phong cho biết: “Thành thật mà nói, nếu không có đề xuất chương trình giảng dạy “giáo dục đạo đức và quốc gia” thì sẽ không có Hoàng Chi Phong như ngày hôm nay”.
“Vậy tại sao ông Chen lại muốn truyền cảm hứng cho nhiều Hoàng Chi Phong hơn nữa”?
Theo Vietdaikynguyen
No comments:
Post a Comment