(Baodatviet) - Trong năm 2015, Indonesia có kế hoạch đóng thêm 4 chiếc tàu giám sát chống lại đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển của họ.
“Theo chương trình Hệ thống tàu giám sát thủy sản Indonesia, bộ sẽ đóng 4 chiếc tàu giám sát mới trong năm nay”, tổng giám đốc Cơ quan Giám sát thủy sản và nguồn lợi hàng hải Indonesia (PSDKP) Asep Burhanudin nói.
Tàu cá nước ngoài bị chính quyền Indonesia đánh chìm |
Theo ông, 4 chiếc tàu mới này, dự kiến sẽ được biên chế hoạt động vào cuối năm nay, sẽ bổ sung và hỗ trợ cho 27 chiếc tàu giám sát hiện đang do Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia vận hành.
“Chúng tôi cũng đang nỗ lực hết sức để gia tăng số ngày hoạt động từ 116 lên 210 ngày, và cuối cùng sẽ tăng lên 280 ngày trong một năm”, ông Burhanudin cho biết thêm.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan liên quan trong nước có những hành động quyết liệt nhất, để đối phó với các tàu đánh cá nước ngoài đánh bắt trộm hải sản tại các vùng biển của Indonesia.
Hồi tháng 11/2014, ông Widodo tuyên bố rằng Indonesia sẽ ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp của các tàu cá nước ngoài tại các vùng biển của họ. Nếu cần, có thể đánh chìm chúng, nhưng trước hết phải đảm bảo an toàn cho các thuyền viên trước rồi mới đánh chìm.
Lực lượng thực thi pháp luật hàng hải Indonesia diễn tập |
Ông Widodo cho rằng, hiện có khoảng 5.400 tàu cá hoạt động trái phép trong các vùng biển của Indonesia và gây thiệt hại về kinh tế cho nước này gần 25 tỷ USD mỗi năm.
Phát biểu tại Dinh tổng thống, ông Widodo nhấn mạnh rằng: “Đánh chìm ngay lập tức. Hãy đánh chìm tới 100 tàu đánh cá đánh bắt trái phép để các tàu khác sẽ không dám đánh bắt trái phép nữa”.
Tuy nhiên, Tổng thống Widodo đã yêu cầu phải sơ tán toàn bộ các thủy thủ đoàn và những người trên tàu trước khi đánh đắm. Ông Jokowi cho rằng, chính sách này nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển của Indonesia khỏi các hoạt động khai thác trái phép.
Indonesia mạnh từ lời nói đến việc làm
Trong một diễn biến khác, chính phủ Indonesia đang tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Đông sau khi TQ liên tục có những động thái gây căng thẳng ở khu vực thời gian qua.
Hãng IHS Jane’s dẫn nguồn tin từ các quan chức quân đội ở Jakarta đưa tin Indonesia sẽ triển khai máy bay trực thăng tấn công đến quần đảo Natuna của họ ở cực nam biển Đông và tăng cường sức mạnh hải quân ở khu vực này.
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ mua thêm 274 tàu hải quân, 10 phi đội máy bay chiến đấu cùng 12 tàu ngầm diesel thế hệ mới để bảo vệ lãnh thổ.
Chuyên gia Tim Huxley, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (Singapore), nhận định: “Người Indonesia không muốn để biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc và muốn duy trì tự do hàng hải”.
Indonesia từng tìm cách đứng ngoài các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước dọc biển Đông. Tuy nhiên, mới đây, Jakarta đã bày tỏ lo ngại về việc bản đồ đường chín đoạn phi pháp của Bắc Kinh liếm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Để đối phó với Trung Quốc, Indonesia không chỉ đầu tư mua thêm tàu, máy bay chiến đấu, mới đây, Indonesia còn bắt đầu cuộc tập trận lớn liên binh chủng trên biển và vùng hải đảo, sau khi Trung Quốc phát thành hộ chiếu có đường 9 đoạn có cả vùng đảo Natuna.
Sau động thái của Trung Quốc cho in hộ chiếu với hình 9 đoạn bao gồm cả vùng biển đảo của Indonesia, giới quân sự nước này đã có phản ứng.
"Điều Trung Quốc làm đã gây ảnh hưởng đến sự thống nhất quốc gia Indonesia. Vì thế, chúng tôi đến Natuna để tận mắt đánh giá các lực lượng vũ trang, sức mạnh chiến đấu của các đơn vị và để đề phòng trường hợp gì đó xảy ra trong vùng" - Tướng Fahru nói, và nhấn mạnh rằng, để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia, điều quan trọng là phải tăng cường tính kết nối xã hội với các vùng xa như Natuna.
Thứ Ba, 13/01/2015 19:16
Thanh Thảo (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment