Tuesday, January 13, 2015

Nghệ An: “Sống mòn” quanh Bệnh viện

Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An với quy mô hàng trăm giường bệnh đã đi vào hoạt động gần 2 năm. Tuy nhiên, do dự án triển khai không đồng bộ, bất cập trong thiết kế thi công đã kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trong khu vực.

Trước đây, chiếc giếng của nhà bà Từ Thị Long ở thôn Lam Trà - xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, nằm ngay sau lưng bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho gia đình nhưng nay đã bị ô nhiễm và bỏ hoang sau nhiều đợt mưa do nước từ bệnh viện tràn vào.

Theo quan sát, trong quá trình xây dựng bệnh viện, nhiều ống nước xả được thông qua bờ tường để tạo thành những vòi nước chĩa thẳng vào nhà. Theo bà Long thì đây là những vòi nước chảy ra từ hệ thống nước tràn của bệnh viện. Hiện nay để có nước sinh hoạt, gia đình phải vất vả đi xin nước ở nơi khác.




Ống nước thải Bệnh viện qua tường rào xả thẳng vào nhà dân

Có hoàn cảnh tương tự như gia đình bà Long là gần 30 hộ dân khác ở thôn Lam Trà này. Theo người dân ở đây cho biết từ khi xây dựng bệnh viện mới đến nay, cứ sau mỗi trận mưa là hàng chục hộ dân này lại phải sống trong cảnh ngập úng. Ao thả cá thì bỏ hoang, nước giếng thì luôn phải khửtrùng. Nguyên nhân là khi xây dựng bệnh viện, toàn bộ quả đồi được khoét sâu xuống theo mặt bằng thiết kế tạo nên một bệnh viện thấp trũng hơn 2 đến 3 mét so với mặt bằng chung. Sau trận lụt năm 2010, nước đổ dồn vào khuôn viên bệnh viện, do không có hệ thống thoát nước ra ngoài nên bệnh viện đã phải cầu cứu các hộ dân ở phía sau cho đập bờ tường để làm mương thoát nước, tránh sập tường bao. Từ đó đến nay, đất của gia đình bà Lê Thị Dung nghiễm nhiên trở thành mương thoát nước của bệnh viện ra khu vực dân cư ở phía sau.


Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam đã hoạt động gần 2 năm

nhưng do xây dựng trên vùng đất trũng, không thể thoát nước khi mưa lớn nên chỉ còn cách đặt ống thoát nước xả về khu dân cư

 Theo Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An, bác sỹ Nguyễn Đình Sơn: Bệnh viện đã đi vào hoạt động gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện hệ thống nước thải. Tuy nhiên theo lý giải của ông Sơn thì nước trần vào khu dân cư là từ hệ thống thoát nước bên ngoài, còn toàn bộ nước thải bệnh viện hiện vẫn còn nằm trong hầm chứa của đơn vị.

Được biết, hệ thống chất thải lỏng của bệnh viện có nguồn vốn đầu tư gần 10 tỷ đã được phê duyệt và cho phép triển khai đấu thầu, tiến hành thi công trong vòng 9 tháng. Và hệ thống xử lý chất thải rắn với nguồn vốn hơn 1,5 tỷ đồng cũng sẽ được triển khai trong thời gian khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện cũng thừa nhận, nếu thi công chậm, không đúng tiến độ thì bệ chứa chất thải lỏng sẽ quá tải. Còn vấn đề hộ dân chưa được trả đất và đền bù bởi nước tràn từ bệnh viên, ông Sơn cho rằng, đó là do người dân lúc trước đã tự nguyện cho BV mượn chứ không hè có thủ tục, văn bản nào.

Bên cạnh những bất cập và thiếu đồng bộ trong việc thi công hệ thống nước thải thì đường vào bệnh viện đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Chỉ với hơn 1,3 km, nhưng từ năm 2009 đến nay đường giao thông đi vào  Bệnh viên Đa khoa khu vực Tây Nam NghệAn tại huyện Con Cuông vẫn đang trong tình trạng dở dang. Trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn trượt, gây sụt lún, đặc biệt là khu vực dốc ngay trước cổng bệnh viện.

Vì sao những kiến nghị của người dân nơi đây đã được trình lên các cuộc họp HĐND các cấp mà vẫn chưa được giải quyết? Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương và bệnh viện Tây Nam Nghệ An như thế nào trong việc giải quyết thực trạng này?

 Thứ hai - 12/01/2015 13:41
Tác giả bài viết: Bùi Thọ - Trần Minh - Hữu Song
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

No comments:

Post a Comment