Cây cầu được làm bằng 200 thùng phuy và những tấm gỗ ghép đã mục nát nhưng hàng trăm người dân ở thị trấn Nam Phước vẫn liều mình qua lại hàng ngày.
Thôn Phước Mỹ 3 (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có gần 100 hộ dân với gần 300 khẩu. Khác với các tổ còn lại, người dân tổ 2 bị chia cắt bởi sông Bà Rén. Năm 2001, vì bức xúc việc đi lại nên chính quyền sở tại phối hợp nhân dân góp trên 600 triệu đồng mua 200 thùng phuy và hàng chục khối gỗ để làm cầu phao nối 2 bờ sông.
Chiếc cầu dài gần 200 mét, rộng hơn 2 mét được lát chủ yếu bằng tre và gỗ bị xuống cấp nghiêm trọng. Chịu sức ép từ dòng chảy của sông, chiếc cầu trở nên cong queo, lại không có lan can nên rất nhiều trường hợp bị rơi xuống sông khi đi qua đây.
Người dân luôn bất an khi hàng ngày phải qua sông trên chiếc cầu phao sắp sập.
Để cố định cho cầu khỏi bị dòng nước cuốn trôi, một dây sắt được kéo từ đầu bên này sang bên kia.
Cầu không có lan can nên rất nguy hiểm. Ông Nguyễn Thinh, Trưởng thôn Phước Mỹ 3, cho biết dù cầu phao đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hàng ngày người dân vẫn phải “đánh đu mạng sống" qua sông mưu sinh vì nếu đi đường khác thì rất xa.
Nguyễn Văn Thăng khi ông từ nhà ở tổ 2 qua cầu sang thị trấn Nam Phước chuẩn bị đất làm vụ đông xuân. Ông Thăng cho biết gia đình có 8 sào gồm 4 sào ruộng và 4 sào màu. Vì nhà và đất ruộng cách con sông Bà Rén nên mỗi mùa thu hoạch không còn cách nào khác là phải chở lúa về buộc đi qua cây cầu này. Ông Thăng nói: “Dân tổ 2 chúng tôi đều làm nông nghiệp với hơn 30ha, trong khi đất sản xuất nằm hết ở bên kia sông nên phải phụ thuộc vào cây cầu này. Nếu không có cầu, muốn đi làm đồng chỉ còn cách chạy xe máy xuống QL1A rồi quay ngược trở ra rồi rẻ lên thị trấn Nam Phước mất khoảng gần 10 cây số”.
Nhiều người dân khi được hỏi đều cho biết do ruộng của họ ở bên kia sông nên hàng ngày phải qua cầu phao để làm đồng. Vào mùa mưa lũ, mỗi khi qua cầu là một lần hoảng sợ.
"Dân tổ 2 đều làm nông nghiệp. Toàn bộ đất sản xuất nằm ở bên kia sông nên phải phụ thuộc vào cây cầu này. Nếu không đi qua đây thì chỉ còn cách chạy xe máy xuống quốc lộ 1A rồi quay ngược lên thị trấn Nam Phước mất gần 10 km", chị Nguyễn Thị Hoa (trú thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam Phước) cho biết.
Qua hơn 15 năm sử dụng, đến nay câu cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, gỗ lát mặt cầu mục nát và được dặm vá liên tục khiến mặt cầu không được bằng phẳng, cộng với các thùng phuy bị hỏng, nước cuốn trôi nên mỗi khi đi qua cây cầu rung lắc và dập dềnh trên sông rất nguy hiểm. Nếu không cẩn thận, người đi có thể té ngã xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo lãnh đạo thôn, mỗi tháng có trên 20 người rơi xuống sông được người dân phát hiện ứng cứu. Cách đây khoảng 3 năm, anh Lưu Hoàng (35 tuổi, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) trên đường qua nhà mẹ ruột ở thị trấn Nam Phước thì bị ngã xuống sông, chết đuối. Một năm sau, bà Nguyễn Thị Chơi (70 tuổi, thôn Phước Mỹ 2) đi bộ qua cầu thì đạp phải đoạn gỗ bị mục, mất thăng bằng rơi xuống nước tử nạn.
Ông Nguyễn Thinh cho biết mỗi ngày, hàng trăm học sinh của xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) dắt xe qua cây cầu để đến thị trấn Nam Phước đến trường. Sáng 15/1, hai học sinh khi đi học về bị rơi cả người và xe xuống sông, may mắn được cứu sống.
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch thị trấn Nam Phước – cho biết, lãnh đạo địa phương cũng bức xúc với việc đi lại của người dân nhưng vì không có kinh phí xây cầu nên cũng đành chịu. Để duy trì cây cầu “lỏng lẻo” này, mỗi năm địa phương phải bỏ hàng chục triệu đồng mua thùng phuy, gỗ về tu bổ. Tuy nhiên, hiện cây cầu này cũng như chiếc răng sắp rụng. “Để y rồi tu bổ cho bà con đi tạm chứ tháo ra là nát hết, không có kinh phí để làm lại. Còn duy trì cây cầu thì quá mất an toàn cho người dân”, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết.
Ông Nguyễn Thế Đức -Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Phước cho hay, vào mùa mưa lũ, lượng nước từ đầu nguồn sông Thu Bồn đổ về, cây cầu oằn mình vì bèo và rác. Khi đó, để bảo vệ cây cầu, người dân đành tháo một đầu dây để nó trôi theo dòng nước. Nếu nước lũ có về cuốn trôi cây cầu thì khi nước rút những nông dân nơi đây lại hì hục “chắp vá” để nối lại cây cầu, vì đây là con đường chính phục vụ việc đi lại và sản xuất của bà con nông dân. “Mới đây, thị trấn đã thuê tư vấn lập thiết kế cây cầu bê tông vĩnh cửu với chiều dài 150m, chiều rộng 2m, tải trọng 2 tấn, tổng kinh phí dự kiến trên 6,7 tỷ đồng. Mặc dù, thiết kế đã được UBND huyện Duy Xuyên phê duyệt triển khai trong năm 2015, tuy nhiên hiện nay thị trấn rất khó khăn về nguồn thu nên chưa thể đầu tư xây cầu” - ông Nguyễn Thế Đức - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Phước - cho hay.
Trong khi chờ cầu mới, người dân chỉ còn biết thắp hương cầu an mỗi khi qua cây cầu này với hy vọng không gặp những tai nạn đáng tiếc.
Thứ hai - 26/01/2015 16:14
Tác giả bài viết: Đoàn Nguyên
Nguồn tin: Zing
No comments:
Post a Comment