2015-01-26
Nikkei Asian Review - Một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất Nhật Bản đưa tin về Chân Dung Quyền Lực
Mạng Xã hội trở thành nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm..., Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng Xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn. Chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí …, phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng
Đó là lời phát biểu của Thủ tướng chính phủ vào ngày 14/1/2015. Đúng một ngày sau, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn lại nói
"Hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm là xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết, tạo sự ngờ vực trong xã hội"
Chân dung quyền lực và cung đình đỏ
Lời phát biểu của người đứng đầu chính phủ Việt nam có vẻ như mang một thông điệp tự do ngôn luận mà hàng ngàn bloggers và nhà báo tự do Việt nam mong đợi lâu nay, mặc dầu cũng đã nhiều lần ông Thủ tướng chỉ dừng lại ở lời nói.
Câu phát biểu của ông Trương Minh Tuấn, thuộc cấp của ông Dũng hình như lại chứa đựng một thông điệp ngược lại, với cách dùng từ mà blogger Hạ Đình Nguyên, một cựu sinh viên đấu tranh thời trước 1975 cho là mang giọng điệu của kẻ cho mình có quyền làm quan tòa
Mạng Xã hội trở thành nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm..., Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng Xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn. Chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí …, phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướngThủ tướng chính phủ
“Cách nhìn nhận vấn đề quá quen thuộc và đơn giản, cơ quan tuyên truyền mà mang giọng tòa án, mà thô thiển lại tưởng vừa nghiêm trang như tòa án Cải Cách Ruộng Đất một thời, để đưa đến hồi kết không kém phần máu me trung kiên quyết liệt: bắt nhốt? – Chúng là tội phạm! Rõ là một thứ "chân dung quyền lực" của thời kỳ mới mà không đề cập đến “bóc lột” để có đất đai, lâu đài hay tài khoản. Theo thiển nghĩ, đó mới chính là mầm mống đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước.”
Hạ Đình Nguyên dùng lại hình ảnh xét xử vô pháp luật của cải cách ruộng đất nửa thế kỷ trước và nêu lên một sự thật trớ trêu là bây giờ người ta không quan tâm đến bóc lột nữa, một sự bóc lột mới mà kết quả hiện đại và to lớn hơn tài sản của những người bị gọi là địa chủ ngày xưa. Đó là Chân dung quyền lực của thời đại mới.
Và Chân dung quyền lực lại là tên một trang blog mới được chú ý gần đây mà Tạp chí điểm blog không thể nào bỏ qua.
Sự xuất hiện của trang blog Chân dung quyền lực trên không gian truyền thông Việt nam tạo nên một sự trái khoáy giống như hai lời phát biểu của hai quan chức cao cấp mà chúng tôi nêu ra ở đầu bài viết. Thông thường truyền thông Việt nam bị chia ra làm hai phe, phe chính thống do đảng cộng sản nắm giữ đưa những tin tức theo chỉ đạo của đảng và tạo nên hình ảnh tốt đẹp cho các đảng viên. Phe bên kia là truyền thông không chính thống thường nêu những bình luận phản biện xã hội, và có khi còn đả kích đảng cộng sản nữa.
Trang Chân dung quyền lực đả kích nặng nề các cán bộ cộng sản cao cấp nhất một cách có chọn lựa, và đồng thời trong thông báo ngắn của trang này mới đây thì Chân dung quyền lực sẽ xóa bỏ những lời chỉ trích đảng cộng sản
Trang Chân dung quyền lực đả kích nặng nề các cán bộ cộng sản cao cấp nhất một cách có chọn lựa, và đồng thời trong thông báo ngắn của trang này mới đây thì Chân dung quyền lực sẽ xóa bỏ những lời chỉ trích đảng cộng sản và người thành lập ra nó là ông Hồ Chí Minh.
Với những thông tin cụ thể, chi tiết, và có khi sau đó được xác nhận bởi truyền thông chính thống của đảng, giới blogger lẫn nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước cho rằng đứng đằng sau trang đó cũng chính là đảng, hay đúng hơn là một ai đó trong đảng, và nguyên nhân ra đời của sự trái khoáy này không có gì khác hơn là sự đấu đá quyền lực của đảng cộng sản đang đến lúc dữ dội nhất. Và điều mà mọi người thấy rõ là truyền thông chính thức của đảng có lúc cũng lên tiếng chỉ trích các trang báo mạng, nhưng chưa thấy nêu đích danh Chân dung quyền lực, dù trong những ngày đầu năm mới này chính ở trang Chân dung quyền lực mà người ta thấy nhiều hình ảnh xấu của các đảnng viên cao cấp nhất.
Một nhà quan sát nước ngoài là giáo sư người Mỹ Jonathan London nhận xét rằng ở một quốc gia mà báo chí hoàn toàn bị kiểm duyệt bởi giới quyền lực chop bu thì sự xuất hiện của Chân dung quyền lực là một chuyện kinh thiên động địa.
Như vậy ở đây có một cuộc hôn nhân kỳ lạ giữa đảng cộng sản và kẻ mà nó ngại vô cùng là Internet. Một mặt những người cộng sản rất lo ngại Internet làm lung lay đế chế của họ, mặt khác họ cũng sử dụng nó cho những trận chiến cung đình của chính những người cộng sản. Người ta thi nhau đồn đoán, từ đường phố lên đến không gian mạng xã hội về những phe phái khác nhau đang giành quyền lực một cách khốc liệt trong đảng. Nào là phe ông Dũng bị phe ông Trọng âm mưu dùng phiếu tín nhiệm để hạ bệ, nào là ông Bá Thanh bị đầu độc, nào là ông Phạm Quang Nghị và ông Phùng Quang Thanh đã thất thế, rồi cuối cùng là chính ông Thủ tướng đứng đằng sau Chân dung quyền lực! v.v và v.v… Và tất cả những bài viết đó được Chân dung quyền lực đưa ra với một lý do vô cùng cao đẹp là chống tham nhũng, đem lại sự tinh tươm cho đảng và nhà nước Việt nam.
Ở một quốc gia mà báo chí hoàn toàn bị kiểm duyệt bởi giới quyền lực chop bu thì sự xuất hiện của Chân dung quyền lực là một chuyện kinh thiên động địaJonathan London
Nhưng dường như sự chống tham nhũng của Chân dung quyền lực là một sự tấn công có chọn lựa. Điều này làm người ta nghĩ đến nhà văn Trung quốc sống ở Hồng Kong, ông Mộ Dung Tuyết Thôn. Trong bài viết mới đây ông viết rằng công cuộc đả hổ diệt ruồi của ông Tập Cận Bình bên Trung quốc cũng chọn lựa những con hổ, những con ruồi khác nhau mà tiêu diệt.
Điều ngạc nhiên và cũng không ngạc nhiên là truyền thông chính thống của đảng vẫn im lặng… như thường lệ!
Nhiều blogger nói là việc một mặt cấm hoặc hạn chế truyền thông mạng, mặt khác lại dùng nó để đưa tin một cách úp mở làm một việc làm không đàng hoàng.
Khúc quanh truyền thông mạng
Nhưng với sự kiện mới của làng truyền thông mà có người gọi là một khúc quanh, nhiều blogger đồng ý với nhau rằng điều tạo nên chuyện đó là Internet.
Blogger Kami viết
Càng ngày báo chí và truyền thông nhà nước ngày càng mất lòng tin của người dân bởi cách làm chủ yếu mang tính định hướng, tuyên truyền có lợi cho một phía và nhiều khi bất chấp cả sự thật. Và đến nay, khi các mạng xã hội trở thành nguồn cung cấp các thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau thì truyền thông của Đảng đã tỏ ra bất lực.
Trên mạng xã hội, tất cả các thông tin đó được người ta chia sẻ, phổ biến cho nhau những tin tức hay, xác thực xen kẽ lẫn nhau bất kể nguồn tin. Đây có lẽ là lý do chính khiến nhà nước đến lúc này không có khả năng kiểm soát, chi phối hay kể cả việc định hướng thông tin.
Cùng với Kami các blogger khác cũng đề cập đến Internet như là một nhân tố mới trong truyền thông Việt nam, và qua đó là đời sống chính trị xã hội Việt nam.
Giáo sư Jonathan London viết
Báo chí và truyền thông nhà nước ngày càng mất lòng tin của người dân bởi cách làm chủ yếu mang tính định hướng, tuyên truyền có lợi cho một phía và nhiều khi bất chấp cả sự thật. Và đến nay, khi các mạng xã hội trở thành nguồn cung cấp các thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau thì truyền thông của Đảng đã tỏ ra bất lựcBlogger Kami
Như ở hầu hết các nhà nước độc đảng, hoạt động chính trị chọn nhân sự kế vị ở Việt Nam tất yếu sẽ diễn ra ở hậu trường. Bằng chứng về những gì thực sự đang diễn ra được che giấu một cách có hệ thống. Chính việc hiện nay Việt Nam đi chệch khỏi khuôn mẫu này đã khiến giới quan sát lưu ý.
Dù phần lớn người dân Việt Nam không theo dõi sát sao hoạt động chính trị của đảng, trong những năm gần đây Việt Nam đã phát triển một văn hóa chính trị ngày càng năng động, nhờ sự truyền bá nhanh chóng của Internet và những cơ hội mà Internet mang lại người dân Việt Nam đọc và bình luận về hầu như bất cứ chuyện gì khiến họ quan tâm, trong đó có chính trị.
Blogger Hiệu Minh thì viết trong bài Chuyện người hát rong rằng Internet đang làm thay đổi mọi ngõ ngách của cuộc sống. Cây bút Thiện Tùng viết bài trên Lạm bàn cuộc chiến về thông tin trên blog Bauxite Vietnam:
Do bất đồng quan điểm và thông tin sai sự thật của giới cầm quyền, từ lâu ở VN đã nổ ra cuộc chiến về thông tin bất chấp nhà cầm quyền có công nhận hay không. Cũng chính từ đó người ta gọi cho phân biệt giữa 2 phía “lề phải” và “lề trái” hay còn gọi “lề Đảng”và “lề Dân”, khiến giáo sư toán học Ngô Bảo Châu không ưng ý thốt lên “Lề dành cho những đàn cừu”.
Đã là thông tin, sự hơn thua nhau không phải ở “tính Đảng” mà ở “tính chân thật”
Đúng vậy: Ở lĩnh vực thông tin thì “ăn miếng trả miếng” để phân biệt ai đúng ai sai. Sai do vô ý thì phải đính chính, xin lỗi; sai cố ý thì xử lý theo pháp luật. Không thể chấp nhận ai nói trái ý lãnh đạo thì bắt. Ví dụ: Nếu trang Chân dung Quyền lực vu cáo ông Phúc, ông Thanh, ông Hùng tham nhũng thì thượng sách là các ông phản ứng – Nên nhớ, “Nguyên tắc Việt Minh, làm thinh là đồng ý” vẫn còn lưu dụng trong công chúng.
Cũng trên trang blog hàng đầu về phản biện xã hội Bauxite Vietnam này ông Nguyễn Đăng Quang viết rằng chính sự thật, là cái phải là sứ mạng của truyền thông, làm cho người dân không tin ở truyền thông do đảng kiểm soát, vì lâu nay hàng ngày họ chỉ trông chờ ở “sự thật” chính thống mà không được!
Còn Hạ Đình Nguyên thì nói về sự trưởng thành của ý thức công luận khi trang Chân dung quyền lực ra đời
Ai đứng đằng sau “chân dung quyền lực”? Dư luận không biết và cũng không cần biết, trừ những người trong lưới quyền lực. Người ta quan tâm nội dung nó nêu lên "có lý" hay không...Hạ Đình Nguyên
Ai đứng đằng sau “chân dung quyền lực”? Dư luận không biết và cũng không cần biết, trừ những người trong lưới quyền lực. Người ta quan tâm nội dung nó nêu lên "có lý" hay không, và cũng mong tiếng nói chính xác và kịp thời từ cơ quan nhà nước, tùy theo đó mà người dân có lòng tin hay không.
Nốt trầm cho một bước sang trang
Tuy nhiên trong niềm hứng khởi chờ đón tham gia vào một thời đại truyền thông mới, trong những ngày đầu năm này giới blogger cùng chia nhau nỗi buồn, một cây bút duyên dáng, một trang blog mạnh mẽ, nhà văn Phạm Thị Hoài cùng trang blog Pro&Contra tuyên bố giã từ độc giả.
Bà Phạm Thị Hoài kết thúc khoảng thời gian hơn một thập niên cho phản biện xã hội và truyền thông.
Nhà văn Võ Thị Hảo viết rằng không giống như một số nhà văn có thể tự biện minh rằng mình chỉ cần viết văn để được yên thân, Phạm Thị Hoài đã dấn thân hy sinh cả niềm hạnh phúc trở về thăm quê hương của mình vì bị nhà cầm quyền Việt nam cấm nhập cảnh.
Còn nhà văn Phạm Thị Hoài thì nêu một lý do buồn cho việc giã từ của mình
Nó chấm dứt trong bối cảnh nền báo chí độc lập ở Việt Nam đang mất đi quá nhiều hi vọng, khiến một lời chia tay lúc này u ám hơn tự nó.
Chúng tôi xin lấy lời chia tay này để khép lại bài điểm blog hôm nay, đó dường như cũng là một thông điệp gửi đến những blogger, nhà báo tự do Việt nam là dù biết rằng một trang mới đang lật qua, nhưng còn vô vàn chuyện phải làm cho một nền truyền thông tự do và lành mạnh.
Ghi chú: bài viết của Giáo sư Jonathan London bằng tiếng Anh, bản dịch Việt ngữ của Phạm Vũ Lửa Hạ.
No comments:
Post a Comment