Thursday, January 8, 2015

Biển Đông có thể trở thành khu vực nguy hiểm nhất thế giới

Khu vực và thế giới có khả năng sẽ bị nguy hiểm khi sự leo thang của Trung Quốc không có giới hạn.

 Một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc năm 2013. Ảnh: Tân Hoa Xã
Dựa trên những chính sách mới, hành động mới của Trung Quốc tại Biển Đông, phía Mỹ cho rằng: Việc Trung quốc gấp rút xây dựng công trình trên các đảo chiếm đóng ở biển Đông là nằm trong chiến lược “lát cắt xúc xích” nhằm thay đổi nguyên trạng có lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, với ý đồ là sau khi Trung Quốc đã hoàn thành các công trình quân sự kiên cố trên đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… cho dù Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết như thế nào trong vụ kiện Philippines hay Trung Quốc và ASEAN có đạt được thỏa thuận về COC thì cũng không còn ý nghĩa gì.
Mỹ đối phó Trung Quốc như thế nào?
Nhìn thấu mưu đồ của Trung Quốc và nhận định rằng sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông là hết sức đáng lo ngại, nên Mỹ đưa ra ý tưởng “đóng băng” các hành động ở Biển Đông.
Ý tưởng “đóng băng” các hành động ở Biển Đông với mục đích cản mạnh hành động của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về việc thảo luận các thành tố tích cực trong đề xuất của Mỹ, Philippines và của các nước ASEAN khác là rất tốt, nhưng cần phải tính toán thời gian (hàm ý là cần đẩy nhanh trong tình hình hiện nay).
Tuy nhiên, theo dự báo, Trung Quốc sẽ khó chấp nhận đẩy nhanh tiến trình bàn bạc về vấn đề này và COC, mà cùng lắm chỉ đồng ý “chiến thuật” (để làm giảm sức ép và chỉ trích từ ASEAN và các nước, nhất là tại các Hội nghị ASEAN, EAS, APEC…).
Phân tích sâu về  mưu đồ chiến lược của Trung Quốc, tiến sĩ Philip Sounders – Viện Chiến lược- Học viện Quốc phòng Mỹ cho rằng, Trung Quốc theo đuổi đồng thời hai mục tiêu chiến lược: duy trì hòa bình, ổn định và bảo vệ chủ quyền, quyền lợi biển.
Như vậy, chính sách của Trung Quốc là tổ hợp nhiều thành tố nhằm đảm bảo “căng thẳng có thể quản lý”. Theo đó, thứ nhất là Trung Quốc chủ yếu dùng lực lượng chấp pháp, hạn chế dùng lực lượng quân sự, nhằm “giảm giá phải trả về chính trị” và hạn chế leo thang căng thẳng thành xung đột quân sự. Thứ hai, là “răn đe” các nước khác về hậu quả trong quan hệ, kinh tế, an ninh nhằm buộc các nước này phải nhân nhượng.
Đồng thời, Trung Quốc tập trung cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm buộc các nước này phải nhân nhượng. Mặt khác, Trung Quốc tập trung cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm hạn chế sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước tranh chấp khác, thậm chí hy vọng Mỹ “kiềm chế” các nước này.
Tiến sĩ Philip Sounders cho biết thêm, Trung Quốc đang tin rằng thời gian càng về sau càng có lợi, do cán cân khu vực sẽ ngày càng nghiêng về Trung Quốc. Trung Quốc không cần nhân nhượng bây giờ mà dần dần các nước khác phải nhân nhượng và chấp nhận vai trò chi phối của Trung Quốc ở khu vực.
Thách thức nỗ lực của Mỹ
Mỹ ngày càng can dự nhiều hơn tại Biển Đông nhằm thực hiện chiến lược tài cân bằng sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời để đối phó với thách thức từ phía Trung Quốc đối với Mỹ trong việc duy trì nguyên trạng tại Biển Đông.
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc CSIS cho rằng, các căng thẳng gần đây tại Biển Đông (Trung Quốc tuyên bố có thể lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Đông, căng thẳng với Philippines tại bãi Cỏ Mây, hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển Việt Nam, mở rộng đảo Gạc Ma…) đã thách thức các nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì nguyên trạng tại Biển Đông, đồng thời giúp Mỹ can dự nhiều hơn vào khu vực.
Để đối phó với thách chức từ phía Trung Quốc, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược để gây ảnh hưởng buộc Trung Quốc điều chỉnh chính sách “ít đối đầu hơn” với các nước láng giềng tại Biển Đông.

Con đường tơ lụa của Trung Quốc trên bộ (màu đỏ) và trên biển (màu xanh) (Ảnh AP)

Chiến lược này của Mỹ mang tính đa chiều và được triển khai trên 9 hướng: (1) công khai phê phán các hành vi của Trung Quốc làm mất ổn định khu vực; (2) chủ động vận động sự ủng hộ cho việc sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế; (3) tăng cường tần suất và sự hiện diện của hải quân Mỹ; (4) tăng cường năng lực cho các đồng minh và đối tác; (5) khuyến khích các nước đa phương nhằm giảm nguy cơ, quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác; (7) chủ động đề xuất các sáng kiến nhằm giảm căng thẳng; (8) củng cố các cơ chế an ninh và kinh tế ở khu vực; (9) củng cố ASEAN, quan hệ Mỹ - ASEAN và tính đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế khu vực.
Theo Tiến sĩ Patrick Cronin – Giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương/-Trung tâm An ninh Mỹ, thời gian tới, để đóng vai trò lớn hơn và làm thay đổi thái độ gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ cần thực hiện một số biện pháp sau: (1) Mỹ cần duy trì sự hiện diện trong khu vực qua các hoạt động tập trận chung hay cho phép tàu chiến ghé thăm các cảng trong khu vực; (2) giúp đỡ xây dựng năng lực tự bảo vệ cho các nước, nhất là lực lượng chấp pháp trên biển; (3) hỗ trợ các hợp tác của khối ASEAN; (4) chia sẻ thông tin tình báo.
Tiến sỹ Patrick Cronin cũng đề nghị Mỹ nên xem xét bãi bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers lưu ý Mỹ cần tránh xung đột trực tiếp với Trung Quốc nhưng cần có hành động ngăn chặn Trung Quốc, trong đó phải tăng cường hỗ trợ và mở rộng hợp tác hơn nữa với các nước đồng minh và bạn bè trong khu vực.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Bonnie Glaser thuộc CSIS cũng cho rằng, vai trò của Mỹ tại Biển Đông là làm giảm căng thẳng trong khu vực.
Trừng phạt Trung Quốc?
Mục tiêu chiến lược cao nhất của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông. Việc Trung Quốc quyết định thực hiện tham vọng này bằng mọi giá khiến Biển Đông đang trở thành khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới.
Ông Yoji Koda – Nguyên Tư lệnh Lực lượng phòng vệ Hải quân Nhật Bản cho rằng: thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành động mang tính khiêu khích và leo thang căng thẳng trên Biển Đông như: đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chặn đường tiếp tế của Philipines ở bãi Cỏ Mây; chiếm bãi cạn Hoàng Nham /Scarborough; tôn tạo ở đảo Gạc ma và những hành vi gây hấn ở bãi Tăng Mẫu…
Điều đó cho thấy Trung Quốc quyết tâm độc chiếm Biển Đông bằng mọi giá và đây là mục tiêu chiến lược cao nhất của Trung Quốc. Biển Đông đang trở thành khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới và nếu có xung đột xảy ra trên vùng biển này thì Nhật Bản sẽ là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do có tới 83% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản đi qua đây.
Ông Yoji Koda cho biết thêm, vấn đề thực sự nghiêm trọng trên thực địa hiện nay là quá trình Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo để từ đó có thể xây dựng các cảng biển nước sâu, tiến tới xây dựng các căn cứ quân sự chiến lược nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Hoạt động "thăm dò dầu khí" của Trung Quốc trên giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Theo đó, hiện ở phía Bắc Biển Đông Trung Quốc đã kiểm soát đảo Phú Lâm; tại đảo Gạc Ma ở phía Nam quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đường băng; Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn Hoàng Nham ở phía Đông của Biển Đông.
Nếu Trung Quốc cải tạo và xây dựng Gạc Ma và bãi Hoàng Nham thành các cơ sở cảng biển/ căn cứ quân sự, thì cùng với căn cứ quân sự ở đảo Hải Nam và các cơ sở đã được xây dựng trên đảo Phú Lâm/ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ tạo được thế chân kiềng hoàn toàn kiểm soát được Biển Đông và sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không tại đây.
Tuy nhiên, điểm yếu của các vị trí này là dễ bị tấn công bằng tên lửa.
Ông Yoji Koda cho rằng, Nhật Bản và Mỹ biết rõ mục tiêu cuối cùng cũng như cách thức Trung Quốc thực hiện mục tiêu đó, nhưng hiện chưa rõ sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu của mình bằng cách nào.
Việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn với việc liên tiếp mở rộng chiếm đóng trên thực địa tại Biển Đông là do Trung Quốc hầu như không phải chịu bất cứ hậu quả nào.
Nhiều chuyên gia, học giả Nhật Bản, Mỹ tại Đối thoại có cùng chung nhận định: điểm nổi bật trong quá trình Trung Quốc mở rộng chiếm đóng trên thực địa tại Biển Đông là Trung Quốc hầu như không phải chịu bất cứ hậu quả nào. Điều này, xuất phát từ một số nguyên nhân: (1) Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, đặc biệt là sức mạnh quân sự và Trung quốc thấy cái giá phải trả thấp hơn nhiều cái lợi thu được từ chính sách quyết đoán này; (2) Mỹ đã không có hành động tương xứng với lời nói.
Một số chuyên gia đã chỉ trích Mỹ và cho rằng Mỹ cần lãnh đạo để đối phó, đẩy lùi những hành vi gây hấn và chiếm đóng của Trung Quốc. Nếu các nước liên quan buộc Trung Quốc “phải trả giá” và cái giá này lớn hơn nhiều lần cái Trung Quốc thu được thì Trung Quốc sẽ buộc phải cân nhắc kỹ hơn trước khi hành động. Thậm chí có ý kiến cho rằng, nên áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, mặc dù khả năng này khó.
Trả lời cho câu hỏi đâu là giới hạn của sự leo thang của Trung Quốc? Một số học giả của Nhật Bản cho rằng: không rõ đâu là giới hạn của sự leo thang này. Vấn đề còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các phe phái ngay trong chính quân đội Trung Quốc. Ví dụ, lực lượng không quân Trung Quốc có thể đòi hỏi tăng ngân sách để phục vụ việc duy trì kiểm soát Vùng nhận dạng phòng không đã thiết lập trên biển Hoa Đông và có thể thiết lập vùng tương tự ở Biển Đông. Như vậy, khu vực và thế giới có khả năng sẽ bị nguy hiểm khi sự leo thang của Trung Quốc không có giới hạn./.
 Thứ Năm, ngày 8/1/2015 - 18:00
Theo Bùi Hùng (VOV)

No comments:

Post a Comment