Sunday, December 28, 2014

Bước đi tiếp của Trung Quốc sau khi xây đường sắt

(Baodatviet) - Các tuyến đường sắt đang trở thành vũ khí lợi hại phát triển kinh tế trong nước và nâng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc.

Ngày 26/12, Trung Quốc đã khai trương 3 tuyến đường sắt cao tốc nội địa mới có tổng chiều dài hơn 3.000km gồm: Lan Châu - Tân Cương (1.777km); Quý Châu - Quảng Châu (856km) và Nam Kinh - Quảng Châu (574km với vận tốc trung bình từ 200 - 250km/giờ. 
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, việc phát triển các tuyến đường sắt nội địa Trung Quốc có tương lai tươi sáng, hỗ trợ kinh tế phát triển. Báo cáo cho biết, đường sắt cao tốc nội địa Trung Quốc đã vận chuyển 672 triệu lượt khách đi lại trong năm 2014, tăng gấp 4 lần so với năm 2008, đồng thời dự đoán “trong 20 năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh”.
Trung Quốc ôm nhiều tham vọng với chiến lược đường sắt của mình
Trung Quốc ôm nhiều tham vọng với chiến lược đường sắt của mình
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế, vốn tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong quý 3. Hồi tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã phê chuẩn việc xây dựng 4 tuyến đường sắt trị giá 66,24 tỷ nhân dân tệ (tương đương 10,79 tỷ USD). Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, những tuyến đường sắt mới trên sẽ chạy ở tỉnh Cát Lâm, Trùng Khánh, Thiểm Tây và khu tự trị Nội Mông.
Đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã đầu tư 590 tỷ nhân dân tệ cho các dự án đường sắt, tương đương 74% tổng vốn dành cho đường sắt năm nay. Hiện Trung Quốc đã có hơn 11.000km đường sắt cao tốc đến năm 2020 sẽ là 16.000km.
Song song với các dự án đường sắt trong nước, Trung Quốc cũng đang xây dựng tuyến đường sắt đi thẳng vào trung tâm châu Âu khi ký kết với Hungary và Serbia hợp đồng xây dựng một tuyến đường xe lửa cao tốc, là nền tảng cho một hành lang chiến lược từ Hy Lạp dẫn đến trung tâm châu Âu. Dự án này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cao trao đổi thương mại với các nước châu Âu.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố việc xây dựng sẽ hoàn tất vào năm 2017, giúp đưa vận tốc từ 70km/giờ lên 200km/giờ. Tuyến đường cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và sẽ cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu.
Trước đây, hàng hóa của Trung Quốc được chuyển qua kênh đào Suez, sau đó đi vòng quanh châu Âu tới các cảng ở bờ biển phía Tây Bắc như Rotterdam, Antwerp và Hamburg, cuối cùng mới tới các thành phố trong lục địa châu Âu. Giờ thì hàng hóa của Trung Quốc có thể được vận chuyển trực tiếp từ kênh đào Suez tới thẳng Hy Lạp và vận chuyển qua các nước bằng tàu hỏa tới thẳng Tây Âu, tổng thời gian vận chuyển ước tính giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. 
Trao đổi với Đất Việt trước đó, Ths Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới chỉ ra rằng, việc Trung Quốc có hàng loạt các dự án đường sắt chính là một bước tiến quan trọng, họ kiểm soát hệ thống vận tải, quan trọng nhất của ngành vận tải trên khắp thế giới. Ngoài ra, thông qua các dự án này, Trung Quốc có mối gắn kết về kinh tế rất chắc chắn với các quốc gia, thông qua đó, để làm công cụ nắm rất rõ tình hình kinh tế, chính trị ở các quốc gia này. 
PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới nói rõ hơn, Trung Quốc nhắm tới một số mục đích khi đầu tư hàng tỷ USD ra nước ngoài để phát triển đường sắt. 
"Một là, mở ra thị trường tiêu thụ cùng hệ thống đường sắt hàng chục tỷ USD, kèm theo đó ít nhất cũng phải 1 nửa hoặc hơn 1/3 hàng hóa phải mua từ Trung Quốc.
Hai là, đưa người qua giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, như dự án đường sắt Nigeria hơn 12 tỷ USD cũng phải hơn 200.000 người lao động, trong đó có lao động địa phương, nhưng lao động Trung Quốc chiếm một nửa. Đáng lo hơn, đó chính là lao động Trung Quốc không chỉ là lao động chuyên gia mà là lao động chân tay, chính sách của Trung Quốc là di dân, đưa lao động ra nước ngoài làm việc, rồi quay trở về, đây là hình thức di dân ra nước ngoài, di dân này không phải lao động bình thường, rất nhiều trong số đó là tù binh, bất hảo trong nước", ông phân tích.
PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh cũng lưu ý: "Điều kiện viện trợ của Trung QUốc đơn giản, nhưng đằng sau nó lại là vấn đề khác, như đối với các nước đang phát triển thì đều có lãi suất thấp, nhưng điều kiện là không được can thiệp vào việc nội bộ.
Trong khi đáng lẽ, viện trợ phải đi kèm với giải quyết vấn đề tự do báo chí, tự do nhân quyền, chống tham nhũng, điều kiện lao động, không ngược đãi trẻ em, phụ nữ, nhưng Trung Quốc lại không kèm theo những điều kiện đó, mà luôn giương cao ngọn cờ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Khi Trung Quốc đã cho một chân vào như một con cáo, thì sẽ gây ra các tệ nạn còn kinh khủng hơn như tham nhũng, dung túng cho quan chức...".
  • Khải An

No comments:

Post a Comment