Sunday, December 28, 2014

Đâu là sự thực “nhà vệ sinh dát vàng” tại một xã nông thôn mới?

Dân trí Bạn đọc ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phản ánh tới báo Dân trí, nhiều trang thiết bị được mua từ nguồn ngân sách cấp cho địa phương trong chương trình xây dựng nông thôn mới được duyệt giá mua cao bất thường.

Từ ghế “đội giá” đến nhà vệ sinh “dát vàng”
Một cán bộ xã Sơn Đông khẳng định dự án xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Đông có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch. Mọi khâu từ chủ trương đến lập kế hoạch, đại biểu HĐND xã đều không hề hay biết. Khi lãnh đạo xã ban hành kế hoạch thực hiện thì nhân dân và cán bộ các thôn đều “ngã ngửa” vì giá thành mua sắm của các trang thiết bị quá đắt. Đơn cử tại gói thầu số 1 xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa cho các thôn có tổng mức dự toán hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng xây dựng 6 nhà vệ sinh đã dự tính “ngốn” hơn 642 triệu đồng! Một người dân tại đây phải thốt lên: “Nhân dân chúng tôi “sốc toàn tập” với giá cả trên trời này… Nếu để cho thôn tự làm thì chỉ hết khoảng 30 triệu đồng và trong chục ngày là xong. Không hiểu họ đưa ra mức giá này từ đâu? Phải chăng nhà vệ sinh được dát vàng?”
Chính quyền xã chỉ đạo các thôn kêu gọi người dân đóng góp tiền để mua ghế gấp nhãn hiệu Xuân Hòa để trong nhà văn hóa các thôn với mức giá được duyệt là 484 nghìn đồng/chiếc. “Bàn ghế thuộc danh mục người dân phải góp tiền mua nên đơn vị trúng thầu “nhường” quyền cho thôn tự mua. Chúng tôi đến nơi sản xuất, mua đúng chủng loại chỉ với giá 170 nghìn đồng/ghế. Có thôn mua với mức giá cao nhất cũng chỉ đến 246 nghìn đồng/chiếc”, một trưởng thôn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Viết (người dân trong xã) bức xúc cho hay: “Quan điểm của chúng tôi là dân đóng góp tới đâu thì mua tới đó. Lựa chọn ghế đẹp, đúng tên ghế như phê duyệt của xã và giá thấp hơn rất nhiều so với dự toán. Có người nói với tôi, lãnh đạo xã vẫn chỉ đạo, dù mua giá thấp nhưng khi ký, để quyết toán vẫn phải khai báo là 484 nghìn đồng/ghế. Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ điều này”.
Đâu là sự thực “nhà vệ sinh dát vàng” tại một xã nông thôn mới?

Đâu là sự thực “nhà vệ sinh dát vàng” tại một xã nông thôn mới?
Ghế nha khoa và máy sinh hóa tự động trị giá hàng trăm triệu nhưng mới chỉ sử dụng 1 lần do thiếu thiết bị và cán bộ.

Với chiếc máy phát điện mang mã hiệu Hyundai DHY 15KSE được mua về với mức giá đăng ký là gần 273 triệu đồng. Người dân tại đây đã tìm hiểu và cho biết, chiếc máy này ngoài thị trường có giá không quá 170 triệu đồng!
Nhưng những dấu hiệu “khó hiểu” vẫn chưa hết.
Thiết bị đắt tiền… đắp chiếu
Nhiều cán bộ, nhân dân các thôn tại xã Sơn Đông đều không giấu nổi bức xúc trước những dấu hiệu bất thường đến từ lô thiết bị đắt tiền được cung cấp của dự án xây dựng nông thôn mới. Hàng loạt hạng mục mua sắm trang thiết bị cho UBND xã, trạm y tế, xây dựng nhà vệ sinh cho các thôn đều… “có vấn đề”. Tại biên bản nghiệm thu ngày 4/2/2013 giữa ông Nguyễn Long Giang – Chủ tịch UBND xã (đại diện chủ đầu tư) và đơn vị cung cấp thiết bị: Hiện các chức danh Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, Thường trực HĐND, Phó Bí thư Thường trực, 2 Phó Chủ tịch UBND xã đang sử dụng những tiện nghi khá đắt tiền: Ghế xoay bọc da trị giá 3,2 triệu đồng/chiếc, bộ bàn ghế giả cổ tiếp khách trị giá 32,8 triệu đồng/bộ, điều hòa 2 chiều Panasonic trị giá 15,3 triệu đồng/cái, cây nước nóng lạnh Kangaroo trị giá 4,9 triệu đồng/cây.
Đáng chú ý, một số trang thiết bị được trang bị cho một số phòng có giá rất cao. Cụ thể, tại phòng họp nội bộ được trang bị 40 ghế gỗ có giá hơn 638 nghìn đồng/chiếc, tại Hội trường lớn được trang bị 100 ghế Hòa Phát giá gần 540 nghìn đồng/chiếc…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gói thầu mua sắm trang thiết bị cho UBND xã trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Người dân cũng đặt dấu hỏi đối với gói trang thiết bị cho trạm y tế xã trị giá gần 1,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số trang thiết bị đắt tiền được trang bị nhưng không sử dụng được do thiếu đồng bộ hoặc không cần thiết phải trang bị cho y tế cấp xã. Chiều 24/12, chúng tôi có mặt tại trạm y tế xã Sơn Đông, sau hơn 15 phút, các cán bộ y tế tại đây mới tìm được chìa khóa để đưa chúng tôi vào diện kiến lô thiết bị đắt đỏ được cấp phát theo gói xây dựng nông thôn mới. Đó là ghế nha khoa ST-D520 trị giá 167 triệu đồng và máy xét nghiệm sinh hóa tự động có giá hơn 305 triệu đồng.
Theo Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Đông: Toàn bộ lô thiết bị này, từ lúc đưa về (tháng 6/2012) đến nay máy sinh hóa tự động chỉ vận hành đúng một lần nhưng không cho kết quả vì thiếu máy ly tâm để trưng cất nước lọc. Trong khi đó, ghế nha khoa cũng chỉ có thể hoạt động khi có cán bộ trên huyện tăng cường về.
“Mọi việc đều đúng quy trình”
Trao đổi với phóng viên Dân trí vào chiều 24/12, ông Nguyễn Long Giang – Chủ tịch UBND xã Sơn Đông khẳng định: “Mọi việc đều được triển khai đúng quy trình” từ khâu thiết kế, lên dự án, đăng báo tìm nhà thầu và kiểm định giá. Đối với gói thầu xây nhà vệ sinh, ông Nguyễn Long Giang cho biết có tổng cộng 18 nhà vệ sinh, mỗi nhà vệ sinh rộng 12m2 với 2 buồn, giá trị trung bình mỗi nhà vệ sinh là 90 triệu đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra chúng tôi phát hiện nhà vệ sinh tại thôn Đồi Chợ chỉ có diện tích 2,6 x 2,2m! Theo Hợp đồng thi công xây dựng số 05/2014/HĐ-XD giữa UBND xã Sơn Đông và Công ty cổ phần Sản xuất và xây dựng thương mại Quảng Đông, nhà vệ sinh như vậy được bên thi công liệt kê giá trị xây dựng lên tới 80 đầu mục (?).
Ông Nguyễn Long Giang, thừa nhận xã không có năng lực về việc lập đơn giá, thẩm định đơn giá mua các trang thiết bị nên phải thuê các đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép làm công tác thẩm định. Cũng bởi lẽ trên, giá được đơn vị thẩm định giá đưa ra đều được phía chủ đầu tư mà ở đây là UBND xã Sơn Đông thông qua.
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia kinh tế có nhiều tâm huyết với công cuộc xây dựng nông thôn mới đánh giá: “Trong số hàng trăm xã đạt đủ tiêu chí nông thôn mới trên cả nước, đây đó vẫn có những nghi kỵ cho rằng có tham nhũng “vặt”. Dĩ nhiên không vì lẽ đó mà chúng ta vội vã quy kết nơi này, nơi khác. Nhưng cũng bởi vậy, cơ quan trung ương càng cần thiết phải rốt ráo vào cuộc nhanh, sớm làm rõ. Một là, sớm minh oan cho cán bộ nếu họ không làm sai. Nếu có chuyện chi bừa bãi, thiếu nghiên cứu, quy hoạch thì xử lý cán bộ để làm gương. Ba là, vạch mặt chỉ tên những “con sâu” đang làm buồn lòng nhân dân”.
“Tôi không biết”
Phóng viên: Vụ việc ông đã báo cáo với lãnh đạo cấp trên chưa? Họ phản ứng ra sao?
Ông Nguyễn Long Giang: Báo chí vào cuộc, người dân phản ánh, tôi đã đề đạt với lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây lên tiếng, làm rõ nghi ngờ tư lợi trong chuyện này. Tuy nhiên, các anh trên đó có nói vụ này chưa đáng để thanh tra vào cuộc.
Tại sao lại “chưa đáng”, thưa ông?
Tôi không biết. Tôi cũng mong cơ quan cấp trên sớm thanh tra, làm rõ để khỏi mang tiếng với người dân… Mọi việc tôi đều làm đúng quy trình pháp luật.

Thứ Hai, 29/12/2014 - 01:04
Minh Phúc

No comments:

Post a Comment