Sunday, December 28, 2014

Doanh nghiệp chết 'không đáng lo', kinh tế dựa vào đâu?

(Baodatviet) - Năm 2014 với hơn 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động song Tổng cục Thống kê cho rằng tình hình không đáng lo.

Thông tin này vừa được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đưa ra tại buổi họp báo của Tổng cục Thống kê chiều 27/12.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện có 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể. Trong đó có đến gần 94% doanh nghiệp có số vốn dưới 10 tỷ và 70% số doanh nghiệp giải thể thuộc lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng công nghệ thấp như lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy; dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị.
Theo đó tờ TBKTSG dẫn lời ông Thúy nhận xét, có bốn nguyên nhân cơ bản làm doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa:
Thứ nhất, kinh tế thế giới suy giảm, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nên các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thứ hai, 97,6% số doanh nghiệp Việt Nam là có quy mô nhỏ và vừa, có trình độ quản lý thấp, năng lực cạnh tranh yếu nên dễ bị phá sản.
Thứ ba, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa về quy mô nên các chủ doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác dễ dàng.
Thứ tư, các doanh nghiệp kém về nguồn nhân lực, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, nên họ có hiệu quả hoạt động thấp, khó cạnh tranh.
Trước con số này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận việc này là bình thường, và “không đáng lo ngại.”
“Ở góc độ nào đó, giải thể hay phá sản của doanh nghiệp giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững,” ông Lâm nhận định.
Năm 2014 với hơn 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động
Năm 2014 có hơn 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động
Doanh nghiệp kiệt sức
Ông Lê Hữu Đào - chủ Công ty Vĩnh Lộc Phát chuyên sản xuất hàng nhựa ở huyện Bình Chánh, TP.HCM từng chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ: "ai chẳng khát khao vươn ra biển lớn nhưng mới manh nha làm thương hiệu là bị “đập” chết ngay. Cuộc chơi ngày càng trở nên nghiệt ngã”.
Phân tích từ thực tế ông Đào chỉ rõ hiện nay các DN Việt Nam mạnh trong nhựa, dệt (làm bao bì), nhưng rất khó cạnh tranh với DN Đài Loan.
“Những DN nước ngoài ở đây về năng lực sản xuất chưa chắc hơn chúng tôi nhưng họ có nguồn vốn rẻ và công nghệ thì họ được chính phủ hỗ trợ phát triển và chuyển vào VN”, ông Đào nói.
Chính vì vậy, nhiều DN Đài Loan trong ngành nhựa ở đây chiếm phần lớn thị phần hàng nhựa cao cấp xuất khẩu, còn số ít DN trong nước chỉ làm hàng “chợ”. Hai năm qua, ba DN VN trong lĩnh vực này manh nha làm hàng thương hiệu bị ép giá đến phá sản.
Trong khi đó ông Đào kể từ khi thành lập DN đến nay cũng gần chục năm chưa bao giờ nhận được hỗ trợ, ưu ái gì từ chính sách.
“Nhiều lần khó khăn, đói vốn chúng tôi cũng tìm đến các gói tín dụng ưu đãi cho DN vừa và nhỏ nhưng chính sách cho vay rất khó. Bên cho vay đòi đủ thứ chứng minh, thậm chí cả nguồn gốc máy móc. Họ như muốn một hồ sơ DN sạch sẽ hoàn toàn mà những điều kiện này với DN nhỏ và vừa rất khó đạt được”, ông Đào nói.
Ông Đào cũng nói rằng không chỉ vốn, công nghệ mà ngay cả thị trường DN nhỏ và vừa như ông đều phải tự bơi vì vai trò kết nối của các hiệp hội DN rất mờ nhạt.
Còn ông Phùng Đình Ngọ, chủ Công ty may Bình Hòa ở quận Gò Vấp, TP.HCM thì buông: “Tôi kiệt sức rồi!”.
Trước đây công ty của ông Ngọ có lúc lên đến 300-400 người. “Công ty chỉ còn vài chục người. Tôi chưa muốn giải thể hoàn toàn vì còn chờ cơ hội từ TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) có thay đổi được gì không, nếu không tôi phải bỏ hẳn dệt may để chuyển qua lĩnh vực khác”, ông Ngọ nói.
Ông Nguyễn Ngọc Út, giám đốc điều hành Công ty du lịch Golden Tours (Q.1, TP.HCM), còn chỉ ra một thực tế: khi có chính sách hỗ trợ được Nhà nước ban hành thì việc tiếp cận của DN tư nhân cũng khó hơn gấp bội vì thường bị vướng mắc trong các thủ tục hành chính.
Trong khi đó các DN FDI lại có sự hậu thuẫn rất mạnh từ các tổ chức ngành nghề, các hiệp hội của chính nước họ. Cả hai đối tượng đó đều được đảm bảo khả năng tài chính tốt để đầu tư khoa học công nghệ, còn DN tư nhân thì hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào.
Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan từng thẳng thắn nói "doanh nghiệp tư nhân dường như đang bị bỏ rơi, họ phải gồng mình chống chọi với những khó khăn".
Cụ thể, bà Phạm Chi Lan cho biết, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hiện nay bao gồm ba khối chính: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Trong khi các doanh nghiệp khối quốc doanh và FDI được những chính sách ưu ái từ phía Nhà nước, về thuế, phí, đất đai... thì cộng đồng doanh nghiệp tư nhân dường như đang bị bỏ rơi.
"Sau khi đi một vòng khảo sát, tôi mới giật mình và phát hiện rằng khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay chẳng có gì và gần như cần phải phát triển lại từ đầu", bà Phạm Chi Lan nói.
"Đứng giữa hai khu vực lớn (doanh nghiệp Nhà nước và FDI) được ưu đãi quá nhiều, doanh nghiệp tư nhân dù chiếm số lượng lớn vẫn bị lạc lõng, gần như phải tự thân vận động và không thể liên kết được với ai nên càng trở nên khó khăn hơn", bà Phạm Chi Lan nói.
Trên thực tế so sánh tỷ lệ sử dụng nguồn lực và đóng góp cho nền kinh tế của khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh đã cho thấy hai bức tranh tương phản: Trong giai đoạn 2006-2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 45% tổng đầu tư nhưng chỉ tạo ra 28% GDP, trong khi đó, khu vực doanh nghiệp dân doanh chỉ chiếm 28% tổng đầu tư nhưng lại tạo ra tới 46% GDP.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đóng góp đến hơn 2/3 GDP, ¾ giá trị sản xuất công nghiệp và 100% việc làm mới cho nền kinh tế. Thế nhưng lâu nay, vai trò của doanh nghiệp dân doanh chưa được nhìn nhận tương xứng với những kết quả đã đạt được.
Do đó có nhiều câu hỏi đặt ra vậy nền kinh tế sẽ dựa vào đâu nếu DN tư nhân liên tục công bố 'chết' hàng loạt?.
Thứ Hai, 29/12/2014 07:07
  • Phương Nguyên (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment